Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Quyết định 419/QĐ-NHNN ngày 16/3/2020 về hạ lãi suất điều hành từ lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm, lãi tiền gửi... Đặc biệt, hạ lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 1 tháng từ 0,8%/năm về 0,5%/năm. Tiền gửi từ 1 tháng tới dưới 6 tháng giảm từ 5%/năm về 4,75%/năm. Lãi suất từ 6 tháng trở lên theo cung cầu vốn của thị trường.
Với diễn biến cổ phiếu bị bán tháo tuần vừa qua làm cho giá nhiều cổ phiếu giảm xuống mức thấp càng đẩy lợi tức cổ tức dành cho nhà đầu tư gia tăng đáng kể.
Đơn cử, CTCP Phát triển hạ tầng kỹ thuật (IJC) hoạt động chủ yếu trong mảng bất động sản và vận hành dự án BOT Quốc lộ 13 hướng TP.HCM đi Bình Dương. Nhờ lưu lượng xe ổn định, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp luôn duy trì dương. Năm 2016 ghi nhận 118,2 tỷ đồng, năm 2017 ghi nhận 1.475,9 tỷ đồng, năm 2018 ghi nhận 469,6 tỷ đồng và năm 2019 ghi nhận 1.051,9 tỷ đồng.
Có thể thấy, kết quả kinh doanh mảng BOT tạo dòng tiền ổn định và các dự án bất động sản sẽ cho doanh nhiệp ghi nhận lợi nhuận đột biến.
Nhờ hoạt động kinh doanh ổn định, doanh nghiệp thực chính sách cổ tức đều đặn cho nhà đầu tư. Năm 2017 chia cổ tức bằng tiền 10%, năm 2018 cổ tức bằng tiền 12% và dự kiến năm 2019 tối thiểu 12%.
Theo báo cáo tài chính, năm 2019, IJC ghi nhận 1.599,4 tỷ đồng doanh thu và 284,4 tỷ đồng lợi nhuận, lần lượt hoàn thành 165% và 123% kế hoạch năm. Với việc hoàn thành kế hoạch năm 2019 như vậy, nhiều khả năng việc chi trả cổ tức sẽ là chắc chắn. Hiện tại, cổ phiếu IJC chỉ đang giao dịch vùng giá 9.990 đồng/cổ phiếu, nếu so sánh cổ tức sẽ hấp dẫn hơn nhiều tiền gửi ngân hàng.
Tương tự, CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (NDN) hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, doanh nghiệp thực hiện chiến lược tập trung thực hiện từng dự án. Nhờ vào việc bán hàng tốt và chuẩn bị bàn giao dự án khu phức hợp Monarchy Block B, doanh nghiệp đã tích luỹ được khối lượng tiền mặt lớn 1.084,7 tỷ đồng, chiếm 49,6% tổng tài sản.
Nhờ vào lượng tiền tích luỹ trong quá trình kinh doanh, đặc biệt là khách hàng đặt cọc dự án Monarchy Block B đã giúp NDN nhiều năm thực hiện chính sách cổ tức hấp dẫn. Cụ thể, năm 2018 cổ tức 16% bằng tiền, năm 2019 dự kiến là 16% bằng tiền mặt.
Cổ phiếu NDN hiện tại đang giao dịch vùng giá 13.500 đồng/cổ phiếu, nếu so sánh mức cổ tức tiền và lượng tiền mặt thực có, kế hoạch chia cổ tức tiền có thể duy trì đều.
Một trường hợp khác là CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2). Được biết đến trong lĩnh vực sản xuất điện từ khí, đầu vào của NT2 là khí và đầu ra được đảm bảo tiêu thụ. Chính vì hoạt động trong lĩnh vực thiết yếu được bảo đảm đầu ra, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đều.
Dòng tiền hoạt động kinh doanh các năm lần lượt, năm 2016 là 2.092,5 tỷ đồng, năm 2017 là 1.785 tỷ đồng, năm 2018 là 1.520 tỷ đồng và năm 2019 là 1.917,5 tỷ đồng.
Nhờ vào hoạt động kinh doanh ổn định như vậy, NT2 cũng thực hiện chia cổ tức bằng tiền khá hấp dẫn nhà đầu tư. Chính sách cổ tức bằng tiền năm 2016 là 36% tiền mặt, năm 2017 là 30% bằng tiền mặt, năm 2018 là 24% bằng tiền mặt, dự kiến trong năm 2019 là 25% bằng tiền mặt.
Hiện tại, cổ phiếu NT2 đang giao dịch vùng giá 17.400 đồng/cổ phiếu, nếu so sánh tương quan với việc nắm giữ 1 năm cũng tương đối hấp dẫn nhà đầu tư.
Tiếp đến là CTCP Cao su Đồng Phú (DPR), hoạt động trong lĩnh vực trồng và khai thác cao su.
Nhờ vào hoạt động khai thác và xuất khẩu ổn định, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh đều đặn hàng năm. Năm 2016 ghi nhận 279,2 tỷ đồng, năm 2017 là 313,3 tỷ đồng, năm 2018 là 360,9 tỷ đồng.
Nhờ vậy, lượng tiền tích luỹ từ hoạt động xuất khẩu, lượng tiền mặt doanh nghiệp duy trì năm 2016 là 917,5 tỷ đồng, năm 2017 là 955,7 tỷ đồng, năm 2018 là 1.002 tỷ đồng và năm 2019 là 1.125,2 tỷ đồng.
Về chính sách cổ tức, năm 2016 cổ tức 50%, năm 2017 là 40%, năm 2018 là 50%, cổ tức năm 2019 tối thiểu 50%.
Theo báo cáo tài chính, năm 2019 doanh nghiệp ghi nhận 247,4 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 108% kế hoạch năm. Với lượng tiền mặt cuối năm là 1.125,2 tỷ đồng, chiếm 30% tổng tài sản, doanh nghiệp có khả năng chia cổ tức theo như kế hoạch.
Được biết, thời điểm hiện tại, cổ phiếu DPR giao dịch vùng giá 35.600 đồng/cổ phiếu, nếu so sánh cổ tức nắm giữ 1 năm tương đối hấp dẫn.
Trên sàn cũng có một vài doanh nghiệp vừa công bố kế hoạch chi cổ tức, như CTCP Đầu tư LDG (LDG) công bố sẽ chia cổ tức 7% bằng tiền mặt cho năm 2019, hiện cổ phiếu LDG đang giao dịch vùng 6.200 đồng/cổ phiếu.
Hay như CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HHS) đang giao dịch vùng giá 3.730 đồng/cổ phiếu cũng lên kế hoạch chia cổ tức 4% tiền mặt.
CTCP Bamboo Capital cũng lên kế hoạch chia cổ tức 20%, trong đó 10% tiền và 10% cổ phiếu, hiện đang giao dịch vùng giá 5.600 đồng/cổ phiếu.
CTCP Phát triển nhà Bà Rịa Vũng Tàu (HDC) lên kế hoạch cổ tức 15% và chưa quyết định là tiền hay cổ phiếu. Nếu doanh nghiệp quyết định tiền mặt trong đại hội cổ đông sắp tới, thì với mức giá 14.650 đồng/cổ phiếu cũng tương đối hấp dẫn.
Trên sàn chứng khoán hiện tại còn nhiều mã cổ phiếu có tỷ lệ cổ tức tiền mặt/năm cao hơn với tiền gửi ngân hàng. Nếu như lãi suất tiếp tục giảm theo xu hướng toàn cầu, nhiều khả năng các cổ phiếu tiền tươi thóc thật sẽ được dòng tiền sớm nhận ra và nắm giữ.
Với diễn biến thị trường chứng khoán giai đoạn gần đây giảm mạnh, đang đẩy lợi tức cổ tức gia tăng. Nếu nhà đầu tư nhìn về xu hướng dài hạn, thời điểm hiện tại phù hợp với nhà đầu tư giá trị.
Ghi nhận động thái tại một số ngân hàng, Ngân hàng Techcombank lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6-12 tháng đều giảm 0,3%/năm và dao động tối đa 6,1%/năm đối với kỳ hạn 1 năm.
Sacombank hạ lãi suất kỳ hạn 1 và 2 tháng từ 4,9 - 4,95%/năm về 4,6 - 4,8%/năm. Tại Ngân hàng SHB điều tương tự cũng diễn ra, đối với kỳ hạn từ 1 - 3 tháng đã hạ từ 5%/năm về 4,6 - 4,8%/năm.
Nhiều ngân hàng khác cũng đang có động thái tương tự để có thể hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ.