Cơ hội ở nhóm VN30

Cơ hội ở nhóm VN30

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán vừa ghi nhận một tuần giảm điểm khi va chạm khu vực kháng cự mạnh là đỉnh ngắn hạn cũ 1.290 - 1.300 điểm. Về mặt cung - cầu kỹ thuật, chỉ số có nhịp rung lắc khi gặp đỉnh cũ là diễn biến bình thường và bối cảnh các tin tức trên thị trường chỉ làm hợp lý hóa việc thị trường cần điều chỉnh.

Tuần giảm điểm của VN-Index cũng đồng thuận với nhịp giảm của thị trường chứng khoán toàn cầu. Chỉ số Dow Jones ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2024 khi số liệu kinh tế Mỹ được thể hiện qua dữ liệu PMI ngành dịch vụ và sản xuất tháng 5 theo khảo sát của S&P Global đều tốt hơn dự báo của các nhà phân tích. Sau khi dữ liệu này được công bố, nhà đầu tư trên thị trường đang nghi ngờ khả năng thực hiện cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024 của Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) - tỷ lệ đặt cược cho việc cắt giảm và giữ nguyên lãi suất đang là bằng nhau với tỷ lệ 46% theo dữ liệu từ công cụ FedWatch của CME Group.

Một trong những lý do quan trọng khiến VN-Index chưa thể chinh phục đỉnh cũ 1.280 - 1.300 điểm là áp lực bán rất mạnh của nhà đầu tư nước ngoài. Trong tuần qua, khối ngoại bán ròng gần 4.000 tỷ đồng trên sàn HOSE. Trong đó, Top bán ròng có cả những cổ phiếu mang tính định hướng dòng tiền và được nhiều nhà đầu tư yêu thích như FPT, TCB, CTG.

Diễn biến vĩ mô - tiền tệ đáng chú ý trong tuần qua là chênh lệch lãi suất giữa USD và VND trên thị trường liên ngân hàng đang quay trở lại trạng thái dương, sau nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước kéo mặt bằng lãi suất thị trường lên để giảm tải áp lực cho tỷ giá USD/VND. Mặc dù vậy, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm (4,47%) vẫn cao hơn đáng kể so với lợi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam kỳ hạn 10 năm (2,96%). Tình trạng này đến từ việc Fed trì hoãn cắt giảm lãi suất, khiến lợi suất trái phiếu ở Mỹ neo ở mức cao, dù lợi suất trái phiếu Việt Nam tăng mạnh trong các phiên gần đây. Khi khoảng cách này chưa được thu hẹp thì xu hướng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài nhiều khả năng vẫn còn tiếp diễn.

Tình hình liên thị trường bắt đầu có những trúc trắc, nhưng chúng tôi vẫn lạc quan về xu thế tăng dài hạn của thị trường chứng khoán Mỹ, bởi nhóm ngành dẫn dắt chính là công nghệ giữ được kỳ vọng của giới đầu tư nhờ kết quả kinh doanh khả quan; các nhịp giảm hiện tại của Dow Jones chỉ là nhịp giảm ngắn hạn trong xu thế chính là tăng giá dài hạn.

Trong nước, trạng thái bán ròng của khối ngoại là biến số với thị trường, chỉ cần điều kiện khối ngoại dừng bán ròng hoặc hạn chế mức bán ròng thì khả năng vượt ngưỡng 1.300 điểm của VN-Index là rất cao. Nhìn chung, chúng tôi đánh giá, nhịp giảm hiện tại là cơ hội cho nhà đầu tư có tầm nhìn trung và dài hạn, VN-Index trong khu vực 1.220 - 1.250 điểm là vùng giá hợp lý để xem xét mua vào.

Từ đầu tháng 5 tới nay, dòng tiền ưa chuộng các cổ phiếu trong VN30, việc lựa chọn cơ hội đầu tư nằm ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong rổ VN30 mang đến cơ hội thành công cao hơn. Trong đó, nhà đầu tư có thể ưu tiên các cổ phiếu có cơ bản tốt và đang vận động trong vùng “giảm mạnh” như ACB, STB, CTG.

Tin bài liên quan