Tỷ giá hạ nhiệt đang tạo thêm dư địa cho Ngân hàng Nhà nước nới lỏng chính sách tiền tệ

Tỷ giá hạ nhiệt đang tạo thêm dư địa cho Ngân hàng Nhà nước nới lỏng chính sách tiền tệ

Cơ hội ổn định tỷ giá, lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực tỷ giá USD/VND đã giảm mạnh trước thềm cuộc họp tháng 9 của các quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) - kỳ họp được dự đoán đánh dấu lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của cơ quan này sau hơn 2 năm tăng lãi suất để chống lạm phát. Đây được coi là môi trường thuận lợi cho Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.

Tỷ giá hạ nhiệt

Cuối tháng 8, tranh thủ kỳ nghỉ lễ Quốc khánh dài ngày, chị Thanh Hoà (quận Tây Hồ, Hà Nội) cùng gia đình đi du lịch nước ngoài. Vào cửa hàng miễn thuế tại sân bay mua đồ mỹ phẩm, chị Hòa khá bất ngờ khi thanh toán món đồ được niêm yết bằng USD với tỷ giá chuyển đổi chưa đến 24.900 VND/USD.

Thực tế, áp lực lên tỷ giá USD/VND đã giảm đáng kể trong tháng 8. So với đầu tháng 8, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng đã giảm 1,4%, xuống còn 24.875 VND/USD vào ngày 30/8/2024, giúp mức mất giá của nội tệ so với USD chỉ còn 2,1% so với đầu năm. Tỷ giá trên thị trường tự do giảm xuống còn 25.255 VND/USD, trong khi tỷ giá trung tâm đứng ở mức 24.224 VND/USD, tăng lần lượt 2% và 1,6% so với đầu năm 2024.

Một lãnh đạo cao cấp BIDV cho biết, yếu tố chi phối xu hướng giảm của tỷ giá tiếp tục đến từ sự thuận lợi của môi trường quốc tế. Cụ thể, chỉ số DXY - đo lường sức mạnh của đồng USD so với một số đồng tiền chủ chốt trên thế giới - trong tháng 8 đã giảm khoảng 2,3%, về vùng 101 điểm, chủ yếu sau thông tin tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ tăng lên mức 4,3% - mức cao nhất từ năm 2021, khiến thị trường lo ngại về khả năng xảy ra suy thoái tại nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, số liệu thống kê về chỉ số lạm phát của Mỹ trong các tháng gần đây đã về sát mục tiêu 2%, củng cố niềm tin chắc chắc với thị trường vào khả năng Fed ra quyết định cắt giảm lãi suất trong kỳ họp tháng 9.

Đồng quan điểm, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc khối Nghiên cứu Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận xét, chỉ số DXY đã giảm về mức thấp nhất trong vòng 13 tháng qua, điều này xảy ra khi lạm phát ở Mỹ giảm xuống còn 2,5% vào tháng 7, tiến gần hơn đến mục tiêu 2% của Fed và Chủ tịch Fed Jerome Powell đã tuyên bố chiến thắng lạm phát, cho rằng đã đến lúc điều chỉnh chính sách tiền tệ.

“Tuy nhiên, thời gian và tốc độ cắt giảm lãi suất phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế Mỹ. Đến cuối tháng 8, chỉ số DXY đã phục hồi nhẹ lên mức 101,7 điểm sau khi GDP quý II của Mỹ được điều chỉnh tăng lên mức 3%, cho thấy nền kinh tế đang ở trạng thái tốt. Với chỉ số lạm phát diễn biến thuận lợi, Fed dự kiến sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chủ chốt của mình xuống 0,25%/năm, xuống còn 5 - 5,25%/năm vào tháng 9”, bà Hiền nhận định.

Còn vị lãnh đạo BIDV tính toán, xác suất thị trường kỳ vọng Fed có thể cắt giảm 50 điểm trong phiên họp tháng 9 đã được đẩy lên, có thời điểm lên tới 70%; đồng thời mức cắt giảm lãi suất kỳ vọng đến cuối năm cũng tăng lên. Ngoài ra, đà giảm của đồng USD quốc tế còn được cộng hưởng bởi làn sóng đóng trạng thái kinh doanh chênh lệch lãi suất (carry trade) của đồng Yên Nhật diễn ra chủ yếu trong nửa đầu tháng (đồng Yên có thời điểm tăng khoảng 8% so với USD).

Xét về yếu tố trong nước ảnh hưởng tới diễn biến tỷ giá USD/VND, lãnh đạo BIDV cho rằng, nhìn chung vẫn ở mức cân bằng. Cân đối cung - cầu ngoại tệ ở trạng thái không dồi dào trong bối cảnh chênh lệch lãi suất VND - USD vẫn ở mức thấp. Mặc dù vậy, tâm lý trên thị trường trở nên ổn định hơn với đà giảm của đồng USD trên thị trường quốc tế, xu hướng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán chậm lại và các diễn biến nóng trên thị trường vàng, chợ đen cơ bản đã chấm dứt. Trong tháng 8, tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do có xu hướng giảm khoảng 1,6%, song song với diễn biến trên thị trường chính thức.

“Nhìn chung, tỷ giá USD/VND đã hạ nhiệt với yếu tố thay đổi cốt lõi đến từ dịch chuyển của môi trường quốc tế. Chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là chất xúc tác lớn giúp chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước có thể có thêm dư địa để nới lỏng từ giờ đến cuối năm”, vị lãnh đạo BIDV chia sẻ.

Cơ hội để duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng

Trong những phiên giao dịch đầu tháng 9, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng tiếp tục giảm thêm khoảng 1%. Tại Vietcombank, tỷ giá tiếp tục đà giảm vào thời điểm ngày 10/9/2024, mức giá khách hàng mua ngoại tệ được nhà băng này niêm yết là 24.850 VND/USD.

Cũng theo vị lãnh đạo BIDV, yếu tố kích hoạt chủ yếu đến từ quốc tế, với kỳ vọng của thị trường về việc số liệu việc làm trên thị trường lao động Mỹ có thể xấu thêm, qua đó, củng cố khả năng Fed giảm lãi suất từ giờ đến cuối năm. Bộ dữ liệu về thị trường lao động tại Mỹ mới đây đã cho tín hiệu xấu đi đáng kể, tuy nhiên, tín hiệu về một đợt suy thoái kinh tế lan rộng chưa rõ nét khi các dữ liệu về dịch vụ, bán lẻ vẫn vững mạnh.

“Chúng tôi thiên về kịch bản Fed có thể thận trọng trong cắt giảm lãi suất, với bước giảm lãi suất 0,25%/năm trong phiên họp tháng 9, mặc dù không loại trừ khả năng về một đợt cắt giảm mạnh mẽ hơn 50 điểm nếu các số liệu kinh tế tháng 8 xấu hơn. Chỉ số DXY có thể dao động chủ đạo trong vùng 100 - 102 điểm trong trường hợp Fed cắt lãi suất 0,25%/năm và có thể về dưới ngưỡng 100 điểm trong kịch bản Fed cắt lãi suất mạnh mẽ hơn”, vị lãnh đạo BIDV dự báo.

Hiện tâm điểm chú ý của giới đầu tư toàn cầu là cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Fed (FOMC) diễn ra trong hai ngày 17 - 18/9/2024. Cắt giảm 0,25%/năm đang là kịch bản cơ sở, tuy nhiên, kịch bản cắt giảm 0,5%/năm, theo CME FedWatch, đang có xác suất tăng lên khá cao sau những dữ liệu kinh tế không mấy lạc quan.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định: “Một quyết định tăng lãi suất hoặc một thông điệp cứng rắn về khả năng tăng lãi suất trong thời gian còn lại của năm 2024 có thể khiến USD suy yếu thêm. Xu hướng USD yếu sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước thực thi những chính sách hỗ trợ nhằm duy trì một mặt bằng lãi suất thấp”.

Đối với các yếu tố trong nước, vị lãnh đạo BIDV dự báo có thể chưa có nhiều thay đổi lớn. Cân đối cung - cầu ngoại tệ dự kiến có thể thặng dư nhẹ trở lại, ước tính vào khoảng 300 triệu USD trong tháng 9 trong bối cảnh các nguồn cung cơ bản như cán cân thương mại, giải ngân FDI vẫn đang giữ xu hướng khá tích cực. Tính trong 8 tháng đầu năm, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư khoảng 19 tỷ USD, trong khi giải ngân FDI đạt 14,15 tỷ USD - tăng 8% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chênh lệch lãi suất VND - USD dự kiến tiếp tục xu hướng đi ngang.

“Theo đó, áp lực lên tỷ giá trong nước nhìn chung ở mức thấp, thiên về chiều hướng đi ngang/giảm nhẹ từ giờ đến cuối tháng. Trong trường hợp Fed có những động thái mạnh mẽ hơn, mức giảm của tỷ giá có thể mạnh hơn, vào khoảng 1%”, vị lãnh đạo BIDV nhận định.

Dự báo về xu hướng tỷ giá, bà Trần Thị Khánh Hiền cho rằng, áp lực lên VND sẽ tiếp tục giảm và dự kiến tỷ giá USD/VND sẽ dao động trong khoảng 24.700 - 24.900 trong quý IV/2024. Các yếu tố hỗ trợ cho tỷ giá USD/VND bao gồm thặng dư thương mại tích cực (khoảng 19,1 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2024), dòng vốn FDI vào ròng (14,15 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước) và sự phục hồi của lượng khách du lịch quốc tế (tăng 45,8% so với cùng kỳ năm trước trong 8 tháng đầu năm 2024).

“Sự ổn định của môi trường vĩ mô có khả năng được duy trì và sự cải thiện thêm sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá hối đoái trong năm 2024”, bà Hiền nêu quan điểm.

Câu chuyện áp lực tỷ giá USD/VND hạ nhiệt không chỉ đem lại niềm vui nho nhỏ cho những người có nhu cầu chi tiêu bằng USD như chị Thanh Hòa, mà nhìn rộng ra là giải tỏa áp lực cho nhà điều hành chính sách, góp phần quan trọng tạo môi trường vĩ mô ổn định cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển.

Tin bài liên quan