Cơ hội mua rõ dần

Cơ hội mua rõ dần

(ĐTCK) Một số tổ chức đầu tư tìm kiếm cơ hội đầu tư lớn trong bối cảnh thị trường chứng khoán suy giảm.

Kể từ thời điểm Ðại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của Coteccons (CTD) khép lại với sự bất hòa giữa cổ ông lớn Kusto và cổ đông khác cùng Ban điều hành, giá cổ phiếu CTD giảm từ 130.000 đồng/cổ phiếu xuống 96.000 đồng/cổ phiếu, một phần do nhà đầu tư lo ngại Công ty sẽ không được vận hành tốt khi có những bất đồng nội bộ. Tuy nhiên, trong đánh giá của ông Andy Ho, Tổng giám đốc VinaCapital, một cổ đông của Coteccons thì: “Việc trên không ảnh hưởng gì đến hoạt động của Công ty”.

Cách đây 1 tháng, khi được hỏi về cơ hội đầu tư trên thị trường, ông Andy Ho cho rằng, cổ phiếu CTD có giá hấp dẫn do bị thị trường nghi ngại. Và đến đầu tuần này, VinaCapital công bố đã mua thêm 50.000 cổ phiếu CTD, nâng tỷ lệ sở hữu lên 7%. Quỹ Kim Vietnam Growth mua 260.000 cổ phiếu, tăng tỷ lệ sở hữu tại CTD từ 7,68% lên 8,02%.

Với mức giá đóng cửa ngày 10/7/2019 là 107.000 đồng/cổ phiếu, CTD đang được giao dịch tại mức P/E 5,77 lần. Trong khi đó, giá trị sổ sách là 106.140 đồng/cổ phiếu, tính riêng lượng tiền mặt là 57.800 đồng/cổ phiếu và doanh nghiệp gần như không có nợ vay. Như vậy, mức giá quanh mốc 100.000 đồng/cổ phiếu mà nhà đầu tư bỏ ra là mua tiền mặt, tài sản vật chất khác của Coteccons, chưa tính đến giá trị vô hình của nhà thầu hàng đầu này.

Ở một doanh nghiệp khác, Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (VJC) vừa công bố mua vào 25 triệu cổ phiếu quỹ, với lý do “theo ý kiến một số tư vấn và định chế độc lập trong nước và quốc tế, thị giá cổ phiếu VJC đang ở mức thấp hơn giá trị thực và không phản ánh đúng giá trị vị thế dẫn đầu và tiềm năng tăng trưởng của Công ty”. VJC, CTD chỉ là 2 trong số nhiều mã cổ phiếu lớn, đang ở vùng giá được các tổ chức đánh giá là đáng mua trên thị trường.

Cạnh tranh tăng lên khiến tỷ suất lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp mỏng đi, nhưng nền kinh tế Việt Nam có sức hấp dẫn riêng với dân số lớn, sức tiêu thụ lớn, nên vẫn là thị trường có tiềm năng hấp dẫn vốn ngoại. Nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đang ráo riết tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam, từ mua đứt doanh nghiệp cho đến mua cổ phần chi phối hay trở thành cổ đông chiến lược. Nhiều tập đoàn tài chính của Hàn Quốc đã lập công ty chứng khoán tại Việt Nam và đây đang là những cầu nối, tìm cơ hội từ Việt Nam cho các nhà đầu tư quốc tế.

Bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay ảnh hưởng đến thị trường tài chính - chứng khoán toàn cầu và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Dường như sự thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh khiến khả năng định vị sự phát triển dài hạn trở nên khó khăn hơn. Nhưng quan sát những diễn biến hiện nay, chuyên gia kinh tế Ðinh Thế Hiển cho rằng, có một điểm tích cực là cuộc chiến thương mại trên thế giới đang thúc đẩy các nền kinh tế cơ cấu sản xuất theo hướng căn cơ, chú trọng đầu tư chiều sâu, thay vì tập trung vào những khâu dễ “ăn xổi”. 

Nhiều doanh nghiệp Việt cũng đang chuyển động theo hướng này. Các doanh nghiệp đầu ngành có nền tảng sẽ hưởng lợi nhiều hơn khi các doanh nghiệp nhỏ lẻ bị hụt hơi trong cuộc cạnh tranh toàn cầu. Tập trung thị phần sẽ kéo theo tập trung lợi nhuận. Ðây là lý do nhiều quỹ Hàn Quốc đang quyết liệt tìm các cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp đầu ngành ở Việt Nam.

Tin bài liên quan