Vận hội lớn đang mở ra
Có lẽ chưa khi nào cơ hội phát triển phân khúc bảo hiểm trách nhiệm trên thị trường Việt Nam lại rõ ràng đối với các DNBH như lúc này. Hoạt động xuất khẩu trong năm 2015 vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt, với mức kim ngạch xuất khẩu cả năm ước đạt 165 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2014.
Nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, đặc biệt là việc ký kết các hiệp định thương mại tự do đang mở ra cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy mạnh vào thị trường Việt Nam.
Số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài mới cấp phép tính đến tháng 9/2015 là 1.432 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký lên đến 11,03 tỷ USD. Ngày càng nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) với đối tác nước ngoài và nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đầu tư vào các doanh nghiệp trong nước. Các giao dịch này đang tạo ra nhiều yêu cầu từ đối tác nước ngoài để thu xếp bảo hiểm trách nhiệm.
Một cơ sở quan trọng khác hỗ trợ cho sự phát triển của bảo hiểm trách nhiệm trong tương lai, đó là hành lang pháp lý liên quan đến bảo hiểm trách nhiệm ngày càng hoàn thiện. Ngày càng nhiều lĩnh vực hoạt động phải mua bảo hiểm trách nhiệm theo luật định.
Chẳng hạn, các bệnh viện phải mua bảo hiểm trách nhiệm trong khám bệnh, chữa bệnh từ cuối năm 2015.
Hay quy định bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho luật sư và công ty định giá; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho các dự án chính phủ - sắp ban hành.
Chưa kể, pháp luật ngày càng hoàn thiện với việc các luật chuyên ngành được ban hành, trong đó quy định rõ trách nhiệm của từng ngành nghề kinh doanh và mức bồi thường thiệt hại.
Tại Việt Nam, bảo hiểm trách nhiệm là nghiệp vụ bảo hiểm khá đa dạng về sản phẩm, với trên 10 nhóm sản phẩm như: bảo hiểm trách nhiệm chung, bảo hiểm trách nhiệm sản phẫm; bảo hiểm trách nhiệm chung cho dự án xây dựng; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho nhiều ngành nghề; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho dự án xây dựng; bảo hiểm trách nhiệm hành nghề y, bảo hiểm trách nhiệm nhà quản lý; bảo hiểm trách nhiệm ngành công nghệ thông tin; bảo hiểm trách nhiệm pháp lý mạng; bảo hiểm trách nhiệm chủ sử dụng lao động.
Đa dạng về sản phẩm là vậy, nhưng đây lại là một trong những nghiệp vụ chiếm tỷ lệ nhỏ nhất trong tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam, chỉ chiếm 2,23%.
Phần lớn doanh nghiệp bảo hiểm đến nay vẫn chưa thu xếp bảo hiểm trách nhiệm. Với khu vực xuất khẩu, nhu cầu về bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm chưa nhiều.
Nhiều nhóm ngành có rủi ro trách nhiệm rất lớn cũng chưa hề thu xếp bảo hiểm trách nhiệm hoặc mua còn ít như dịch vụ du lịch (mua bảo hiểm trách nhiệm chung); y tế (bảo hiểm trách nhiệm hành nghề y); các công ty tư vấn (bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp); các công ty đại chúng được niêm yết và chưa niêm yết (bảo hiểm trách nhiệm nhà quản lý).
Cần sự thay đổi từ phía DN
Việc bảo hiểm trách nhiệm mới chỉ đóng góp một tỷ trọng rất nhỏ vào doanh thu của ngành, được chỉ ra là do sự quan tâm của khách hàng đến sản phẩm này vẫn thấp hơn so với các sản phẫm khác. Nhận thức về sản phẩm bảo hiểm trách nhiệm còn rất thấp trong cộng đồng doanh nghiệp.
Hầu như khách hàng chỉ mua bảo hiểm khi có yêu cầu trong hợp đồng. Các công ty môi giới bảo hiểm đang có xu hướng quá chú trọng vào giao dịch, chứ không phải tư vấn, trong khi tư vấn sẽ nâng cao hiểu biết của khách hàng về sản phẩm và đây mới là nền tảng để tiến tới các giao dịch hợp đồng. Vẫn có tình trạng công ty môi giới bảo hiểm chào mức phí và các điều kiện, điều khoản bồi thường xa với quan điểm kỹ thuật.
Đáng nói là tình trạng thiếu kiến thức chuyên sâu về sản phẩm ở các phòng kinh doanh, phòng nghiệp vụ và phòng bồi thường ở các công ty bảo hiểm, trong khi đây là sản phẩm chuyên biệt, bồi thường trên cơ sở đàm phán.
Hiện bảo hiểm trách nhiệm mới chỉ được xem là một trong những sản phẩm phụ của các công ty bảo hiểm trong nước, trong khi đó, tại các công ty bảo hiểm trên thế giới đều có các phòng chuyên trách về bảo hiểm trách nhiệm. Các công ty bảo hiểm đang khai thác loại hình sản phẩm trách nhiệm này mà chưa đầu tư về quy tắc, điều khoản và cách xử lý bồi thường. Các quy tắc bảo hiểm không được cập nhật và không được chuẩn hóa, một số quy tắc đã cũ hoặc dùng trên cơ sở “cắt dán” từ các quy tắc của các hãng bảo hiểm khác.
Để bảo hiểm trách nhiệm không còn là sản phẩm phụ, phát triển tương xứng với tiềm năng thị trường, ngoài việc nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về sản phẩm, cũng cần sự thay đổi từ phía các DN cung cấp sản phẩm này.
Theo đó, các DN cần thành lập ban chuyên trách bảo hiểm trách nhiệm để có thể trao đổi các vấn đề liên quan đến phát triển và đào tạo sản phẩm, đào tạo bồi thường và xu hướng thị trường.
Ngoài ra, cần nâng cao nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ khai thác và đội ngũ giải quyết bồi thường, chuẩn hóa bộ sản phẩm, bao gồm quy tắc và các điều kiện điều khoản, cải tiến các quy trình giải quyết bồi thường. Bên cạnh đó, cũng cần sử dụng các nhà phân bổ tổn thất chuyên nghiệp để tư vấn về bồi thường trách nhiệm.