Cơ hội mới đang mở ra cho nhà đầu tư

Cơ hội mới đang mở ra cho nhà đầu tư

(ĐTCK) Mặt bằng giá chứng khoán đang chuyển từ trạng thái không rẻ sang rẻ do áp lực bán ròng của khối ngoại, mở ra một cơ hội đầu tư mới cho NĐT.

Một cuộc tham khảo nhanh của ĐTCK với một số chuyên gia am hiểu thị trường Việt Nam và Mỹ đang làm việc tại quỹ đầu tư cho thấy, TTCK Việt Nam tạo ra một khoảng trống giữa rủi ro và cơ hội.

Rủi ro của TTCK là điều mà hầu hết nhà đầu tư đều đã thấy rõ qua động thái bán ròng mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài trong mấy phiên cuối tuần trước. “NĐT nước ngoài bán ròng là câu chuyện của TTCK thế giới chứ không riêng ở Việt Nam, do ảnh hưởng của khả năng Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể  thu hẹp lại chương trình kích thích kinh tế (QE 3). Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã tăng cao, nên nhà đầu tư có xu hướng rút tiền về thị trường có tính an toàn cao hơn các thị trường mới nổi”, lãnh đạo Công ty Quản lý quỹ VinaCapital cho biết. Theo ông này, mặc dù Việt Nam không bị ảnh hưởng mạnh như Ấn Độ hay Indonesia, nhưng ảnh hưởng này sẽ không sớm kết thúc. Nó đã bắt đầu trước khi TTCK bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh mẽ, thể hiện ở áp lực lên tỷ giá trong những ngày trước đó khi nhà đầu tư nước ngoài bán khá mạnh trái phiếu chính phủ để rút tiền về.

Cơ hội mới đang mở ra cho nhà đầu tư ảnh 1

So với vàng, USD và bất động sản, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hợp lý còn lại cho số đông nhà đầu tư

Nhận định về mức độ ảnh hưởng của trào lui thoái vốn ở thị trường mới nổi lần này, một chuyên gia kinh tế là Việt kiều Mỹ, người đang có kế hoạch thành lập quỹ đầu tư bất động sản ở Việt Nam cho rằng, vốn ngoại đã không đổ vào Việt Nam quá nhiều như trước đây mà chỉ ở mức độ “lúc 8, lúc 10”, nên áp lực rút vốn sẽ không quá lớn như các thị trường khác. “Mặt khác, nền kinh tế Mỹ chưa phục hồi vững chắc, nên việc thu hẹp gói QE 3 sẽ khó được làm theo cách tức thì và mạnh mẽ”, chuyên gia này nhận định.

Trước khả năng việc bán ròng của khối ngoại còn kéo dài, TTCK với rủi ro khá cao trong ngắn hạn có còn hấp dẫn nguồn vốn đầu tư? Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, so sánh tương quan giữa vàng và USD trong 6 tháng tới thì chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn hơn. Lý do đầu tiên là thanh khoản của kênh đầu tư chứng khoán tốt hơn nhiều so với các kênh đầu tư khác. Lý do thứ hai là khi đồng USD tăng giá thì giá vàng ở thị trường Mỹ sẽ giảm. Giá vàng ở Việt Nam gắn khá chặt với giá vàng thế giới, trong khi VND thường gắn chặt với USD, cũng tăng giá so với các đồng tiền khác. Tỷ giá USD/VND sẽ không biến động quá lớn, vì Việt Nam muốn duy trì chính sách hướng đến mục tiêu lạm phát ổn định. Kênh đầu tư bất động sản đang đến thời điểm nhà đầu tư có thể đi ngược xu thế thị trường, nhưng thanh khoản không cao, đòi hỏi vốn đầu tư dài hạn. Vì vậy, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hợp lý còn lại cho số đông nhà đầu tư.

Vấn đề còn lại là cơ hội nằm ở những DN nào? Việc nhà đầu tư nước ngoài bán ròng đã mở ra cơ hội đầu tư vào những cổ phiếu tốt bắt đầu hở room như VNM chẳng hạn. VNM với mức tăng trưởng cao và kế hoạch khánh thành nhà máy mới lớn nhất khu vực trong tháng tới là cổ phiếu thu hút vốn đầu tư cả trong và ngoài nước ở mức giá hiện nay.

Các bản tin của công ty chứng khoán tuần qua bắt đầu nhấn mạnh đến cơ hội mua cổ phiếu cơ bản tốt trong các phiên tới, khi thị trường giảm mạnh. Các công ty này cho rằng, mốc 460 điểm đang là ngưỡng hỗ trợ được nhắc tới cho thị trường ở thời điểm này, một khoảng cách đáng kể so với chỉ số hiện nay.

TTCK Việt Nam trong 2 tháng qua được đánh giá ở mức độ vừa phải, không đắt cũng không rẻ, khi hàng loạt cổ phiếu lớn có P/E ở mức 2 con số và một số cổ phiếu lớn đã thiết lập mức giá cao nhất của 2 năm qua. Thị trường được nâng đỡ chủ yếu bằng kỳ vọng nới room (tỷ lệ đầu tư tối đa cho nhà đầu tư ngoại), xử lý nợ xấu và tăng trưởng của DN trong năm sau. So với rủi ro bị bán ròng trước mắt là yếu tố có khả năng tác động trực tiếp thì các yếu tố trên tác động một cách gián tiếp đến giá các cổ phiếu. Chính vì thế, trong ngắn hạn, rủi ro đối với TTCK lớn hơn là cơ hội.

Nhưng mặt bằng giá chứng khoán đang chuyển từ trạng thái không rẻ sang rẻ, do áp lực bán ròng của khối ngoại mở ra một cơ hội đầu tư mới cho nhà đầu tư.