Dễ thấy nhất là việc điều hành giá cả nhiều loại hàng hóa thiết yếu, như điện, nước, xăng dầu, dịch vụ y tế… theo đúng cơ chế thị trường. Khi lạm phát sau 7 tháng chỉ ở mức 1,62% như hiện nay (thấp nhất trong hơn 10 năm qua) có thể nói, chưa bao giờ, Việt Nam có cơ hội tốt như vậy để nền kinh tế vận hành đúng nghĩa thị trường. Điều này càng đặc biệt quan trọng khi cải cách thể chế kinh tế đang được Chính phủ rốt ráo thực hiện.
Lạm phát thấp và thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế (6 tháng đầu năm là 5,18%) cũng là cơ hội để điều hành tỷ giá và lãi suất ở mức hợp lý hơn. Đây có lẽ là thời điểm chín muồi để tiếp tục hạ thêm lãi suất huy động, từ đó giảm tối đa lãi suất cho vay để tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất - kinh doanh. Thậm chí, còn là cơ hội để nghiên cứu việc thực hiện tự do hóa lãi suất, như kỳ vọng lâu nay của thị trường.
Thậm chí, còn là cơ hội để nghiên cứu việc thực hiện tự do hóa lãi suất, như kỳ vọng lâu nay của thị trường.
Lạm phát thấp, người tiêu dùng Việt Nam là những người mừng nhất, nhất là sau một giai đoạn giá cả liên tục leo thang. Nhưng nhìn ở góc độ của toàn nền kinh tế, việc CPI 5 tháng qua liên tục tăng thấp, cao nhất là mức tăng 0,3% của tháng 6 so với tháng 5, tiếp tục là dấu hiệu cho thấy tổng cầu của nền kinh tế vẫn ở mức yếu.
Dù nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô, nhất là mức tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm ở mức 5,18%, đang minh chứng cho sự phục hồi dần của nền kinh tế, nhưng nhìn từ tổng cầu yếu, có thể thấy, động lực cho tăng trưởng kinh tế, cho thúc đẩy sản xuất - kinh doanh chưa thật sự có dấu hiệu đột phá. Nền kinh tế vẫn tiếp tục đối mặt với những khó khăn.
Nhiều dự báo cho rằng, áp lực giá cả trong năm nay sẽ tiếp tục ở mức thấp khi niềm tin của người tiêu dùng vẫn còn chưa cao và giá cả hàng hoá toàn cầu vẫn không mấy sáng sủa. Với lạm phát sau 7 tháng chỉ là 1,62%, có khả năng, lạm phát cả năm sẽ chỉ ở mức dưới 5%.
Nếu điều này xảy ra, có nghĩa lạm phát của Việt Nam ở mức quá thấp, ngoài cả mong muốn điều hành. 7% là con số được cho hợp lý hơn cả để đảm bảo nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng như kỳ vọng, khoảng 5,8% trong năm nay và để nền kinh tế, cung - cầu thị trường… thực sự sôi động hơn, khởi sắc hơn.
Khi kinh tế trì trệ, cần có những giải pháp căn cơ hơn để tạo động lực cho tăng trưởng. Áp dụng cơ chế thị trường cho các mặt hàng thiết yếu là cần thiết và quan trọng, để trước mắt “khuấy động” nền kinh tế sôi động hơn. Đi đôi với hạ lãi suất phải giải quyết nợ xấu để kích cầu và kích cung, nếu không dù lạm phát thấp, tín dụng cũng vẫn thấp và vốn tắc nghẽn ở trong ngân hàng mà không đưa ra được nền kinh tế. Làm sao để thúc đẩy khu vực tư nhân đầu tư cho sản xuất - kinh doanh. Tăng cường đầu tư cho khu vực nông nghiệp và nông thôn, bởi đây là khu vực có thể giúp tăng cầu cho nền kinh tế một cách mạnh mẽ nhất…
Lạm phát thấp là cơ hội để đẩy nhanh tái cấu trúc nền kinh tế và thực hiện một loạt chính sách điều hành mà vào thời điểm lạm phát leo thang, Việt Nam đã không thể thực hiện được. Đây là điều kiện căn bản để nền kinh tế hồi phục trong dài hạn.