Liên tiếp các lùm xùm xảy ra trên thị trường bảo hiểm thời gian qua đã lộ diện nhiều vấn đề liên quan đến tư vấn viên bảo hiểm, khách hàng, công tác quản lý giám sát thị trường bảo hiểm… Là người trong ngành, ông nghĩ sao về vấn đề này?
Thật vậy, liên tiếp các sự cố liên quan đến việc người đi gửi tiết kiệm tại ngân hàng lại biến thành mua bảo hiểm, những tranh cãi về hợp đồng bảo hiểm, càng rõ một thực tế đáng buồn về tâm và tầm của một bộ phận tư vấn viên bảo hiểm.
Với kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng tư vấn hạn chế, không ít tư vấn viên đã chọn cách dễ nhất để làm, bán bảo hiểm thông qua các mối quan hệ nhờ vả, giúp đỡ, không cần tư vấn nhiều… thậm chí dùng quà cáp để “chiêu dụ khách hàng”. Tất nhiên, vẫn có những tư vấn viên chân chính, đáng được tôn vinh, ...
Ở giai đoạn phát triển nóng, từ việc áp lực cạnh tranh, áp lực doanh số, các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đã giảm dần số ngày học khóa huấn luyện cơ bản dành cho người tư vấn bảo hiểm mới xuống chỉ còn 2-3 ngày, với mục đích chính chỉ là để thi đạt yêu cầu của Bộ Tài chính và từ đó được cấp mã số đi làm. Dĩ nhiên, các DNBH luôn có các lớp huấn luyện, đào tạo bổ sung, nâng cao kiến thức cho đội ngũ tư vấn bảo hiểm, nhưng số lượng tư vấn bảo hiểm chịu đến lớp học trực tiếp rất thấp. Tất cả điều này tạo ra hệ lụy về bán bảo hiểm bất chấp như trên.
Còn ở chiều ngược lại, khi bảo hiểm được theo cách không cần tư vấn như vậy, thì cũng xuất hiện nhiều khách hàng tham gia cũng chỉ vì nể nang, vì tin tưởng, vì lý do khác, nên cũng không thực sự để tâm tìm hiểu hợp đồng bảo hiểm mình đang sở hữu cụ thể có quyền lợi như thế nào, cái nào được chi trả, cái nào không được chi trả, thời hạn hợp đồng, thời hạn đóng phí…
Tuy nhiên, tôi cũng cho đây là cơ hội để chúng ta chỉnh sửa chính mình, chỉnh sửa hệ thống đội ngũ đại lý, tăng thêm hiểu biết về bảo hiểm cho khách hàng, sàng lọc cả hệ thống, trong đó sàng lọc tư vấn viên, phát triển tư vấn viên.
Liên tiếp các vụ tranh chấp, nhất là liên quan đến người nổi tiếng càng khoét sâu thêm cái nhìn tiêu cực của số đông người dân về bảo hiểm. Theo ông, cần chỉnh sửa thế nào để có được niềm tin đối với bảo hiểm?
Một bộ phận người dân nghĩ tiêu cực về sản phẩm bảo hiểm nhân thọ là bởi nhiều lý do. Tuy nhiên, có thể thấy trách nhiệm của DNBH và đội ngũ tư vấn bảo hiểm là khá lớn. Trong 26 năm qua (1996 - 2022), thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam đã trải qua giai đoạn đầu và sau đó là giai đoạn phát triển nóng, cạnh tranh quyết liệt. Với giai đoạn hình thành, người dân chưa biết gì về bảo hiểm nhân thọ, chỉ có đội ngũ tư vấn bảo hiểm được học và đào tạo về bảo hiểm nhân thọ một cách chi tiết và khá bài bản (có những lúc, khóa huấn luyện cơ bản của DNBH dành cho người mới làm tư vấn bảo hiểm kéo dài lên tới 10 - 12 ngày).
Tuy nhiên, khi bước vào giai đoạn phát triển nóng, từ việc áp lực cạnh tranh, áp lực doanh số, các DNBH đã giảm dần số ngày học khóa huấn luyện cơ bản dành cho người tư vấn bảo hiểm nên đã dẫn đến những hệ lụy như trên.
Theo quan điểm của tôi, không cứ gì bảo hiểm nhân thọ, khi quyết định sử dụng đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình ra để mua hay tham gia cái gì cũng phải nhớ nguyên tắc cái gì mà “MUA DỄ” thì sẽ “KHÓ ĐÒI”.
Ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch cộng đồng GAMA Việt Nam
Con đường hướng tới một thị trường bảo hiểm chuyên nghiệp còn nhiều chông gai, nhưng không có nghĩa là không làm được, tôi nghĩ cứ dần lấp đầy các kẽ hở, các lỗi mang tính hệ thống, từ tăng chất tư vấn viên, mộc mạc hóa ngôn từ trong hợp đồng bảo hiểm, đến việc tăng quản lý giám sát.... thì sẽ dần hạn chế tranh chấp, cũng như gia tăng niềm tin vào bảo hiểm.
Tại các quốc gia phát triển mà tôi đã từng đặt chân tới như Mỹ, Canada, Anh…, trẻ em đã được tiếp cận với những kiến thức về tiền bạc, về tài chính cá nhân và gia đình từ khá sớm. Điều này giúp trẻ sau khi tốt nghiệp cấp 3 đã có thể đi làm kiếm tiền (nếu không đi học đại học, hoặc dù đi học đại học nhưng có đi làm thêm kiếm tiền) biết cách quản lý tiền bạc, tài chính của mình, và sau đó là của gia đình mình.
Ngay từ trẻ đã có hiểu biết cơ bản về tài chính như thế thì lẽ đương nhiên, cũng hiểu được việc phải quản trị rủi ro tài chính cho bản thân gia đình, tức là sẽ có những hiểu biết cơ bản và đúng đắn về bảo hiểm và vai trò của bảo hiểm nhân thọ. Như vậy, khi quyết định tham gia bảo hiểm nhân thọ cũng với mục đích đúng đắn và biết cách tìm hiểu rõ ràng về các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ để chọn lựa phù hợp.
Nhưng rất tiếc, điều này còn rất nhiều hạn chế ở Việt Nam. Ngay cả những người có học hàm, học vị cao cũng không hiểu nhiều về tài chính cá nhân, nhất là bảo hiểm.
Tôi mong sao Việt Nam sớm cân nhắc việc đưa những kiến thức này vào trong nhà trường phổ thông như các nước. Chỉ khi đó, các thế hệ tương lai cũng chính là khách hàng tương lai của ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam mới được trang bị đầy đủ năng lực để nhận thức và chọn lựa sản phẩm bảo hiểm nhân thọ phù hợp cho bản thân và gia đình.
Bên cạnh đó, các DNBH cùng các cơ quan truyền thông cần tích cực đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến về vai trò, ý nghĩa, sự cần thiết của bảo hiểm, cũng như pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đối với các cơ quan, ban ngành, các tổ chức, cá nhân và toàn dân, như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong Quyết định số 242/TTg ngày 28/2/2019.
Có ý kiến cho rằng, ngoài trách nhiệm của bên bán thì phải chăng người mua bảo hiểm còn thờ ơ với trách nhiệm bảo vệ bản thân, nên càng khiến tranh chấp khó thuyên giảm. Theo ông, người mua bảo hiểm cần chuyển dịch hành vi mua bán như thế nào?
Theo quan điểm của tôi, không cứ gì bảo hiểm nhân thọ, khi quyết định sử dụng đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình ra để mua hay tham gia cái gì cũng phải nhớ nguyên tắc cái gì mà “MUA DỄ” thì sẽ “KHÓ ĐÒI”. Cái gì mà mình DỄ DÃI lúc ban đầu (MUA) thì thường sẽ không nhận được cái mình muốn (KHÓ ĐÒI). Chính vì thế, khi tham gia bảo hiểm nhân thọ cũng vậy, nếu chúng ta quá dễ dãi ở góc độ “mua vì quan hệ, mua vì ủng hộ, mua vì tin tưởng”…, thì khó trách tại sao sau này cái mà mình nhận được lại không như ý nguyện.
Tôi cho rằng, làm gì cũng thế, hãy cứ “MUA KHÓ” cho “DỄ ĐÒI” sau này. “MUA KHÓ” ở đây không phải là mình gây khó khăn cho người tư vấn bảo hiểm, mà là chính bản thân chúng ta phải xác định rằng, cần phải chịu khó dành thời gian, công sức của bản thân để tìm hiểu rõ ràng về hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mà ta dự định tham gia.
Cần chịu khó lắng nghe người tư vấn bảo hiểm trình bày, chỗ nào mình thấy chưa hợp lý, chưa rõ ràng, cần hỏi cho rõ ngay và nếu đã hỏi, phải để cho người tư vấn ấy trả lời đầy đủ ngọn ngành. Nếu sau khi người tư vấn bảo hiểm giải đáp mà mình còn chưa rõ, còn băn khoăn thì cứ trao đổi ngay, thậm chí có quyền chọn người tư vấn bảo hiểm khác phù hợp hơn.
Nếu khách hàng hiểu rõ và làm được như vậy, tôi tin chắc rằng sẽ không còn xảy ra những khúc mắc về bảo hiểm nhân thọ như vậy trong tương lai.
Nói gì thì nói, đây chính là cơ hội để các thành viên của toàn thị trường bảo hiểm Việt Nam cùng soi lại, chỉnh sửa và sàng lọc.