Cơ hội lớn của bất động sản nghỉ dưỡng ven đô

Cơ hội lớn của bất động sản nghỉ dưỡng ven đô

(ĐTCK) Nhu cầu ngày càng cao về chất lượng cuộc sống của một bộ phận không nhỏ người giàu đô thị đang là cơ hội lớn cho du lịch nghỉ dưỡng ven đô phát triển.

Cung không đủ cầu

Để có những giây phút cuối tuần thư giãn, trong những năm gần đây, du lịch nghỉ dưỡng ven đô dần trở thành xu hướng được nhiều người dân Hà Nội lựa chọn, đặc biệt là những người trẻ tuổi hoặc mới lập gia đình.

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, với thời gian di chuyển khoảng 90 phút cả đi lẫn về, mỗi năm người dân có kinh tế tại Hà Nội có nhu cầu đi nghỉ cuối tuần khoảng 20 - 30 lần và đang tăng dần đều với tốc độ ngày càng lớn. Điều này cho thấy, nhu cầu về du lịch, nghĩ dưỡng ven đô đang rất lớn.

Nắm bắt được xu thế trên, những năm vừa qua, một số chủ đầu tư đã triển khai những khu biệt thự nghỉ dưỡng ở xung quanh Hà Nội. Có thể kể đến một số dự án đã đi vào hoạt động như Khu du lịch Flamingo Đại Lải, Melia Ba Vì, Mai Châu Ecolodge, Serena Resort Kim Bôi, Emeralda Ninh Bình...

Thực tế cho thấy, các dự án này có công suất khai thác rất tốt, đặc biệt là vào những ngày cuối tuần, ngày lễ, thường cháy phòng. Tuy nhiên, phải thừa nhận thực tế rằng, hiện số lượng những khu du lịch nghỉ dưỡng được đầu tư bài bản ở vùng ven Hà Nội và các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hoà Bình, Ninh Bình còn rất khiêm tốn so với nhu cầu.

Tại hội thảo về bất động sản nghỉ dưỡng vùng ven vừa tổ chức tại Hà Nội cuối tuần qua, các chuyên gia cho rằng, chỉ tính riêng việc phục vụ dân số hiện tại của Hà Nội, bất động sản nghỉ dưỡng ven đô đã cần tới 50.000 phòng nghỉ tối thiểu/năm. Ngoài ra, khách tại các địa phương khác, cũng như khách quốc tế đến các địa điểm nghĩ dưỡng ven đô này cũng ngày một gia tăng. Điều này khiến sức ép về nguồn cung phòng lưu trú càng lớn hơn, nhiều khu nghĩ dưỡng ven đô Hà Nội đang có dấu hiệu quá tải.

Theo ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, chủ đầu tư Khu du lịch Ao Vua (Ba Vì, Hà Nội), du lịch ven đô là nhu cầu cần thiết của xã hội, nhất là các khu đô thị, thành phố, vì áp lực về môi trường, công việc, cuộc sống. Cách đây 20 năm, không ai nghĩ có du lịch sinh thái ven đô, nhưng giờ nó lại trở thành món ăn tinh thần với nhiều người.

Hiện đã có một số doanh nghiệp triển khai dự án resort ven đô, nhưng số lượng và chất lượng dịch vụ vẫn còn khá khiêm tốn 

Dù có nhiều tiềm năng, nhưng theo ông Thản, không dễ để phát triển vì nhiều lý do, trong đó có lý do quan trọng là các khu du lịch ven đô hiện nay vẫn chỉ dừng ở quy mô nhỏ lẻ, chưa thành một chuỗi liên kết hỗ trợ, tạo thành mạng lưới.

Ngoài ra, thông tin về các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng ven đô đến với khách du lịch chưa nhiều, dẫn đến các dự án du lịch ven đô mới chỉ thành công về mặt thu hút nhà đầu tư, chưa thực sự thành công về mặt thu hút khách nghỉ dưỡng.

Đồng quan điểm, ông Lương Ngọc Khánh, Tổng giám đốc Công ty Quản lý khách sạn H&K Hospitality cho biết, bức tranh du lịch, nghỉ dưỡng ven đô nhìn chung vẫn tốt, nhưng cần thấy một điều là ngoại trừ ngày nghỉ cuối tuần hay ngày lễ, những ngày còn lại trong tuần, các khu resort, khách sạn ven đô rất vắng khách.

“Nhìn công suất các khu nghỉ dưỡng ngoại ô rất thấp, rất vắng những ngày trong tuần. Vì vậy, đơn vị quản lý, vận hành phải làm sao lôi kéo khách trong những ngày trong tuần mới là quan trọng. Muốn thế phải xây dựng và cung cấp đa dạng hơn các sản phẩm dịch vụ”, ông Khánh nói.

Ông Khánh cho rằng, cái nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng bán cho du khách là cảm xúc. Tuy nhiên, hiện nay, kiến trúc và dịch vụ tại các khu sinh thái, khu resort hầu như đều thấy hao hao giống nhau, không có nét độc đáo, riêng biệt, nên khó hút khách.

"Không gian nghỉ dưỡng có nét văn hóa bản địa là điều du khách cần. Các khách du lịch thích khám phá văn hóa của địa phương, nhưng hầu như các khu nghỉ dưỡng ven đô không đáp ứng được", ông Khánh nhấn mạnh.

Muốn phát triển phải làm đúng cách

Theo ông Lê Kiên Trung, nhà sáng lập chuỗi homestay Urban Getaway, trên thế giới, xu hướng đang dần chuyển dịch theo cách hưởng thụ và tận hưởng chuyến đi. Không chỉ đam mê xê dịch, du khách muốn được trải nghiệm nhiều hơn, cảm nhận nhiều hơn nét đẹp văn hóa và bản sắc của địa phương.

"Trong ‘thực đơn’ du lịch của mình, du khách không chỉ cần ăn, ngủ, nghỉ để giải stress, mà họ còn có nhu cầu tìm hiểu về lịch sử, kiến trúc, khám phá thiên nhiên…", ông Trung chia sẻ.

Vì thế, vai trò của xây dựng những trải nghiệm đó vô cùng quan trọng cho một chuyến đi kết hợp nghỉ dưỡng của khách hàng. Để từ đó, du khách sẽ cảm thấy hào hứng và tiếc nuối sau mỗi một chuyến đi, sẵn sàng trở lại địa điểm du lịch đó trong tương lai.

"Khách hàng bây giờ cần trải nghiệm ở những mô hình du lịch mới lạ, thay vì những mô hình đã hiện hữu với mô típ lặp đi lặp lại", ông Trung nói và cho biết, nếu đơn thuần chỉ phát triển một dự án với phòng và sảnh lớn sẽ không đảm bảo tính cạnh tranh, cũng như phù hợp với nhu cầu của khách hàng trong trung và dài hạn.

Cũng theo ông Trung, thị trường Việt Nam bây giờ cần những loại hình sản phẩm phức tạp và đa dạng hơn, nắm bắt các xu hướng đang thay đổi trên toàn cầu. Công nghệ hiện đang chuyển hóa cách thức cũng như các hoạt động du lịch.

Lấy ví dụ về chuỗi homestay Urban Hospitality, ông Trung cho biết, đây là mô hình ra đời dựa trên việc tạo nên những trải nghiệm mới cho khách hàng với không gian kiến trúc có thẩm mỹ, gần gũi với thiên nhiên và dân dã. Sẽ không có công nghệ tại các homestay như như tivi, mạng internet…, mà khách hàng sẽ phải tự phục vụ chính mình.

"Khi đó, người với người gần nhau hơn, thoát khỏi đô thị đông đúc khói bụi, cùng nhau chia sẻ những giây phút dường như đã bị lãng quên bởi nhịp sống gấp gáp của thời đại công nghệ. Ban đầu khách hàng có thể hơi khó khăn, nhưng khi họ dần quen với trải nghiệm du lịch tự túc như vậy, họ sẽ thấy thoải mái và hứng thú hơn với các chuyến đi của mình", ông Trung nói.

Đồng quan điểm, ông Lê Đức Hải, Tổng giám đốc INT Group, du lịch Việt Nam hiện nay có rất nhiều cơ hội, nhưng nắm bắt và tận dụng được cơ hội đó thế nào sẽ là bài toán mà không chỉ đối với nhà quản lý, doanh nghiệp mà còn cả nhà đầu tư, khách nghỉ dưỡng, những người trực tiếp thụ hưởng các sản phẩm này.

Vì thế, cần phải có sự liên kết hợp tác để tạo thành một chuỗi giá trị trong hoạt động thúc đẩy du lịch phát triển, không thể xây một dự án rồi chờ khách đến với mình, mà phải tạo ra những nhu cầu để họ tìm kiếm mình bằng mọi giá. Bất động sản nghỉ dưỡng là một xu hướng tích cực, đang tăng lên từng năm và du khách không còn du lịch nhiều theo mùa, mà đi nghỉ bất cứ khi nào có điều kiện.

Do vậy, nhu cầu sở hữu các bất động sản nghỉ dưỡng như là ngôi nhà thứ hai của mình để có thể sử dụng thường xuyên chứ không chỉ là 1 hoặc 2 kỳ nghỉ trong năm như trước kia nữa. Vì vậy, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ven đô đang có dư địa phát triển rất lớn và hiện mới đang ở kỳ đầu trong chu kỳ sống của mình.

Tuy nhiên, vấn đề quy hoạch là một yếu tố rất quan trọng để có sự phát triển bền vững, tránh tình trạng phát triển manh mún, nham nhở. Các dự án cần có sự quy hoạch tổng thể, riêng biệt một cách tương đối với khu dân cư, nhà máy. Nói đến bất động sản nghỉ dưỡng sinh thái là nói đến một cuộc sống xanh bền vững và sẽ không bao giờ có được sự bền vững này nếu thiếu đi sự quy hoạch với tầm nhìn dài hạn và bao quát.

Do đó, theo các chuyên gia, giải pháp là cần có một quy hoạch tổng thể, cần có sự kết hợp của 4 nhà: Nhà quản lý, nhà đầu tư, nhà khoa học và nhà dân. Đặc điểm của bất động sản nghỉ dưỡng sinh thái là gắn liền với thiên nhiên, nên việc tham gia của cả 4 nhà là vô cùng cần thiết.

"Việc phát triển các dự án cũng phải nằm trong quy hoạch tổng thể của cả vùng nhằm đảm bảo yếu tố cân bằng giữa thiên nhiên và con người, giữa việc phát triển kinh tế xã hội với việc bảo tồn thiên nhiên, đặc biệt là cần tránh việc lập các dự án bừa bãi, chồng chéo thiếu đi sự đồng bộ và một tầm nhìn dài hạn", ông Hải nhấn mạnh.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan