Năm kỷ lục M&A toàn cầu và ASEAN
Được thúc đẩy bởi những điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi, thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) năm 2015 đã có nhiều thương vụ ở hầu hết các khu vực trên thế giới và trong hầu khắp các lĩnh vực.
Theo báo cáo của Hãng WilmerHale, thị trường M&A 2015 ghi nhận mức giao dịch kỷ lục cả về số lượng lẫn giá trị. Năm 2015, tổng giá trị giao dịch M&A đạt 33.365 tỷ USD (năm 2014 là 31.963 tỷ USD) - mức cao nhất từ trước đến nay.
Năm 2015 cũng đánh dấu một mốc quan trọng khi Việt Nam có những bước tiến trong đàm phán TPP và AEC được hình thành. Một tầm nhìn mới cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư được xác định, đó chính là tầm nhìn khu vực trong một không gian mở. Khi đầu tư hoặc thực hiện M&A tại một quốc gia ASEAN, nhà đầu tư tiếp cận không chỉ một thị trường đơn lẻ, mà là một thị trường rộng lớn của hơn 600 triệu dân, với lực lượng lao động trẻ, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng mạnh. Trong không gian kinh tế mở này, một cuộc đua mới đã bắt đầu.
Khi AEC được hình thành, ASEAN trở thành một khu vực kinh tế quan trọng và trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư quốc tế. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN năm 2014 đạt 136,2 tỷ USD, đưa ASEAN thành khu vực tiếp nhận đầu tư lớn nhất trong số các quốc gia đang phát triển. Ở phạm vi quốc gia và khu vực, các quốc gia sẽ phải cạnh tranh để thu hút dòng vốn FDI và M&A.
Còn theo số liệu của Thomson Reuters về thị trường M&A ASEAN năm 2014, quy mô các giao dịch trong khu vực đạt 140 tỷ USD, tăng 68% so với năm trước đó và là kỷ lục mới kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Có thể thấy, ASEAN luôn là điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn FDI. Tầng lớp trung lưu đang tăng mạnh, biến ASEAN thành một thị trường tiêu thụ khổng lồ. Các công ty nước ngoài ưa thích thị trường lao động giá rẻ và trẻ tuổi ở các nước đang phát triển như Campuchia, Việt Nam…
Đón đầu cơ hội từ AEC, các nhà đầu tư đã có một cuộc đua tìm cơ hội đầu tư tốt nhất trong giai đoạn này. Cuộc đua này sẽ diễn ra mạnh mẽ trong các lĩnh vực bán lẻ, tiêu dùng, công nghiệp, bất động sản…
Việt Nam trước ngưỡng cửa phát triển mới
Cùng với sự sôi động của thị trường M&A khu vực và thế giới, thị trường M&A Việt Nam đã có mức tăng trưởng kỷ lục.
Theo Nhóm nghiên cứu thuộc Diễn đàn M&A Việt Nam (MAF), hoạt động M&A tại Việt Nam năm 2015 đã trở lại mốc kỷ lục 5,2 tỷ USD được thiết lập từ năm 2012. Đặc biệt, 7 tháng đầu năm 2016, giá trị các thương vụ M&A đã vượt mốc 3 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2015 và dự báo năm nay sẽ là một năm sôi động cho các giao dịch M&A tại Việt Nam.
Nhóm nghiên cứu MAF dự báo, trong năm 2016, giá trị M&A và có tính chất M&A tại Việt Nam có thể đạt mốc 6 tỷ USD, tức là xác lập kỷ lục mới. Không chỉ xác lập kỷ lục về giá trị, năm 2015 và nửa đầu năm 2016, đã xuất hiện các thương vụ M&A tỷ USD, những thương vụ có tác động lớn đến nhiều ngành, nhiều thị trường và nền kinh tế nói chung.
Ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc Công ty AVM, Trưởng nhóm nghiên cứu MAF đánh giá, ngoài ảnh hưởng của xu hướng M&A thế giới và khu vực, các yếu tố chính thúc đẩy hoạt động M&A tại Việt Nam trong năm qua là làn sóng tiếp cận thị trường của các nước trong khu vực mà điển hình là Thái Lan, Singapore, Nhật Bản. Ngoài ra, sự phục hồi của thị trường bất động sản, việc Việt Nam tham gia TPP và sự ra đời của AEC cũng là những yếu tố quan trọng.
“Cuối năm 2015 và đầu năm 2016 là khởi đầu của một nhiệm kỳ mới cùng với những động thái mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam về quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy kinh tế tư nhân, cải cách một số luật liên quan đến doanh nghiệp và đầu tư. Đó sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp trong và ngoài nước mạnh dạn hơn trong hoạt động M&A”, ông Minh nói.
Còn ông Christopher Kummer, Chủ tịch Viện Mua bán, Sáp nhập và Liên kết (IMAA) có trụ sở tại Thụy Sỹ nhận xét rằng, làn sóng M&A thế giới đã có xu hướng chững lại, trong khi xu hướng M&A tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn có chiều hướng tốt. Khu vực ASEAN vẫn còn nhiều hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt với sự ra đời của AEC.
“Việt Nam là một trong số ít quốc gia vẫn còn bùng nổ hoạt động M&A trong năm qua. Trong vòng 2 năm qua, tôi đã gặp nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam trong các khóa đào tạo chiến lược M&A và tôi thấy, họ rất hào hứng khi nói về các kế hoạch M&A của mình”, ông Kummer cho biết.
Xét về số lượng thương vụ, các thương vụ giữa các doanh nghiệp nội chiếm đa số, với trên 60%. Tuy nhiên, giá trị các thương vụ này chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa (quanh mức 5 triệu USD). Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đóng vai trò quan trọng với các thương vụ quy mô lớn, từ 30 đến trên 100 triệu USD. Đáng chú ý, đã xuất hiện những thương vụ chuyển nhượng những công ty hoặc hệ thống có tài sản lớn, quy mô trên 1 tỷ USD tại thị trường Việt Nam.
Những lĩnh vực dẫn dắt M&A trong thời gian tới
Theo nhận định của Nhóm nghiên cứu MAF, các thương vụ M&A thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung nhiều vào lĩnh vực bán lẻ, hàng tiêu dùng và bất động sản. Ngoài ra, các lĩnh vực như viễn thông, năng lượng, hạ tầng (bao gồm hạ tầng cảng biển và hàng không), vật liệu cũng có thể xuất hiện những thương vụ lớn.
Ngành sản xuất hàng tiêu dùng được xác định là đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của hoạt động M&A tại Việt Nam trong thời gian tới. Ngoài thị trường Việt Nam, các nhà đầu tư đang hướng tầm nhìn ra toàn khu vực ASEAN trong một không gian mở, với 600 triệu người tiêu dùng.
Cụ thể, năm 2015, các thương vụ M&A ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng đã chiếm tới 38,46% tổng giá trị. Thương vụ đáng chú ý nhất là việc Central Group mua lại BigC Việt Nam với giá 1,140 tỷ USD; thương vụ Vingroup mua lại hệ thống siêu thị Maximark tuy chưa tiết lộ giá trị, nhưng theo giới chuyên môn, đây là thương vụ có giá trị lớn. Bên cạnh đó, thương vụ “khủng” khác đó là việc Singha trở thành đối tác chiến lược của Masan với giá trị 1,1 tỷ USD thông qua việc nắm giữ 25% cổ phần của Masan Consumer Holding và 33% cổ phần Masan Brewery…
Ngành thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam đang tăng trưởng rất mạnh và có triển vọng rất lớn. Bên cạnh các hoạt động mở rộng và kết hợp để gia tăng chuỗi giá trị trong ngành thực phẩm và đồ uống của các doanh nghiệp nội địa thông qua M&A, các doanh nghiệp có tiếng trong nước như Sabeco, Habeco, Vinamilk, Tân Hiệp Phát… vẫn có chỗ trống cho các nhà đầu tư nước ngoài và sẽ trở thành mục tiêu hấp dẫn đối với các tập đoàn lớn từ châu Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Lĩnh vực nông nghiệp cũng được các doanh nghiệp quan tâm. Đặc biệt, với xu hướng phát triển chuỗi giá trị, các doanh nghiệp không chỉ đầu tư vào mảng trồng trọt hoặc chăn nuôi, mà sẽ đầu tư vào cả lĩnh vực chế biến và phân phối, bao gồm cả bán lẻ các sản phẩm nông nghiệp, hướng đến thị trường Việt Nam và các nước trong khu vực.
Ngành tài chính được dự báo vẫn tiếp tục sôi động trong trung hạn do ngành này đang nằm trong lộ trình tái cấu trúc, với số lượng ngân hàng thương mại dự báo giảm còn 13 - 15 đơn vị vào năm 2017, trong khi một số ngân hàng vẫn còn room cho nhà đầu tư chiến lược.
Trong khi đó, ngành bất động sản được kỳ vọng tiếp tục phát triển mạnh mẽ và có thể đạt một tầm cao mới trong năm nay khi chỉ trong quý I/2016, tổng giá trị thương vụ M&A đã đạt tới 1 tỷ USD.
Chủ trương huy động vốn từ khu vực tư nhân để đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là sân bay, cảng biển…, đang được các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước quan tâm và rất có thể, trong ngành hạ tầng, năng lượng sẽ xuất hiện các thương vụ quy mô hàng trăm triệu USD, thậm chí hàng tỷ USD, tạo động lực lớn cho thị trường M&A tại Việt Nam.
Một ngành được dự báo là điểm đột phá cho M&A tại Việt Nam là viễn thông. Viettel tiếp tục đóng vai trò người đi mua và phát triển thị trường viễn thông tại các quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, chủ trương tái cấu trúc VNPT và đặc biệt là việc cổ phần hóa MobiFone sẽ là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư. Theo khảo sát của MAF, MobiFone được các nhà đầu tư đánh giá là hấp dẫn nhất và có thể thu hút một lượng vốn đáng kể khi cổ phần hóa và chọn đối tác chiến lược.
Theo ông Đặng Xuân Minh, cơ hội vẫn đang rộng mở cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi Việt Nam tham gia AEC và TPP. Tuy nhiên, thách thức và khó khăn vẫn đang hiện hữu. Thị trường Việt Nam cần những nguồn hàng tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Hàng loạt doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, nhưng tỷ lệ cổ phần của Nhà nước vẫn còn quá cao và nhiều năm chưa lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược.
“Hệ thống pháp lý và thực thi liên quan đến đầu tư và M&A cần được hoàn thiện. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa và doanh nghiệp tư nhân, cần minh bạch hơn về thông tin doanh nghiệp và thông tin tài chính để nhà đầu tư có thể tiếp cận thông tin trước khi ra quyết định đầu tư”, ông Minh khuyến cáo.
M&A trong không gian kinh tế mở
Diễn đàn M&A Việt Nam 2016 với chủ đề “M&A trong không gian kinh tế mở”, do Báo Đầu tư và AVM Việt Nam tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sẽ diễn ra ngày 18/8 tại Trung tâm Hội nghị Riverside Palace (360D - Bến Vân Đồn, quận 4, TP.HCM).
Diễn đàn sẽ tập trung đánh giá tác động của các khu vực kinh tế chung tới thị trường M&A, các cơ hội và thách thức trong việc thu hút nguồn vốn mới; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đón làn sóng đầu tư mới này. Diễn đàn cũng đưa ra những đánh giá và dự báo về xu hướng M&A trong các lĩnh vực sôi động nhất hiện nay như ngân hàng, tài chính, thực phẩm, tiêu dùng nhanh, công nghệ và thương mại điện tử.
Trong khuôn khổ Diễn đàn M&A Việt Nam 2016, Chương trình Kết nối đầu tư sẽ được tổ chức nhằm thúc đẩy hoạt động M&A của doanh nghiệp. Ngoài ra, còn có các hoạt động thường niên như Bình chọn thương vụ M&A tiêu biểu, Đặc san toàn cảnh M&A Việt Nam…
Thông tin chi tiết tại: http://mavietnamforum.com