Samsung đã đổ hàng tỷ USD vào Việt Nam để biến nơi đây trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu của họ

Samsung đã đổ hàng tỷ USD vào Việt Nam để biến nơi đây trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu của họ

Cơ hội tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế quan trọng của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu, trong bối cảnh địa chính trị có nhiều biến động.

Đón đầu cơ hội dịch chuyển

Ít ngày trước, ông Noriaki Koyama, Phó chủ tịch Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản Fast Retailing có chuyến thăm Việt Nam. Trong cuộc làm việc với Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, ông Noriaki Koyama cho biết, ngay từ khi bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam vào tháng 12/2019, Fast Retailing đã cam kết mở rộng mạng lưới kinh doanh, bán lẻ trên toàn quốc, tăng sản lượng sản xuất nội địa và đào tạo phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam.

Sau gần 4 năm, Fast Retailing luôn nỗ lực để thực hiện cam kết đó. Hiện tại, Fast Retailing đã mở và vận hành 18 cửa hàng kinh doanh nhãn hiệu UNIQLO tại thị trường Việt Nam. Quan trọng hơn, theo ông Noriaki Koyama, UNIQLO trở thành đối tác thu mua của 45 nhà máy may mặc tại Việt Nam để cung ứng cho thị trường Việt Nam và thế giới. “Việt Nam đã trở thành cơ sở sản xuất lớn thứ hai của Tập đoàn”, ông Noriaki Koyama cho biết.

Như vậy, Việt Nam đang dần tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu của UNIQLO. Và không chỉ trong lĩnh vực dệt may - vốn lâu nay là thế mạnh của Việt Nam, mà điều này còn xảy ra trong nhiều lĩnh vực khác, nhất là các lĩnh vực điện tử, điện thoại…

Lần lượt, Samsung, LG đã đổ hàng tỷ USD vào Việt Nam để biến nơi đây trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu và là một mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ. Cuối tháng 6/2023, LG tăng vốn đầu tư thêm 1 tỷ USD vào Nhà máy LG Innotek, chuyên sản xuất các loại linh kiện điện tử cho ngành công nghiệp ô tô, di động, module camera điện thoại.

Trong khi đó, sau khi đổ hàng tỷ USD vào các nhà máy ở Bắc Ninh và Bắc Giang, để dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam, Foxconn đã nhận chứng nhận đăng ký đầu tư để triển khai 2 nhà máy chuyên sản xuất linh kiện điện tử, sạc điện, bộ điều khiển sạc điện xe điện… tại Quảng Ninh. Tổng vốn đầu tư của hai dự án lên đến gần 250 triệu USD, qua đó nâng tổng vốn đầu tư của Foxconn tại tỉnh này lên 300 triệu USD.

Ngoài Quảng Ninh, Foxconn đang lên kế hoạch đầu tư một dự án quy mô lớn tại Thanh Hóa. Trong khi đó, Compal, Quanta Computer (Đài Loan) đã nhận chứng nhận đầu tư cho các dự án trị giá hàng trăm triệu USD để sản xuất các thiết bị điện tử, bao gồm cả các sản phẩm của “ông lớn” Apple tại Việt Nam, nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng, bên ngoài Trung Quốc.

Runergy - một tên tuổi của Trung Quốc cũng vừa thông qua một công ty con ở Thái Lan để đầu tư một nhà máy chuyên sản xuất thanh silicon và đĩa bán dẫn tại Nghệ An. Dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 293 triệu USD. Đích thân Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trao chứng nhận đầu tư cho Runergy, nhân chuyến tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới thăm Trung Quốc mới đây.

Linh kiện bán dẫn là lĩnh vực đầu tư hấp dẫn mà ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng dịch chuyển sang Việt Nam. Samsung là ví dụ điển hình. Cuối năm nay, Amkor - một tên tuổi lớn trong lĩnh vực bán dẫn, sẽ chính thức đưa nhà máy tỷ USD của mình ở Bắc Ninh đi vào hoạt động.

“Việt Nam đang trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng khi các nhà đầu tư quyết định xoay trục và chuyển dịch sản xuất sang các quốc gia khác, trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị giữa các nước gia tăng”, trong một bài báo gần đây, Tờ Financial Times đã nhận định như vậy.

Trở thành trung tâm của chuỗi sản xuất toàn cầu

Trong một báo cáo được công bố hồi tháng 4/2023, Ngân hàng DBS (Singapore) thậm chí cho rằng, bất chấp “những cơn gió ngược” theo chu kỳ, đầu tư nước ngoài vẫn là “cơn gió thuận” đối với Việt Nam trong bối cảnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Việt Nam đang sản xuất hơn 50% sản lượng điện thoại của Samsung trên toàn cầu”, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam chia sẻ. Thông tin này không hẳn là mới, nhưng trong bối cảnh khó khăn về thị trường hiện nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài phải thu hẹp sản xuất, thì đó là một khẳng định có ý nghĩa, cho thấy Việt Nam đã và đang trở thành trung tâm của chuỗi sản xuất toàn cầu, dù trước mắt chỉ là trong một số lĩnh vực.

Tuy dòng đầu tư nước ngoài đang chậm lại, song các nhận định của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều cho rằng, Việt Nam sẽ được hưởng lợi trong bối cảnh các công ty đa quốc gia đang đa dạng hóa chuỗi sản xuất và cung ứng, do lo ngại các căng thẳng địa chính trị và gián đoạn chuỗi cung ứng.

Trong một báo cáo vừa công bố, Savills Việt Nam cho rằng, sau 3 năm bị gián đoạn bởi đại dịch, chuỗi cung ứng toàn cầu đang có những chuyển biến tích cực, dần trở lại trạng thái ổn định. Trong bối cảnh đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc vẫn là “công xưởng của thế giới”.

Tuy nhiên, theo ông Jack Harkness, Giám đốc Dịch vụ Logistics và Bất động sản khu công nghiệp, Savills châu Á - Thái Bình Dương, chi phí vẫn là một đòn bẩy mạnh mẽ trong các quyết định về địa điểm đầu tư. Việc chi phí lao động đang tăng ở Trung Quốc không hẳn khiến các công ty đã đặt cơ sở tại Trung Quốc rút khỏi thị trường này, nhưng có thể có sự chậm lại trong việc thiết lập các cơ sở mới ở đó.

Nhiều công ty có cơ sở tại Trung Quốc đang tìm cách mở rộng, hơn là thay thế các nhà máy hiện có. Ví dụ, Apple đã công bố kế hoạch đa dạng hóa ra khỏi Trung Quốc. Siemens cũng cho biết, họ đang xem xét các địa điểm khác ở Đông Nam Á”, ông Jack Harkness nói và cho biết, đó là cơ hội cho Việt Nam, bởi lẽ nhiều công ty bắt đầu tìm kiếm các trung tâm sản xuất khác ở khu vực châu Á.

“Việt Nam đang được số lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm”, ông John Campbell, Phó giám đốc Bộ phận Dịch vụ bất động sản công nghiệp Savills Việt Nam nói. Theo ông, khu vực phía Bắc, cũng như mọi năm, chứng kiến nguồn cầu trong ngành công nghiệp điện tử ở mức cao. Ở miền Nam, nhu cầu rất đa dạng, từ logistics, hàng tiêu dùng nhanh, dược phẩm, thực phẩm và đồ uống.

Việc các dự án quy mô lớn được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư từ đầu năm tới nay đã cho thấy điều này. Mặc dù xu hướng vẫn đang giảm, mà theo ông John Campbell là “có nhiều sự trì trệ trong việc ký kết hợp đồng cho thuê mới”, nhưng “nhiều công ty nước ngoài đã và đang cân nhắc Việt Nam trong năm nay và họ vẫn đang tìm cách gia nhập thị trường”.

Ông John Campbell kỳ vọng, đến cuối năm, kinh tế Việt Nam sẽ có cú lội ngược dòng phát triển ngoạn mục và đó là lúc có nhiều tín hiệu triển vọng hơn cho các nhà sản xuất, nhà đầu tư và các công ty logistics.

Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà gần đây, các nhà đầu tư đã dốc vốn vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp đến vậy. VSIP sẽ đầu tư thêm ở Nghệ An, Cần Thơ… Sumitomo đang mở rộng Khu công nghiệp Thăng Long II (giai đoạn III) và có kế hoạch tiếp tục đầu tư mở rộng giai đoạn IV. Trong khi đó, Phó thủ tướng Lê Minh Khái mới đây đã chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Long Đức 3 (Đồng Nai)…

Tất cả là để đón đầu dòng vốn đầu tư dịch chuyển, khi Việt Nam trở thành trung tâm của chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Tin bài liên quan