Việt Nam hiện có 211 công ty quản lý, vận hành tòa nhà.

Việt Nam hiện có 211 công ty quản lý, vận hành tòa nhà.

Cơ hội lớn với ngành dịch vụ quản lý tòa nhà

(ĐTCK) Tốc độ đô thị hóa nhanh và sự trưởng thành mạnh mẽ của thị trường bất động sản khiến cho lĩnh vực quản lý, vận hành tòa nhà cũng có những bước phát triển nhất định.

Sự thay đổi từ nhận thức

Lĩnh vực quản lý, vận hành tòa nhà tuy còn khá mới mẻ tại Việt Nam, nhưng trong khoảng 5 năm qua đã có những bước phát triển đáng kể.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Duy Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Quản lý Nhà Toàn cầu (Global Home) cho biết, có nhiều sự thay đổi với lĩnh vực quản lý bất động sản tại Việt Nam, đầu tiên là thay đổi về khái niệm, tư duy và nhận thức.

“Cách đây 5 năm, nếu nói về quản lý tòa nhà, nhiều người không hình dung ra đó là công việc gì. Tuy nhiên, sau khi Thông tư 02/2016/TT-BXD (ngày 15/2/2016) được Bộ Xây dựng banh hành, yêu cầu các ban quản lý phải tham gia lớp quản lý vận hành nhà chung cư (bắt buộc), đã tạo ra động lực và nhận thức tốt hơn của các ban quản trị, ban quản lý trong việc quản lý, vận hành nhà chung cư thông qua các lớp đào tạo”, ông Thành đánh giá.

Cùng chung quan điểm, bà Vũ Kiều Hạnh, Trưởng Bộ phận Quản lý bất động sản Savills Hà Nội nhận xét, chất lượng và kiến thức của nhân sự quản lý tòa nhà ngày càng được nâng cao qua các khóa đào tạo sau Thông tư 02/2016.

Mặc dù là mô hình còn mới ở Việt Nam, nhưng trong 5 năm qua, đã có nhiều đơn vị quản lý tòa nhà được thành lập. Đây là dấu hiệu tốt cho thị trường, bởi khách hàng sẽ có nhiều sự lựa chọn. Nếu như 5 năm trước đây, chỉ có một số ít các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ này, thì đến nay, đã có nhiều các doanh nghiệp cả trong nước và nước ngoài cung cấp dịch vụ quản lý tòa nhà tại thị trường Việt Nam.

Theo số liệu từ Cổng thông tin điện tử Bộ Xây dựng, tính đến đầu tháng 3/2018, cả nước có 211 đơn vị đủ điều kiện về chức năng, năng lực quản lý vận hành nhà chung cư, trong đó Hà Nội và TP.HCM chiếm ưu thế với lần lượt 141 và 57 công ty. Các đơn vị còn lại nằm rải rác ở các tỉnh, thành phố như Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Nam.

Theo ông Nguyễn Bích Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý Bất động sản Thành Phố Mới (NCP - thành viên của PMC Group), bước tiến dài nhất trong 5 năm qua chính là nhờ có các quy định của luật.

 “So với 5 năm trước, thay đổi rõ nét nhất là các quy định của pháp luật đã giúp hoạt động quản lý tòa nhà có hành lang để thực hiện một cách bài bản hơn, đặc biệt là hoạt động quản lý chung cư. Luật Nhà ở 2014 và Thông tư 02 đã tạo ra một bước tiến dài trong sự phát triển của hoạt động quản lý tòa nhà tại Việt Nam.

Bằng chứng là từ một vài công ty, hiện nay đã có hơn 200 công ty quản lý. Từ các hướng dẫn chi tiết đính kèm thông tư, nhận thức của người dân về quyền lợi của mình từ hoạt động quản lý tòa nhà đã được nâng cao, đồng thời cũng giúp cho việc vận hành được thuận lợi hơn khu các bên có một hành lang để hoạt động”, ông Sơn nói.

Vẫn còn nhiều hạn chế

Theo các chuyên gia, dù số lượng đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý tòa nhà tăng mạnh trong 5 năm qua, nhưng chất lượng lại không phát triển tương ứng.

Theo bà Hạnh, hiện nay, các phần mềm quản lý tòa nhà đã được lập trình riêng cho loại hình dịch vụ này, việc phát triển phần mềm đã hỗ trợ rất nhiều cho công tác quản lý tòa nhà. Sử dụng phần mềm làm giảm khối lượng công việc, tiết kiệm chi phí, tạo thuận tiện cho cư dân/khách hàng dễ dàng tương tác với ban quản lý tòa nhà qua các ứng dụng tải về trên smartphone kết nối với phần mềm.

Đội ngũ nhân sự được nâng cao về trình độ. Tuy vậy, nguồn nhân sự trong lĩnh vực này không đủ cung cấp cho một nguồn cầu rất lớn, đặc biệt là nhân sự có chuyên môn về kỹ thuật vận hành hệ thống kỹ thuật tòa nhà.

 Các doanh nghiệp quản lý tòa nhà cần có sự trưởng thành nhanh hơn nữa để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Ảnh: Thành Nguyễn

Nhìn nhận về việc triển khai ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, vận hành tòa nhà, ông Thành đánh giá: “Một hạn chế nữa với các đơn vị quản lý tòa nhà đó là việc ứng dụng công nghệ còn khá yếu ớt. Hiện nay, bản thân đơn vị làm các phần mềm về quản lý ứng dụng chưa có hiểu biết sâu về quản lý tòa nhà, đơn vị quản lý tòa nhà lại hạn chế hiểu biết về công nghệ.

Công nghệ hiện nay chủ yếu mang tính chất tổng hợp như kỹ thuật viên đi bảo trì, sửa chữa thiết bị hệ thống (ví dụ thang máy, máy phát điện), sau đó ghi sổ nhật ký kỹ thuật, rồi tiếp tục cập nhật thông tin trên trang web, phần mềm. Việc ứng dụng công nghệ mang tính tổng hợp nhiều hơn là triển khai hay đưa ra giải pháp”.

Giải thích về việc này, theo ông Sơn, các vấn đề về công nghệ quản lý chưa có nhiều bước tiến do yếu tố môi trường. Môi trường công nghệ của Việt Nam chưa chuẩn, nên nhập khẩu và áp dụng các công nghệ từ các nước khác vào gặp khó. Trong khi đó, Việt Nam hiện mới chỉ làm những phần ngọn như ứng dụng điện thoại hoặc quản lý cơ sở dữ liệu, mà chưa phát triển được các phần gốc như hệ thống điều khiển iBMS.

“Ở Singapore, mỗi chung cư chỉ cần 4 người, còn ở Nhật Bản, một giám đốc quản lý 11 tòa nhà, trong khi ở Việt Nam cần hàng chục người để đảm bảo các hoạt động của tòa nhà trơn tru. Tình trạng đầu tư xây dựng không chuẩn dẫn đến cần nhiều nhân viên kỹ thuật, tình trạng mất an ninh xã hội, khiến cần nhiều chốt an ninh, tình trạng mất vệ sinh từ ngoài đường, và môi trường chung khiên phải tăng cường nhân viên làm sạch…”, ông Sơn cho biết thêm.

Đồng tình với nhận định này, bà Hạnh cho biết, tuy đã có sự phát triển đáng kể về mặt chất lượng, nhưng lĩnh vực quản lý bất động sản tại Việt Nam còn có sự chênh lệch đáng kể so với các thị trường phát triển. Xét trên mặt bằng chung, các đơn vị quản lý vận hành tòa nhà tại Việt Nam còn thiếu chuyên nghiệp, chất lượng nhân sự còn kém, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu công việc. Cần phải có những trường lớp chính quy đào tạo về lĩnh vưc quản lý vận hành tòa nhà một cách bài bản.

Là lĩnh vực còn mới mẻ, kinh nghiệm chưa nhiều, các doanh nghiệp quản lý, vận hành tòa nhà của Việt Nam dù đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, nhưng với tốc độ đô thị hóa nhanh và những yêu cầu ngày càng cao của khách hàng như hiện tại, đòi hỏi sự trưởng thành nhanh hơn nữa của các doanh nghiệp. Điều này không chỉ góp phần mang đến sự phát triển đều mọi mặt cho thị trường bất động sản, mà còn là yếu tố quan trọng để tạo lập nên các không gian sống văn minh trong các khu đô thị.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan