Tâm lý kém, tiền rút khỏi cổ phiếu trụ
Giai đoạn hiện tại là sự định nghĩa cho từ “ảm đạm” trên thị trường chứng khoán sau quãng thời gian thăng hoa 1 năm trở về trước. Chỉ sau một năm, với cú sập có lúc lên đến gần 40% từ đỉnh, trạng thái tâm lý nhà đầu tư thay đổi nhanh, đối lập giữa 2 thái cực. Từ sự hưng phấn khi ở đỉnh, giữ hy vọng khi thị trường rơi, nhưng sau đó là cảm giác chối bỏ, thoát ra thị trường bằng mọi giá và hiện tại là thờ ơ, có phần “sợ” chứng khoán của không ít nhà đầu tư.
Để nói về những số liệu thống kê cho thấy mức độ ảm đạm của thị trường, không khó có thể liệt kê ở nhiều phương diện. Đó là con số về lượng tài khoản mở mới trong tháng 4/2023 dưới mức 23.000, thấp nhất trong vòng 3 năm và thấp hơn đáng kể so với trên 39.000 tài khoản mở mới trong tháng 3. Đó là con số giá trị giao dịch chỉ còn 1/3 so với cùng kỳ, xuống quanh mức 10.000 tỷ đồng/phiên trên HOSE.
Đó là những câu chuyện về các môi giới chứng khoán và cộng tác viên bỏ nghề. Đó là mức độ giao dịch ký quỹ (margin) của nhà đầu tư cá nhân thấp nhất trong nhiều quý trở lại đây... Tất cả những điều đó là hệ quả của năm 2022 “đau thương” và bước sang 2023, bối cảnh vĩ mô trong nước và thế giới vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, thậm chí xuất hiện yếu tố tiêu cực mới.
Trong trạng thái tâm lý đó, VN-Index những ngày đầu tháng 5/2023 vẫn loay hoay quanh mức 1.050 điểm, tức là gần như không thay đổi so với đầu năm 2023. Dòng tiền yếu nên nhà đầu tư càng thờ ơ với các cổ phiếu trụ, tức cổ phiếu vốn hóa lớn, trong khi nhóm này đòi hỏi dòng tiền khỏe mới có thể kéo lên. Hiện tại, tỷ trọng giá trị giao dịch khớp lệnh vào nhóm VN30 ở mức thấp nhất nhiều tháng qua, chỉ còn chiếm khoảng 30%.
Xét từ bối cảnh, tâm lý cho đến diễn biến các cổ phiếu trụ, nhà đầu tư khó có thể tìm thấy cơ hội. Tuy nhiên, nếu là người giao dịch thường xuyên và đào sâu phân tích sẽ thấy, “vỏ ngoài” thị trường không thay đổi, nhưng bên trong đã xuất hiện nhiều cơ hội hơn.
Cơ hội ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ
Khi lật ngược lại vấn đề, tại sao bối cảnh xấu, dòng tiền thờ ơ và rút ra khỏi các cổ phiếu trụ, mà thị trường lại không rơi? Tại sao chỉ số vẫn có thể trụ vững và vận động quanh ngưỡng 1.050 điểm?
Câu trả lời đơn giản là giá cổ phiếu được quyết định bởi cung - cầu, lượng cung cổ phiếu gần như không tăng kể từ thời điểm thị trường rơi từ đỉnh. Trong khi đó, những nhà đầu tư muốn bán cũng đã bán, ai rời đi cũng đã rời đi và nhiều nhà đầu tư còn nắm giữ cổ phiếu hầu như không muốn bán ở mức giá thấp hơn hiện tại (khi không còn tình trạng bán giải chấp). Khi nguồn cung được tiết giảm, dù tiền mới chưa vào nhiều thì lượng tiền cũ trên thị trường chỉ cần vận động luân chuyển linh hoạt cũng dễ kéo giá đi lên.
Những cơ hội đầu tiên xuất hiện từ nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, phù hợp với tình trạng dòng tiền yếu và số lượng nhóm này xuất hiện nhiều hơn sau giai đoạn thị trường giảm sâu trước đó. Đặc điểm dễ nhận thấy nhất cho việc ngày càng có nhiều cơ hội giao dịch là không ít mã cổ phiếu dám bứt phá, dám đánh lên để vượt khỏi xu hướng giảm dài hạn.
Tính riêng trên HOSE, hiện có đến 40% các mã cổ phiếu vượt được đường trung bình di động 200 ngày (MA200 - thể hiện xu hướng dài hạn của cổ phiếu). Lần đầu tiên sau hơn 1 năm mới có nhiều cổ phiếu bứt phá như vậy, mức 40% cũng là mức cao nhất được xác lập kể từ cú rơi tháng 4/2022.
Số lượng cổ phiếu vượt lên đường MA200 cao nhất từ khi VN-Index tạo đỉnh. |
Cụ thể hơn, không khó để kể tên các nhóm ngành tăng mạnh từ đầu năm 2023, hay gần hơn là trong một tháng trở lại đây. Nổi bật là nhóm bất động sản, sau cú rơi cuối năm ngoái thì gần đây, nhóm này thu hút dòng tiền, với những động thái hỗ trợ thị trường bất động sản cũng như trái phiếu doanh nghiệp. Một nhóm khác được nhà đầu tư cá nhân giao dịch tích cực là chứng khoán. Ngoài ra, có thể kể đến các cổ phiếu ngành dược, y tế, nhựa, nông nghiệp, xây dựng, sản xuất và phân phối điện…
Một điểm chung đáng mừng của những cổ phiếu khỏe này là doanh nghiệp có câu chuyện cơ bản, nội tại. Có thể thấy, dòng tiền rất thông minh, chắt lọc ở thời điểm hiện tại. Theo đó, thị trường mang tính đầu tư nhiều hơn và trả thưởng cho những ai mày mò về phân tích cơ bản.
Có lý do để tiếp tục kỳ vọng
Các cơ hội dần xuất hiện giống như việc trong một bối cảnh tối ngày càng có nhiều đốm lửa sáng. Sau khi trải qua các khoản thua lỗ trầm trọng triền miên, việc có được những khoản lãi trở lại chưa giúp chữa lành tâm lý nhà đầu tư, nhưng phần nào bớt tổn thương. Các nhịp tăng giảm giá đan xen đã kích thích dòng tiền lướt sóng và vài vòng có lãi giúp tâm lý chung của những người tham gia thị trường được cải thiện.
Với những ai đang đứng ngoài, không khó để nhận ra thị trường cũng dần dễ chịu hơn. Khi càng có nhiều đốm lửa, sự tự tin sẽ dần quay trở lại, khi đó mới có thể nghĩ đến việc phân bổ tiền vào cổ phiếu vốn hóa lớn, điều kiện để chỉ số chung bứt phá.
Mô tả về khía cạnh tâm lý là như thế, vậy có những điều gì để đặt kỳ vọng vào thị trường lúc này? Có lẽ, cần nhắc lại bản chất giá chứng khoán tăng - giảm là quan hệ tiền - hàng. Hàng đã mô tả như trên là “trơ” ra, vậy tiền có được cải thiện hay không?
Có cơ sở cho việc kỳ vọng dòng tiền sẽ được cải thiện. Trước tiên, đó là kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ tiếp tục được điều chỉnh giảm trước khi quý II/2023 kết thúc, nhất là khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có khả năng ngừng tăng lãi suất trong bối cảnh kinh tế nước này tăng trưởng kém, lạm phát giảm dần, USD suy yếu. Thứ hai, lãi suất cho vay margin của nhiều công ty chứng khoán có diễn biến giảm. Thứ ba, kỳ vọng vào các chính sách hỗ trợ khác trong thời gian tới về cả tài khóa (như giảm thuế giá trị gia tăng) lẫn các quy định pháp lý (như gỡ vướng pháp lý cho các dự án bất động sản).
Tất nhiên, thách thức của nền kinh tế vẫn còn, nhưng một lần nữa cần khẳng định, kinh tế xấu thì chưa chắc thị trường chứng khoán sẽ tiêu cực, điều này đã được kiểm chứng qua đại dịch Covid-19. Yếu tố quan trọng lúc này là dòng tiền và niềm tin có quay trở lại hay không? Nếu không suy nghĩ quá nhiều (lo lắng thái quá), mà chỉ “sống” trong thị trường và tìm kiếm cơ hội giao dịch ngắn hạn, thì đây là quãng thời gian từ lâu mới có nhiều lựa chọn đến vậy.