Bởi vậy, các DN cần nắm bắt diễn biến mới này để tận dụng hiệu quả cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Nhận diện xu hướng mới
Lý giải về nguyên nhân các quỹ đầu tư tư nhân ngày càng có vai trò quan trọng trong bổ sung nguồn vốn đầu tư nước ngoài trên phạm vi toàn cầu, TS. Masataka Fujita chỉ rõ, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vừa qua, cũng như cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu đang tạo ra nhiều cơ hội đầu tư mới. Trong đó, để có tiền xử lý các khoản nợ công, cũng như giải cứu các DN lớn, chính phủ nhiều nước buộc phải tư nhân hoá các khoản nợ. Chính điều này đã tạo ra nhiều cơ hội cho các quỹ đầu tư tư nhân tham gia vào đầu tư vào các lĩnh vực mới. Điều này đã giúp họ ngày càng có vai trò quan trọng trong việc tạo ra dòng vốn đầu tư nước ngoài mới.
Một xu hướng mới của dòng vốn ngoại cũng được chia sẻ tại cuộc họp giới thiệu "Báo cáo đầu tư thế giới 2010", do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UNCTAD tổ chức ngày 26/7 tại Hà Nội, là xu hướng đầu tư vào các nền kinh tế có lượng phát thải cacbon thấp. Xu hướng này được thể hiện khá rõ qua định hướng đầu tư của các công ty đa quốc gia của Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. Động thái này đang có tác động đáng kể đến sự thay đổi đích đến của các luồng vốn đầu tư nước ngoài.
Chuyên gia của UNCTAD cũng cho biết, lâu nay, khi nghĩ đến chủ thể của các dòng vốn đầu tư nước ngoài, các nước, cũng như các DN có nhu cầu thu hút dòng vốn ngoại thường nghĩ đến các DN, các tập đoàn đa quốc gia khổng lồ. Tuy nhiên, bây giờ có xu hướng mới: nhiều công ty đa quốc gia là các DN quy mô vừa. Các nhà hoạch định chính sách, cũng như DN của Việt Nam cần nắm bắt diễn biến mới này để có biện pháp thu hút đầu tư phù hợp, hiệu quả. Các DN lớn, khi đầu tư ra nước ngoài, trong đó có Việt Nam, thường thành lập DN độc lập tại nước họ đến đầu tư. Trong khi đó, các DN vừa và nhỏ khi đầu tư ra nước ngoài thường có nhu cầu liên doanh, liên kết với các DN cũng với quy mô tương tự ở nước họ đến đầu tư. Điều này rất có ý nghĩa trong hỗ trợ khối DN vừa và nhỏ, vốn chiếm tới 90% tổng số DN của Việt Nam.
Cách nào hút vốn?
Kết quả điều tra nhu cầu đầu tư của 250 tập đoàn đa quốc gia trên phạm vi toàn cầu mà UNCTAD vừa công bố đã đưa ra những nhận định lạc quan về nguồn vốn FDI trong những năm tới, đặc biệt là từ năm 2012. Theo đó, riêng trong năm này, tổng vốn đầu tư FDI toàn cầu đạt tới 2.000 tỷ USD, trong đó 3/4 do các nước phát triển đóng góp, số còn lại đến từ các nền kinh tế đang phát triển.
Việt Nam cần hành động như thế nào để tận dụng cơ hội từ nguồn vốn dồi dào này? Trên cơ sở xem xét mối tương quan giữa xu hướng mới của dòng vốn ngoại và lợi thế phát triển ngành của Việt Nam, TS. Masataka Fujita gợi ý, Việt Nam nên xây dựng chính sách để tạo sức hút đầu tư nước ngoài có trọng điểm, nhằm phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao trong các năm tới. Cần phải có chiến lược phát triển một nền nông nghiệp mang lại giá trị gia tăng cao, chứ không phải kiểu làm ăn manh mún, hiệu quả thấp như hiện nay, thì mới thu hút hiệu quả dòng vốn ngoại. Muốn lựa chọn cách đi này, Việt Nam cần hành động nhanh, nếu không cơ hội sẽ đi qua.
Việc hình thành chính sách "chăm sóc" thật tốt các DN đầu tư nước ngoài đang làm ăn tại Việt Nam, cũng là cách các chuyên gia khuyến cáo Việt Nam cần chú trọng nếu muốn tăng thu hút vốn ngoại. Kết quả nghiên cứu của UNCTAD cho thấy, tại nhiều nước, chỉ vài năm sau khi vào đầu tư, do các quốc gia này có chính sách "chăm sóc" tốt, nên các DN đã tăng vốn đầu tư tới 50%, thậm chí cao hơn so với nguồn vốn đầu tư ban đầu. Bởi vậy, việc thường xuyên duy trì một môi trường kinh doanh minh bạch, nhất quán là bí quyết để các quốc gia gia tăng lợi thế thu hút vốn đầu tư nước ngoài so với các đối thủ. Kèm theo đó, cũng cần tạo thuận lợi cho các DN ngoại liên doanh, liên kết với các DN trong nước.