Tập thích nghi với những cú sốc
Chịu tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ, chỉ với 4 phiên giao dịch từ ngày 3/4 đến 9/4/2025, phần lớn cổ phiếu niêm yết giảm vài chục phần trăm, thiệt hại với thị trường chứng khoán được đánh giá tương đương giai đoạn dịch Covid-19 đầu năm 2020 hay sự kiện Vạn Thịnh Phát cuối năm 2022. Đợt giảm này có mức giảm mạnh nhất trong 3 năm trở lại đây, phủ nhận thành quả của thị trường trong gần 1 năm qua.
Chị Nguyễn Thanh Mai, nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết, thị trường gần đây biến động rất mạnh. Không chỉ cổ phiếu của các doanh nghiệp, ngành nghề liên quan trực tiếp đến thuế quan như dệt may, thủy sản, khu công nghiệp hay logistics, mà rất nhiều cổ phiếu ở các ngành khác cũng chịu ảnh hưởng gián tiếp khi cùng chung tình trạng lao dốc. Dù thị trường đã có 2 phiên cuối tuần qua phục hồi, nhưng đường “về bờ” với nhà đầu tư này vẫn còn xa, khi mức thua lỗ vẫn còn lớn.
Với những nhà đầu tư trước đó sử dụng đòn bẩy (giao dịch ký quỹ - margin) thì thiệt hại là rất lớn, vì giá giảm nhanh và mạnh dẫn tới việc công ty chứng khoán bán giải chấp do không đảm bảo tỷ lệ ký quỹ theo quy định.
Tiếc, thậm chí cay cú là cảm giác được một số nhà đầu tư chia sẻ khi bị công ty chứng khoán bán giải chấp trong phiên 9/4, ngay trước phiên hồi phục ngày 10/4, khiến tài khoản thiệt hại kép khi bị giải chấp chéo, nghĩa là một số cổ phiếu không bán được do lượng cung quá lớn, công ty chứng khoán sẽ chuyển sang bán cổ phiếu khác của người vay để đảm bảo tỷ lệ an toàn hoặc thu hồi nợ.
Nhìn lại 10 năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận 4 lần sụt giảm, định giá P/E về mức thấp, dưới 12 lần.
Lần giảm mạnh thứ nhất là đầu năm 2016, khi thị trường toàn cầu, trong đó có Việt Nam chịu áp lực từ việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cộng thêm việc cơ quan này ngừng nới lỏng định lượng tài chính khiến dòng vốn rút khỏi các thị trường mới nổi, trong khi đồng Nhân dân tệ mất giá, kinh tế Trung Quốc suy yếu, gây áp lực lên tỷ giá USD/VND và nền kinh tế Việt Nam, dẫn tới chỉ số VN-Index giảm 18%.
Lần giảm mạnh thứ hai là vào tháng 3/2020, do đại dịch Covid-19 lan rộng, gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu, dẫn tới VN-Index giảm 34%.
Ở lần giảm thứ ba, VN-Index lao dốc từ trên 1.500 điểm xuống dưới 900 điểm vào tháng 11/2022, ghi nhận mức giảm hơn 40%.
Lần thứ tư, thị trường ghi nhận nhịp giảm nhanh và mạnh nhất trong lịch sử, bởi cú sốc thuế quan 46% của Mỹ - VN-Index giảm gần 17% chỉ sau 4 phiên giao dịch.
Đi qua 4 đợt lao dốc của thị trường trong một thập kỷ gần nhất, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị FinPeace cho rằng, chứng khoán hay bất kỳ tài sản rủi ro nào, việc giá lên hay xuống thì mấu chốt nằm ở câu chuyện của dòng tiền, câu chuyện của kỳ vọng. Nhưng sự kiện thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump ảnh hưởng lên thị trường Việt Nam ở dạng rủi ro hệ thống. Hầu hết cổ phiếu chịu áp lực di chuyển cùng nhịp xuống ở biên độ và khối lượng lớn. Sự kiện này không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà diễn ra ở phần lớn các thị trường khác trên thế giới. Trong tình huống vừa qua, nhiều nhà đầu tư đã bán tháo một cách thiếu suy tính với cả cổ phiếu của doanh nghiệp không liên quan hoặc chỉ gián tiếp liên quan tới sự kiện thuế quan.
Tái cơ cấu danh mục
Chứng khoán hay bất kỳ tài sản rủi ro nào, việc giá lên hay xuống thì mấu chốt nằm ở câu chuyện của dòng tiền, câu chuyện của kỳ vọng.
Ở mỗi đợt điều chỉnh của thị trường luôn là cơ hội để nhà đầu tư thực hiện tái cơ cấu danh mục và lần này cũng không ngoại lệ. Những nhà đầu tư “bắt đáy” phiên 9/4/2025 đang được coi là may mắn, vì thị trường sau đó bật tăng khi Mỹ hoãn áp thuế quan 90 ngày (trong thời gian đó chỉ áp thuế ở mức 10%). Nhiều nhà đầu tư đã cởi bỏ được tâm lý đè nặng trước đó, tin rằng những gì xấu nhất đã đi qua, Việt Nam sẽ thành công trong đàm phán hạ mức thuế đối ứng của Mỹ, hoặc có mức thuế phù hợp cho từng ngành, lĩnh vực.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn khuyến nghị, lựa chọn giải ngân ở thời điểm này, nhà đầu tư vẫn cần thận trọng với các nhóm ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi thuế quan như các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Mỹ, hoặc doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp FDI (đây là các doanh nghiệp đầu chuỗi, khi gặp khó khăn trong xuất khẩu sẽ giảm đơn hàng với các doanh nghiệp cung cấp nguyên vật liệu hoặc thực hiện gia công).
“Nếu giao dịch với mục tiêu cơ cấu lại danh mục dài hạn, tôi sẽ giảm mạnh tỷ trọng các ngành nêu trên và tăng các nhóm doanh nghiệp mang tính chất phòng thủ có dòng tiền mặt ổn định, mặt hàng thiết yếu cho đời sống nội địa”, ông Tuấn chia sẻ.
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB đánh giá, đây là thời điểm thích hợp để tái cơ cấu danh mục sang các nhóm ngành ít chịu tác động trực tiếp từ chiến tranh thương mại, đồng thời được hưởng lợi khi các động lực tăng trưởng trong nước có cơ hội vươn lên.
Chẳng hạn, ngành bất động sản dân cư sẽ phục hồi trên nền thấp của cùng kỳ năm ngoái, được hưởng lợi nhờ môi trường lãi suất thấp, nhiều dự án được tháo gỡ về mặt pháp lý, giá đất nền có sự dịch chuyển trong làn sóng sáp nhập tỉnh, thành. Một số cổ phiếu đáng quan tâm là VHM, KDH, DXG... Năm 2025, lợi nhuận trung bình các doanh nghiệp bất động sản ước tính tăng trưởng 6%, đặc biệt là các doanh nghiệp phía Nam, nhờ nguồn cung bất động sản chung cư dự kiến tăng khoảng 78% và lợi nhuận còn được hỗ trợ bởi việc bàn giao phần còn lại của các dự án trong năm trước (các dự án nhà ở cao tầng của NLG, KDH, hay dự án bất động sản liền thổ của DXG).
Nhóm ngân hàng cũng có cơ hội phục hồi nhanh khi đây vẫn là nhóm cổ phiếu lõi của thị trường, trong khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm nay là 16% và lợi nhuận quý I/2025 ước tính tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Với nền lãi suất cho vay thấp cùng với động lực tăng trưởng tín dụng từ sản xuất, bất động sản, đầu tư công, ngành ngân hàng dự kiến tăng trưởng tốt, thậm chí càng được đẩy mạnh trong bối cảnh thuế quan gay gắt”, bà Hiền nhấn mạnh.
Với ngành chứng khoán, nhiều chuyên gia cho biết, định giá đang ở mức hấp dẫn, có khả năng sẽ dẫn dắt thị trường, với yếu tố hỗ trợ là hệ thống KRX theo kế hoạch sẽ đi vào vận hành từ ngày 5/5/2025 và thị trường có triển vọng được nâng hạng trong năm nay. Hiện tại, định giá P/B của 4 cổ phiếu chứng khoán gồm SSI, HCM, VCI, MBS từ 1,6 - 1,9 lần, thấp hơn trung bình 5 năm là 2,3 lần.
Nhìn nhận câu chuyện thuế quan không phải là một sự kiện nhất thời, mà sẽ ảnh hưởng lâu dài đến nền kinh tế và triển vọng kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Phú Hưng cho rằng, giai đoạn hiện tại, nhà đầu tư nên tái cơ cấu danh mục, hạn chế nhóm cổ phiếu phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế, ưu tiên các doanh nghiệp có yếu tố nội tại vững vàng, định hướng hoạt động ở thị trường nước và có năng lực cạnh tranh lớn trong ngành.
“Tôi kỳ vọng, các chính sách điều hành của Chính phủ sẽ giúp bù đắp ảnh hưởng từ chính sách thuế quan mới của Mỹ mà vẫn giữ được tăng trưởng GDP như kích thích kinh tế từ thúc đẩy đầu tư công, gia tăng tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp. Với những lập trường đó, nhà đầu tư có thể chú ý đến nhóm có tỷ suất cổ tức cao, bên cạnh nhóm đầu tư công, ngân hàng, tiện ích, vật liệu xây dựng”, bà Liên nói.