PVS đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2014 là 1.050 tỷ đồng

PVS đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2014 là 1.050 tỷ đồng

Cơ hội rộng mở với cổ phiếu dầu khí

(ĐTCK) Nhìn vào những con số kế hoạch kinh doanh năm 2014 của các doanh nghiệp ngành dầu khí cho thấy, các doanh nghiệp khá lạc quan với nhiều triển vọng tích cực. Trên sàn chứng khoán, nhóm cổ phiếu ngành dầu khí vẫn tạo được “sức hút” đối với nhà đầu tư.

Trao đổi với ĐTCK, ông Phan Thanh Tùng, Tổng giám đốc Tổng CTCP Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam - PTSC (PVS) cho biết, Tập đoàn Dầu khí đã phê duyệt kế hoạch kinh doanh năm 2014 cho Công ty với các chỉ tiêu như tổng doanh thu đạt 27.800 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 1.050 tỷ đồng. Trong đó, dịch vụ cung ứng tàu chuyên dụng vẫn là mảng kinh doanh mũi nhọn của PVS, chiếm tỷ trọng lớn doanh thu của Công ty.

Trong năm nay, mục tiêu của PVS sẽ thực hiện thành công đề án tái cấu trúc 2 khu vực chính, bao gồm tái cơ cấu về tổ chức, thoái vốn ngoài ngành, tập trung vào các chức năng kinh doanh chính; cải tiến hệ thống, phát huy vai trò Công ty mẹ trong việc điều phối và trực tiếp thực hiện các chức năng sản xuất - kinh doanh chính.

Dù chưa đưa ra con số kế hoạch cụ thể, nhưng Tổng CTCP Khoan và dịch vụ khoan dầu khí (PVD) dự kiến trong năm 2014 sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 20% so với năm 2013, tương đương với khoản lợi nhuận trên 2.000 tỷ đồng. Báo cáo phân tích mới đây của CTCK SSI cũng nhận định, PVD có thể đạt được 2.253 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2014.

Với đặc thù hoạt động trong lĩnh vực gần như độc quyền, lãnh đạo PVD cho biết, để tiếp tục mở rộng hoạt động, trong 3 - 5 năm tới, PVD dự kiến đầu tư thêm 1 - 2 giàn khoan, đồng thời nghiên cứu phát triển mảng khoan nước sâu, nhằm mở rộng và đa dạng hóa thị phần.

Theo PVD, nhu cầu năng lượng trong trung và dài hạn sẽ tiếp tục tăng, khi nền kinh tế thế giới đang dần hồi phục. Do vậy, hoạt động thăm dò và khai thác của các nhà thầu dầu khí hứa hẹn sẽ sôi động, gia tăng nhu cầu cho số lượng giàn khoan. Bên cạnh đó, hơn 65% giàn khoan tự nâng hiện nay trên thế giới đã có vòng đời hoạt động dài (hơn 26 năm), cũng đến lúc phải chuyển đổi công năng hoặc đào thải, vì thế Công ty sẽ đón đầu nhu cầu, xu hướng của thị trường, tạo đà phát triển bền vững.

Trong khi đó, ở lĩnh vực sản xuất phân bón đạm, Tổng CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM), chiếm hơn 40% thị phần phân bón cả nước, cho biết, để hoàn thành kế hoạch kinh doanh hợp nhất với  8.700 tỷ đồng tổng doanh thu, lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt là 1.384 tỷ đồng và 1.219 tỷ đồng, trong năm nay, Tổng công ty sẽ tập trung đẩy mạnh tiến độ hai dự án phân bón hóa chất quan trọng.

Thứ nhất là Dự án sản xuất hóa chất UFC85/Formaldehyde, công suất 20.000 tấn/năm, đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu EPC, dự kiến khởi công trong quý I/2014, thời gian hoàn thành là 20 tháng. Thứ hai là tổ hợp dự án nâng công suất xưởng amoniac Nhà máy DPM thêm 90.000 tấn/năm và sản xuất 250.000 tấn phân NPK từ công nghệ hóa học. Dự án này đã hoàn thành báo cáo đầu tư. Dự kiến, khi đi vào hoạt động, hai dự án này sẽ giúp DPM có sự tăng trưởng mạnh cả về năng lực sản xuất và sức tiêu thụ từ năm 2016.

DPM cũng là một trong số ít doanh nghiệp có các chỉ số tài chính khá lành mạnh khi tỷ lệ vay nợ/tổng tài sản chỉ khoảng 0,1 lần, hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty ổn định và an toàn do ngành nghề đặc thù, ngay cả khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhất.

Là đơn vị “cháu” của Tập đoàn Dầu khí, nhưng CTCP Kết cấu kim loại và lắp máy dầu khí (PXS) đang phấn đấu trở thành một trong những đơn vị chủ lực của Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam trong việc thực hiện các dự án chế tạo chuyên ngành.

Theo Đề án tái cấu trúc công ty mẹ, PXS sẽ là đơn vị trụ cột, chịu trách nhiệm triển khai các dự án tổng thầu của PVC. Hiện Công ty tập trung chủ yếu vào 2 lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chính là xây lắp chuyên ngành và sản xuất thiết bị cơ khí dầu khí, trong đó, đẩy mạnh lĩnh vực xây lắp trọn gói (EPC/EPCI) các công trình dầu khí trên bờ và ngoài biển. Đây là một thị trường lớn với tiềm năng phát triển mạnh mẽ khi kinh tế phục hồi. Một số dự án Công ty đang thực hiện, như Dự án Chân đế Thái Bình và Dự án Hàm Rồng ký với Petronas có tổng giá trị hơn 950 tỷ đồng; Dự án H5 giá trị 169 tỷ đồng; phần còn lại của Dự án Diamond giá trị trên 320 tỷ đồng…, cùng những dự án chuẩn bị ký kết sẽ là “điểm nhấn” và có tác động trực tiếp tới doanh thu, lợi nhuận của PXS trong năm 2014.

Trong báo cáo phân tích mới đây, CTCK Dầu khí (PSI) đánh giá, PVD, PVS… là những bluechips có mức tăng trưởng bền vững và an toàn cao. Với thị trường đặc thù gần như độc quyền, cổ tức và tăng trưởng ổn định, thị giá cổ phiếu vững với thanh khoản bình quân ở mức cao, là những cơ hội đáng xem xét với các nhà đầu tư chứng khoán.

Tin bài liên quan