Chuyển động tích cực
Tại Hội nghị tổng kết hoạt động cung cấp dịch vụ quỹ năm 2024 tổ chức ngày 25/10, ông Lưu Trung Dũng, Trưởng ban Dịch vụ quỹ và Chứng quyền có đảm bảo, VSDC cho biết, tính đến hết tháng 9/2024, tổng số tài khoản giao dịch chứng chỉ quỹ mở đạt 1.620.336 tài khoản, tăng 423.124 tài khoản (tương ứng tăng 26%) so với thời điểm cuối tháng 9/2023. Tổng giá trị tài sản ròng các quỹ mở sử dụng dịch vụ tại VSDC là 45.643 tỷ đồng, tăng 88% so với thời điểm cách đây một năm (cuối tháng 9/2023, tổng NAV của các quỹ mở vào khoảng 24.267 tỷ đồng). Các quỹ mở có NAV cao nhất là TCBF của CTCP Quản lý quỹ Kỹ Thương với giá trị hơn 10.000 tỷ đồng, VFMVSF của CTCP Quản lý quỹ đầu tư Dragon Capital Việt Nam với hơn 5.800 tỷ đồng và VLGF của Công ty Quản lý quỹ SSI với hơn 4.000 tỷ đồng.
Cùng với mức độ tăng trưởng tài khoản giao dịch và số lượng các quỹ mở mới IPO, hoạt động dịch vụ cho quỹ mở tại VSDC cũng tăng trưởng trong năm qua. Điểm tích cực là số lượng các quỹ tham gia, tần suất giao dịch… đều ghi nhận tăng lên, đặc biệt là quỹ mở. Cùng với đó, “hiệu suất” đầu tư của nhiều quỹ cũng ghi nhận khá tích cực.
Tính đến hết 3 quý đầu năm 2024, có tới gần 20 quỹ cổ phiếu đạt lợi nhuận cao hơn mức tăng trưởng 13,98% của chỉ số VN-Index. Trong đó, có một số quỹ trong đó đạt lợi nhuận trên 20% như VCBF-BCF, VCBF-TBF, VinaCapital-VESAF, SSISCA, VLGF, DCDS…
Số liệu tính đến ngày 23/10/2024, các quỹ mở do Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF) quản lý như VCBF-BCF đạt lợi nhuận 28,89%, VCBF-TBF đứng đầu các quỹ cân bằng với mức lợi nhuận 21,87%, VCBF-FIF nổi bật trong phân khúc quỹ đầu tư trái phiếu với mức lợi nhuận 7,21%. 3 quý đầu năm 2024, quỹ DCDS do Dragon Capital quản lý cũng ghi nhận mức tăng trưởng 23,56%
Đến hết tháng 9/2024, VSDC đã thực hiện cung cấp dịch vụ đại lý chuyển nhượng cho 60 quỹ mở (tăng thêm 7 quỹ mở so với năm 2023). Cơ cấu 60 quỹ mở chia ra 3 loại hình, gồm 29 quỹ đầu tư cổ phiếu, 23 quỹ đầu tư trái phiếu và 8 quỹ đầu tư cân bằng. Hiện có thêm 4 quỹ mở đã được VSDC ký hợp đồng cung cấp dịch vụ và đang trong quá trình triển khai chờ vận hành.
Riêng về quỹ ETF, trong năm qua, VSDC đã thực hiện IPO và đăng ký mới cho 2 quỹ ETF là FUEABVND của Công ty Quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán An Bình và Quỹ ETF FUEKIVND của Công ty Quản lý quỹ KIM Việt Nam. Các quỹ ETF trên đều đã lên niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán. Tính chung đến thời điểm này, VSDC đã cung cấp dịch vụ đại lý chuyển nhượng cho 16 quỹ ETF.
Trong một năm qua, từ tháng 10/2023 đến hết tháng 9/2024, VSDC thực hiện 3.339 phiên giao dịch hoán đổi ETF sơ cấp, tăng 1.232 phiên (tương ứng tăng 58%) so với năm trước. Cũng trong một năm qua, tổng số lượng chứng chỉ quỹ được các quỹ ETF phát hành là 331 triệu chứng chỉ quỹ và tổng số lượng chứng chỉ quỹ được các quỹ ETF mua lại là 806 triệu chứng chỉ quỹ.
Đến cuối tháng 9/2024, tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ ETF xấp xỉ 24.700 tỷ đồng, giảm 26% so với mức 33.500 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023. Các quỹ có giá trị tài sản ròng lớn nhất là Quỹ ETF DCVFM VNDiamond (FUEVFVND) với hơn 12.00 tỷ đồng, Quỹ ETF DCVFM VN30 với hơn 7.000 tỷ đồng và Quỹ ETF KIM GROWTH VN DIAMOND với hơn 1.600 tỷ đồng. Đồng thời, VSDC cũng đang cung cấp dịch vụ cho 4 quỹ đóng (tăng 1 quỹ so với cùng kỳ 2023). Tổng số lượng chứng chỉ quỹ đóng hiện nay đang lưu ký tại VSD là 62.240.800 chứng chỉ, tăng 17.280.000 (tương ứng tăng 38%) so với cùng kỳ 2023.
Về quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, tại thời điểm này, VSDC đang cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản hưu trí cá nhân cho 7 quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện của 4 công ty quản lý quỹ. Tổng số tài khoản hưu trí cá nhân tại 30/9/2024 là 24.117 tài khoản, tăng 2.949 tài khoản (tương ứng tăng 14%) so với cùng kỳ 2023.
Trong năm 2025, VSDC cho biết, sẽ tiến hành nâng cấp toàn diện hệ thống quỹ mở với mục tiêu hệ thống mới sẽ xử lý các nghiệp vụ nhanh hơn, ít lỗi hơn và nhiều tiện ích tự động hơn giúp hoạt động của VSDC và các thành viên hiệu quả hơn.
Tăng cơ cấu nhà đầu tư tổ chức
Bà Tạ Thanh Bình, Tổng giám đốc VSDC cho biết, hội nghị ngành quỹ năm nay tổ chức trong bối cảnh Luật Chứng khoán sửa đổi sắp được Quốc hội thông qua với mục tiêu tháo gỡ những vướng mắc cho thị trường, thúc đẩy phát triển khối nhà đầu tư tổ chức, thay vì các nhà đầu tư cá nhân như trước đây.
Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 mới được Chính Phủ thông qua cũng nhấn mạnh một trong những mục tiêu trọng tâm phát triển TTCK chính là cải thiện cơ cấu nhà đầu tư, tăng cường số lượng nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu tư trên TTCK với các giải pháp cụ thể. Đồng thời, trong bối cảnh Thông tư số 68/2024/TT-BTC nhằm tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến việc nâng hạng TTCK như Prefuding, hay các vấn đề liên quan đến minh bạch TTCK sắp đi vào cuộc sống, VSDC cũng dự báo số lượng các nhà đầu tư tham gia TTCK thông qua các định chế quỹ đầu tư cũng sẽ gia tăng.
Bà Tạ Thanh Bình, Tổng giám đốc Tổng Công ty lưu ký và Bù trừ chứng khoán |
Ông Đoàn Duy, Giám đốc Chuyển đổi số, Dragon Capital cho biết, theo mục tiêu của Chính phủ, GDP bình quân đầu ngược tại Việt Nam sẽ đạt 4.900 USD vào năm 2025. Trong khi đó, theo World Bank, GDP bình quân đầu người của một quốc gia nằm trong khoảng 5.000 - 10.000 USD là “điểm bùng phát” của dịch vụ tài chính, khi nhu cầu về các dịch vụ đầu tư, quản lý, tài sản bắt đầu tăng vọt vì tầng lớp trung lưu sẽ có nhu cầu đầu tư đa dạng hơn, sẽ có nhiều tài sản dư dả hơn.
“Với lộ trình nâng hạng thị trường năm 2025, Việt Nam sẽ chứng kiến sự thay đổi của thanh khoản thị trường và số lượng giao dịch cũng như cấu trúc của nhà đầu tư”, ông Duy nói và cho biết, khi thị trường chứng khoán nâng hạng, tỷ lệ tài sản của nhà đầu tư tổ chức – cá nhân có thể thay đổi sang 60-40.
9 tháng đầu năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến lực bán ròng mạnh từ khối nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị bán ròng gần 2,7 tỷ USD. Nhiều nhà đầu tư trên thị trường có thể hiện sự quan ngại về triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, dựa trên các cuộc trao đổi của Công ty quản lý quỹ SSI (SSIAM) với các nhà đầu tư nước ngoài, hiện hữu và tiềm năng, bà Tô Thuỳ Linh, Phó tổng giám đốc SSIAM cho rằng, niềm tin và lực cầu đối với thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao.
Thực tế, sau khi Fed cắt giảm lãi suất và Thông tư 68 về gỡ bỏ pre-funding cho nhà đầu tư nước ngoài được thông qua trong tháng 9, dòng vốn ngoại đã có dấu hiệu quay trở lại thị trường Việt Nam một cách rõ rệt từ cuối tháng 9/2024 và áp lực bán ròng đã suy giảm đáng kể với giá trị bán ròng tính từ đầu tháng 10 đến ngày 18/10 chỉ lên đến 57 triệu USD.
Theo quan sát và nhận định của SSIAM, chúng ta không hề gặp các vấn đề đối với lực cầu từ khối ngoại, mà vấn đề chính đến từ nguồn cung hàng, các lựa chọn đầu tư cho khối ngoại. Chính vì vậy, theo bà Linh, về mặt sản phẩm, cần tạo ra được các sản phẩm phù hợp với nhà đầu tư nước ngoài, để giúp nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận TTCK Việt Nam.
Ngoài ra, cần tiếp cận đúng thị trường, đúng đối tượng, đồng thời để mở rộng mạng lưới phân phối ở nước ngoài, cần có các quy định, hướng dẫn phù hợp để các đối tác nước ngoài có thể phân phối sản phẩm của Việt Nam một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, cần những biện pháp để giải quyết vấn đề kiểm soát rủi ro tỷ giá cho nhà đầu tư nước ngoài.
Về phía các công ty quản lý quỹ Việt Nam, theo bà Linh cũng cần nâng cao hơn nữa khả năng đầu tư, khả năng huy động vốn, cũng như củng cố lợi thế cạnh tranh về hiểu biết thị trường nội địa và các mỗi quan hệ với các doanh nghiệp đã được tích lũy trong nhiều năm.
Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Tổng giám đốc CTQL Quỹ VietcomBank (VCBF) cho rằng, trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán, Chính phủ đã có chiến lược phát triển nhà đầu tư tổ chức, trong đó chú trọng phát triển các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán nên đây là một xu hướng tất yếu trong tương lai. Bên cạnh đó, cần sự chung tay, phối hợp giữa cơ quan quản lý và các thành viên thị trường là các công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán phổ biến về lợi ích của việc đầu tư thông qua các quỹ. Với nỗ lực của tất cả các bên, quy mô ngành quỹ hoàn toàn có thể đạt khoảng 10% GDP.
Với mục tiêu 2045, Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao, quy mô GDP ở có thể đạt 1.400 - 1.500 tỷ USD, sẽ không ngạc nhiên nếu tổng quy mô ngành quỹ tại Việt Nam có thể đạt hàng trăm tỷ USD vào thời gian này, trở thành thành phần quan trọng tham gia vào thị trường chứng khoán.
Ông Bùi Hoàng Hải, Phó chủ tịch UBCKNN
Trong cuộc họp với các thành viên thị trường mới đây, các CTCK và các ngân hàng lưu ký đều đã sẵn sàng triển khai hệ thống mới theo Thông tư số 68/2024/TT-BTC vào ngày 2/11 tới đây. Đây là nền tảng đầu tiên để cho các tổ chức xem xét cho việc nâng hạng thị trường TTCK trong năm 2025, là tiền đề cho ngành quỹ phát triển. Dù vậy, nâng hạng cũng là một trong nhiều mục tiêu mà Chính Phủ tập trung phát triển TTCK đến năm 2030. Một trong những mục tiêu quan trọng là cơ cấu lại nhà đầu tư trên thị trường theo hướng phát triển nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu tư…nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cho thị trường.
Chính phủ cũng vừa có chỉ đạo Bộ Tài chính, UBCK tìm các giải pháp tăng độ mở cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Ở thời điểm hiện tại, giá trị nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ tại thị trường Việt Nam ước khoảng từ 46 - 49 tỷ USD, chiếm khoảng 16 - 17% tổng vốn hoá thị trường, tỷ lệ này đang giảm so với mức 20% của năm 2019, khi UBCK làm đề án tái cơ cấu TTCK, điều này cho thấy độ mở của thị trường đang có xu hướng thu hẹp lại.
Để gia tăng sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào TTCK, cần phải tăng lượng hàng hoá trên thị trường trong bối các DN lớn thực hiện IPO, niêm yết chưa nhiều trong giai đoạn gần đây. UBCK đang cố gắng sửa đổi luật, sửa đổi Nghị định 155 theo hướng tiếp cận cho phép kết hợp quá trình thực hiện IPO và niêm yết, để giảm bớt thời gian phát hành cho DN để tạo điều kiện cho các DN lớn tham gia IPO, đồng thời tăng quy mô nắm giữ của các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài tại các DNNY trên TTCK Việt Nam. Tuy nhiên trước mắt, có một cách gián tiếp có thể tăng sự hiện diện của nhà đầu tư nước ngoài thông qua các quỹ đầu tư, đặc biệt là các quỹ ETF. Điều này cho thấy nhu cầu để phát triển ngành quỹ là rất lớn và rất cấp bách trong giai đoạn tới.
Thông qua hội nghị ngành quỹ, thông qua các số liệu VSDC cung cấp cũng cho thấy nhiều chuyển biến tích cực, thông qua sự tăng trưởng về số lượng tài khoản chứng chỉ quỹ tăng, các phiên giao dịch của chứng chỉ quỹ cũng tăng… Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực trạng hiện nay thông qua các con số tuyệt đối, ngành quỹ vẫn đang ở giai đoạn đầu phát triển khi tổng giá trị tài sản các quỹ đang nắm giữ vẫn ở mức khiêm tốn so với các thị trường trong khu vực khi xét về số lượng, giá trị. Chính vì vậy, phát triển ngành dịch vụ quỹ cũng như phát triển nhà đầu tư có tổ chức là định hướng lớn quan trọng của cơ quan quản lý
Về phía UBCK, chúng tôi đang rà soát lại luật chứng khoán, các thông tư để sửa đổi và có những gợi mở hơn cho ngành quỹ phát triển, cùng với chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030. Bên cạnh đó, để phát triển ngành quỹ thì công tác đạo tạo nhà đầu tư rất quan trọng để nhà đầu tư hiểu và thấm được thì cần có một chiến lược xuyên suốt, và điều này cần sự phối hợp từ cơ quan quản lý, các thành viên thị trường.
Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Tổng công ty lưu ký và Bù trừ chứng khoán
Trên cơ sở Thông tư số 68/2024/TT-BTC, các nội dung hướng dẫn mang tính kỹ thuật nghiệp vụ đang được VSDC tích cực phối hợp với thành viên thị trường, các bên liên quan nghiên cứu hoàn thiện. Đây là tiền đề quan trọng cho việc phát triển TTCK nói chung và ngành quỹ nói riêng.
Hiện VSDC đang phối hợp với một số công ty quản lý quỹ và đại lý phân phối nghiên cứu giải pháp đẩy nhanh tốc độ cập nhật, thay đổi thông tin nhà đầu tư để đến 01/01/2025 hoàn thành cơ bản việc cập nhật thông tin căn cước công dân cho tất cả các nhà đầu tư quỹ mở. Đồng thời, sẽ định danh lại, làm sạch lại các dữ liệu, chuẩn hoá lại các tài khoản…để hỗ trợ quản lý thị trường minh bạch hơn, giám sát tốt hơn, cũng không nằm ngoài mục tiêu để hướng tới việc nâng hạng thị trường TTCK Việt Nam.
Chúng ta đang hướng tới tạo lập ra các định chế chuyên nghiệp có tổ chức, thu hẹp nhà đầu tư cá nhân thiếu kinh nghiệm, phân tán và sẽ giảm được giảm rủi ro…để tăng hiệu quả đầu tư bởi trong tương lai, việc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư sẽ trở thành xu thế. Trên hết, chúng ta phải tập trung phát triển ngành dịch vụ quỹ và quản lý tài sản, hướng tới việc nâng số lượng, tăng tỷ trọng của nhà đầu tư tổ chức cũng như tỷ trọng nắm giữ tài sản trên vốn hoá thị trường cổ phiếu của các định chế tài chính chuyên nghiệp.