Cơ hội thật cho những cổ phiếu “sống thật”

Cơ hội thật cho những cổ phiếu “sống thật”

Năm 2017, thị trường chứng khoán được dự báo sẽ có bộ mặt mới, hấp dẫn hơn, với một số cổ phiếu “sống thật, có giá trị thật”.     

Theo các chuyên gia, đến năm 2020, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu Việt Nam sẽ chiếm khoảng 70% GDP, so với mức 44% vào cuối năm 2016 (khoảng 90 tỷ USD).

Có hai lý do chính khiến thị trường chứng khoán Việt Nam đạt mốc này.

Thứ nhất, VN-Index có diễn biến khả quan trong 10 tháng của năm 2016, có thời điểm đạt 690 điểm - mức cao nhất trong 8 năm.

Thứ hai, các doanh nghiệp lớn như Tổng công ty Rượu – Bia – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Novaland… lên sàn, nâng số lượng công ty niêm yết có giá trị vốn hóa trên một tỷ USD tăng vọt.

Theo ông Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc đầu tư Quỹ Dragon Capital, nếu nhìn vào số lượng cổ phiếu tăng/giảm trên thị trường, thì rất ít cổ phiếu đạt tỷ suất sinh lợi trên 14%, nghĩa là vẫn còn tồn tại không ít cổ phiếu ảo. Do đó, trong năm 2017, sự phân hóa sẽ càng diễn ra mạnh mẽ.

Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, mức tăng trưởng GDP trong năm 2017 của Việt Nam là 6,3%. Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục được nhìn nhận như một điểm đến tiềm năng.

“Trong trung và dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam có triển vọng khá sáng nhờ lượng cung hàng tốt, nhiều quỹ đầu tư cũng đang quan tâm. Kỳ vọng năm 2018 - 2019, thị trường này có thể đạt mức vốn hóa 110 - 120 tỷ USD”, ông Lê Anh Tuấn nhận định.

Tuy nhiên, theo TS. Trần Du Lịch, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2017 sẽ có rất nhiều cơ hội, nhưng chỉ dành cho những cổ phiếu “sống thật” và nhà đầu tư có trí tuệ.

Vậy đâu là những cổ phiếu có giá trị thật? Theo các chuyên gia, đó là những cổ phiếu có mức vốn hóa lớn.

Bà Nguyễn Thị Việt Hà, Ủy viên HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam dù có quy mô vốn hóa nhỏ hơn các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Philippines…, nhưng nhờ các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A), nên ngành bán lẻ đã thu hút được sự chú ý của nhiều nhà đầu tư.

Với góc nhìn từ một nhà bán lẻ chuyên phân phối các sản phẩm điện máy, điện tử, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thế giới di động cho rằng, với làn sóng M&A diễn ra rầm rộ vài năm trở lại đây, như việc Aeon mua lại Citimart, Vingroup mua lại Maximax…, ngành bán lẻ sẽ tiếp tục tăng trưởng khá tốt trong thời gian tới.

Trong lần trao đổi với nhà đầu tư mới đây tại TP.HCM, ông Tài cho biết, năm nay, Công ty sẽ mở thêm ít nhất 200 cửa hàng thegioididong.com, nâng hệ thống lên 1.200 cửa hàng trước khi đạt đến mức bão hòa vào giữa năm. Trong khi đó, chuỗi Điện máy Xanh có thể tăng lên 300 cửa hàng (từ 286 cửa hàng hiện nay).

Tính đến ngày 20/1/2017, giá cổ phiếu MWG của Thế giới di động đã đạt 159.500 đồng/cổ phiếu. Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt, MWG là chuỗi bán lẻ điện thoại di động hàng đầu tại Việt Nam với thị phần khoảng 35%. Công ty cũng sở hữu Điện máy Xanh - chuỗi bán lẻ điện tử gia dụng lớn thứ hai với thị phần hiện khoảng 10%. Ngoài ra, MWG còn có hệ thống bán hàng online mạnh nhất Việt Nam.

Số liệu thống kê của MayBank Kim Eng cho biết, trong năm 2016, tỷ suất lợi nhuận của các kênh đầu tư như vàng tăng 9,7%, chứng khoán tăng 13,4%, USD tăng 1%, bất động sản tăng 5,5%, ngân hàng tăng 6,5%. Như vậy, chứng khoán là kênh đầu tư sinh lợi cao nhất và được dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí này trong những năm nay.

Kinh tế vĩ mô Việt Nam 2017 cũng được dự đoán sẽ tiếp tục ổn định. Theo cách nhìn của ông Trần Du Lịch, Chính phủ sẽ không bao giờ để xảy ra bong bóng chứng khoán như năm 2006 và bong bóng bất động sản năm 2007.

Lạm phát năm 2016 của Việt Nam được giữ ở mức dưới 4%, nhưng thực sự lạm phát chỉ ở mức 2,5% nếu tính theo cách của nước ngoài là trừ biến động lương thực, nhiên liệu, y tế, giáo dục, dịch vụ công. Ông cũng dự đoán, lạm phát tại Việt Nam năm 2017 cũng không nằm ngoài mức này.

Trong khi đó, vấn đề nợ công của Việt Nam đã lên cao hơn mức 65%, nhưng ông Trần Du Lịch cho rằng, điều này không hề đáng lo. Lý do là, có nước trên thế giới tỷ lệ nợ công lên tới 200% mà vẫn ổn định. Điều đáng lo hơn cả là những khoản nợ đáo hạn, khi Chính phủ đã phát hành trái phiếu trung hạn quá nhiều và hiện đã đến hạn trả.

Trong khi đó, thị trường bất động sản vẫn đang trong giai đoạn phát triển ổn định, chưa có dấu hiệu về bong bóng bất động sản mà ông đã từng cảnh báo từ năm 2006.

“Nhà đầu tư lớn nhất của chúng tôi đã rút khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam vì sự cố môi trường. Vấn đề môi trường nên được suy nghĩ thấu đáo hơn. Hay những câu chuyện về môi trường tại miền Trung, buôn bán động vật hoang dã… cả thế giới đã nhìn thấy và nếu những chuyện này tiếp diễn chắc chắn ảnh hưởng đến uy tín, nguồn vốn trung và dài hạn vào Việt Nam. Một doanh nghiệp nếu không đảm bảo các yếu tố về môi trường, chắc chắn không thể đầu tư”.

- Ông Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc đầu tư Quỹ Dragon Capital

Tin bài liên quan