Quý III/2014, An Phát đã đưa Nhà máy số 5 vào hoạt động, hiện đang đầu tư Nhà máy nhựa tại Lào

Quý III/2014, An Phát đã đưa Nhà máy số 5 vào hoạt động, hiện đang đầu tư Nhà máy nhựa tại Lào

Cơ hội mới của Nhựa và Môi trường xanh An Phát

(ĐTCK) Ngày 18/11 là ngày giao dịch đầu tiên 19,8 triệu cổ phiếu AAA niêm yết bổ sung của CTCP Nhựa và Môi trường xanh An Phát trên Sở GDCK Hà Nội, nâng tổng số cổ phiếu lưu hành của Công ty lên 39,6 triệu cổ phiếu.

Số tiền từ đợt phát hành tăng vốn điều lệ lên gấp đôi vừa qua được An Phát sử dụng để đầu tư vào Dự án Nhà máy nhựa tại Lào. Cùng với Nhà máy số 5 đi vào hoạt động trong quý III vừa qua, dự án tại Lào sẽ tiếp tục tạo ra bước đột phá về doanh thu và lợi nhuận cho An Phát, trong bối cảnh ngành nhựa đang có nhiều tiềm năng phát triển. 

Kế hoạch lợi nhuận khả thi

Sau 12 năm hình thành và phát triển, thương hiệu An Phát đã tạo dựng được chỗ đứng nhất định trên thị trường nhựa bao bì cả trong nước và quốc tế. Từ một DN nhỏ với số vốn 500 triệu đồng, đến nay, vốn điều lệ của An Phát đạt 396 tỷ đồng. Đặc biệt, sau 4 năm lên sàn, AAA đã 2 lần phát hành cổ phiếu tăng vốn lên gấp đôi, cho thấy sức hấp dẫn của một DN tiềm năng.

Đáp lại sự tin tưởng, ủng hộ của các nhà đầu tư và cổ đông là kết quả kinh doanh luôn tăng trưởng hàng năm của An Phát. Giai đoạn 2010 - 2012, doanh thu thuần của An Phát tăng từ 679 tỷ đồng lên 1.010 tỷ đồng. Năm 2013, doanh thu thuần của An Phát tăng 14,6%, đạt 1.158 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế tăng 6,8%. 9 tháng đầu năm 2014, Công ty đạt 1.116,3 tỷ đồng doanh thu thuần và 57 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng lần lượt 34,7% và 5% so với cùng kỳ năm trước; hoàn thành tương ứng 86% và 92% kế hoạch năm.

Theo lãnh đạo An Phát, với kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm, việc hoàn thành kế hoạch doanh thu 1.300 tỷ đồng, lợi nhuận 62 tỷ đồng năm 2014 mà ĐHCĐ giao phó là khả thi. 

Cơ hội mới

Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 15/5/2014, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nhựa của Việt Nam đạt khoảng 536 triệu USD, trong đó mặt hàng nhựa bao bì chiếm tỷ trọng lớn nhất 38%, đồng thời là mặt hàng chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn nhất 66%. Những thị trường có kim ngạch xuất khẩu lớn là Nhật Bản, EU và Mỹ. Trong đó, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu lớn nhất, chiếm tỷ trọng 24,7% và tăng trưởng hàng năm xấp xỉ 20%. Với nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nhựa hàng năm khoảng 8 tỷ USD, Nhật Bản đang là thị trường nhiều tiềm năng cho các DN ngành nhựa Việt Nam.

Đón đầu tiềm năng này, trong năm 2013, An Phát đã đầu tư xây dựng Nhà máy số 5, với định hướng 100% thành phẩm được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Quý III vừa qua, nhà máy này đã chính thức đi vào hoạt động (công suất thiết kế 7.200 - 9.600 tấn/năm), nâng tổng công suất sản xuất lên 46.800 - 49.200 tấn/năm, đóng góp đáng kể vào lợi nhuận cho Công ty.

Đáng chú ý là Dự án Nhà máy nhựa tại Lào của An Phát, thông qua việc thành lập Công ty TNHH Nhựa Thakhek, với vốn điều lệ 210 tỷ đồng. Số tiền từ đợt phát hành tăng vốn vừa qua, An Phát sẽ sử dụng để đầu tư vào dự án này. Dự kiến, sau khi hoàn thành (giai đoạn 1 hoàn thành trong khoảng 2 năm), nhà máy sẽ có công suất 1.500 tấn/tháng (tương đương 18.000 tấn/năm), với sản phẩm chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Với việc mở rộng quy mô và thị trường, trong thời gian tới, bên cạnh thị trường truyền thống châu Âu, An Phát sẽ khai thác tốt hơn cơ hội từ thị trường Nhật Bản và Mỹ, tạo ra bước đột phá về doanh thu và lợi nhuận.

Bên cạnh đó, nền tảng tạo nên thành công cho An Phát và cũng là lợi thế của Công ty khi tiếp xúc, đàm phán với các đối tác khắt khe về tiêu chuẩn vệ sinh môi trường ở các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Mỹ, xuất phát từ chính cách quản trị, xây dựng văn hóa công ty riêng - DN thân thiện.

“An Phát quy củ, khiêm nhường, nhưng có cung cách quản lý rất sáng tạo, chuyên nghiệp. Với sự hỗ trợ của hệ thống công nghệ quản lý hiện đại, chỉ cần một thao tác, thông điệp điều hành, chỉ đạo từ người đứng đầu Công ty ngay lập tức đến được với từng phân xưởng, từng nhân sự. Cũng từ đó, công tác họp bàn, thảo luận, kiểm soát, đánh giá của An Phát được thực hiện chặt chẽ, nhanh chóng và tiết kiệm.

Ở An Phát, không có những khẩu hiệu ‘đao to, búa lớn’, mà chỉ có những lời nhắc nhở giản dị, chân thành, thúc đẩy sự chuyên cần, phấn đấu của các nhân sự”. Đó là lời nhận xét của một cán bộ trong đoàn công tác của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội với các DN niêm yết - một hoạt động thường niên của Sở, hồi tháng 6/2014. Tại An Phát, lãnh đạo và nhân viên được ví như 2 bánh của một chiếc xe, cùng chung một vòng quay, để tiến nhanh và xa hơn về phía trước.         

Tin bài liên quan