Cơ hội mua với giá chiết khấu hấp dẫn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  VN-Index đã lùi xuống phía dưới kênh đi ngang trong vùng 1.260 - 1.300 điểm. Nếu chỉ số kiểm tra vùng hỗ trợ 1.240 - 1.250 điểm, nhất là ngưỡng 1.230 điểm, thì đó sẽ là cơ hội mua cho cả các vị thế ngắn, trung và dài hạn.

Yếu tố liên thị trường không hỗ trợ

Thị trường chứng khoán Mỹ tuần qua ghi nhận trạng thái chững lại sau 6 tuần tăng điểm liên tiếp, khi đối mặt với áp lực từ việc lợi suất trái phiếu kho bạc tăng cao và sức mạnh của đồng USD gia tăng. Tính đến hết phiên giao dịch thứ Năm, chỉ số Dow Jones ghi nhận giảm 2,08%, chỉ số S&P 500 giảm 0,93% và chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,4%, dù trong tuần có khoảng 20% doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500 công bố báo cáo tài chính quý III/2024, trong đó lợi nhuận của 77% số doanh nghiệp vượt kỳ vọng, nhất là ngành công nghệ thông tin và dịch vụ truyền thông.

Trên phương diện vĩ mô, chỉ số PMI dịch vụ tháng 10 đạt 55,3, khẳng định sự duy trì tăng trưởng ổn định của lĩnh vực dịch vụ - một trong những động lực chính của nền kinh tế Mỹ. Lĩnh vực sản xuất vẫn đối mặt với nhiều thách thức khi chỉ số PMI ở mức 47,8, cải thiện không đáng kể so với tháng trước. Số liệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm xuống còn 227.000, thấp hơn dự báo và trung bình dài hạn, cho thấy sự ổn định của thị trường lao động Mỹ, kỳ vọng tiêu dùng sẽ tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Trong tuần này, các dữ liệu việc làm phi nông nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp tháng 10 sẽ đóng vai trò then chốt trong việc định hướng chiến lược của nhà đầu tư.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Á có diễn biến rung lắc. Tại Nhật Bản, cả 2 chỉ số Nikkei 225 và Topix đều có chuỗi 5 ngày giảm liên tiếp. Trong tháng 10, lạm phát tại Tokyo - chỉ báo quan trọng cho xu hướng lạm phát toàn quốc, giảm từ 2,2% xuống 1,8%. Lạm phát cơ bản, loại trừ giá thực phẩm tươi sống, hạ từ 2% xuống 1,8%. Áp lực giá cả tại Nhật Bản đang dịu bớt, nhưng vẫn cần theo dõi thêm các yếu tố kinh tế khác. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, ông Kazuo Ueda cho biết, cơ quan này còn thời gian để đánh giá các chính sách tiếp theo, ám chỉ rằng lãi suất sẽ không được điều chỉnh trong tuần này, ngay cả khi đồng Yên chạm mức thấp nhất trong gần 3 tháng qua.

Xét về vận động các loại tài sản, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ ghi nhận tăng, trái phiếu kỳ hạn 10 năm hồi phục lên quanh mức 4,2%, mức cao kể từ cuối tháng 7, phản ánh sức mạnh nội tại của nền kinh tế Mỹ so với giai đoạn trước, đồng thời kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ hạ lãi suất khoảng 1,5% từ nay đến cuối năm 2025 đã giảm sút.

Giá vàng tiếp tục tăng và thiết lập kỷ lục mới khi vượt ngưỡng 2.700 USD/ounce.

Giá dầu tăng trở lại sau khi giảm hơn 8% trong tuần trước đó, nhờ Trung Quốc tiếp tục đưa ra các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế và các nhà giao dịch theo dõi rủi ro đối với nguồn cung từ tình hình căng thẳng ở Trung Đông. Giá dầu WTI ở mức trên 70 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent trên 74 USD/thùng.

VN-Index tìm điểm cân bằng ngắn hạn

Chỉ số VN-Index ghi nhận diễn biến rung lắc và điều chỉnh mạnh trong tuần qua, đóng cửa tại 1.252,72 điểm, giảm 32,74 điểm (2,55%) so với tuần liền trước, trong bối cảnh tỷ giá tăng.

Tính đến ngày 24/10/2024, Ngân hàng Nhà nước đã tăng tỷ giá trung tâm lên 24.260 đồng/USD, giá bán USD tăng lên 25.423 đồng/USD. Các ngân hàng lớn ấn định tỷ giá USD ở mức 25.473 đồng/USD, tăng 730 đồng (3%) so với đầu tháng 10, đưa mức mất giá kể từ đầu năm nay của VND lên 4,3% và gần mức đỉnh lịch sử 25.500 đồng/USD hồi tháng 4/2024. Diến biến này chủ yếu do sức mạnh của USD ghi nhận hồi phục trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ.

Chúng tôi cho rằng, thị trường sẽ không chịu nhiều tác động từ tỷ giá như trước, bởi các nhà đầu tư hiện tại tự tin hơn về triển vọng vĩ mô.

Dưới góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đã lùi xuống phía dưới kênh đi ngang trong vùng 1.260 - 1.300 điểm kéo dài 4 tuần, chủ yếu là do nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn chịu áp lực chốt lời ngắn hạn, đặc biệt tại nhóm ngân hàng và chứng khoán. Đây vốn dĩ là 2 nhóm dẫn dắt và thu hút dòng tiền trong nhịp hồi phục trước đó, nên khi nhóm này giảm thì diễn biến rung lắc và điều chỉnh của thị trường là điều dễ hiểu.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ ít phản ứng với vận động điều chỉnh của chỉ số chung. Do đó, thị trường giảm điểm nhưng không có dấu hiệu lan tỏa rộng, mà chỉ tập trung ở một số nhóm đã tăng mạnh trong giai đoạn trước có thể coi đây là một động thái hạ nhiệt hợp lý để tìm sự đồng thuận mới cho dòng tiền trên diện rộng, thay vì phân hóa và chọn lọc gắt gao như vừa qua. Sự điều chỉnh hiện tại được đánh giá là nhịp rũ bỏ trong ngắn hạn nhưng không quá mạnh và nguy hiểm, thậm chí thể tạo ra cơ hội cho các vị thế mua mới trong trung và dài hạn với mức giá chiết khấu hấp dẫn đối với các doanh nghiệp có năng lực và tiềm năng phát triển. Nhìn rộng hơn, thị trường vẫn đang duy trì xu hướng hồi phục với đáy sau cao hơn đáy trước. Đặc biệt, nhiều chỉ số vĩ mô tiếp tục được cải thiện và bức tranh tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp tích cực sẽ hỗ trợ cho xu hướng thị trường trong dài hạn.

Trong ngắn hạn, sau khi vi phạm ngưỡng hỗ trợ 1.260 điểm trong tuần qua, VN-Index có thể còn rung lắc trước khi thiết lập được điểm cân bằng và tạo đáy để hồi phục. Ngưỡng hỗ trợ tiếp theo là vùng 1.240 - 1.250 điểm và rất mạnh tại 1.230 điểm. Theo đó, các vị thế mua mới cần theo dõi chặt chẽ quá trình tìm điểm cân bằng mới, từ đó kích hoạt điểm mua thăm dò ban đầu với các nhóm cổ phiếu hội tụ đủ 2 yếu tố gồm nền tảng cơ bản tốt và sở hữu đà tăng mạnh nhất.

Các chỉ báo định lượng ghi nhận có áp lực lên chỉ số thị trường được hình thành bởi sự sụt giảm dòng tiền tại nhóm vốn hóa lớn, nhưng nhóm vốn hóa vừa và nhỏ ít bị ảnh hưởng. Hiện tượng rũ bỏ dòng tiền ngắn hạn đang được ghi nhận với tín hiệu đường đà lan tỏa vốn hóa lớn tiến dần vào vùng cạn kiệt (<10%). Bên cạnh đó, diễn biến cung cầu duy trì ở mức thấp, nên sự rũ bỏ của dòng tiền nếu xảy ra cũng sẽ diễn ra rất nhanh và dễ tạo sự cân bằng do hiện tượng tiết cung. Do đó, các nhịp điều chỉnh vẫn được đánh giá là cơ hội để tích lũy vị thế mới, thay vì hoảng loạn bán ra.

Nhìn chung, VN-Index cần thêm thời gian để chinh phục ngưỡng cản 1.300 điểm. Nếu chỉ số lùi xuống vùng 1.240 - 1.250 điểm, nhất là ngưỡng hỗ trợ mạnh tại 1.230 điểm, thì cơ hội mua được mở ra nhiều hơn. Kỳ vọng tại đây, chỉ số sẽ thiết lập điểm cân bằng và trở lại xu hướng tăng với sự đồng thuận đến từ lực cầu chủ động và nhóm cổ phiếu dẫn dắt. Theo đó, các vị thế ngắn hạn cần theo dõi chặt chẽ quá trình thị trường tìm điểm cân bằng tại những vùng hỗ trợ, từ đó kích hoạt điểm mua. Còn các vị thế trung và dài hạn, diễn biến điều chỉnh là cơ hội mua tích lũy với mức giá chiết khấu hấp dẫn.

Tin bài liên quan