Cơ hội lại mở ra

Cơ hội lại mở ra

(ĐTCK) Thị trường đầu tháng 8 đầy sóng gió khi chỉ số VN-Index biến động mạnh, có phiên giảm xấp xỉ 50 điểm. Nhìn lại tháng 7, cũng là chuỗi ngày không mấy tích cực khi VN-Index dao động trong khoảng 1.220 - 1.300 điểm, đóng cửa chỉ tăng vỏn vẹn 0,5% so với tháng trước đó.

Trong đó, đa phần chứng khoán giảm giá, chỉ có một số ít tăng giá và rất ít nhà đầu tư kiếm được tiền. Đặc biệt, nhóm vốn hóa vừa và nhỏ có trong danh mục của phần lớn nhà đầu tư cá nhân sụt giảm do chốt lãi.

Chứng khoán không phải là nền kinh tế, nên đôi khi kinh tế tốt, chỉ số chứng khoán vẫn giảm, nhưng vĩ mô tốt lại là nền tảng để nhà đầu tư tự tin thị trường không điều chỉnh quá đà. Xét về bức tranh kinh tế vĩ mô, áp lực tỷ giá thời gian qua đã giảm đáng kể, xu hướng được giới chuyên gia nhận định là đồng USD yếu hơn sau những chỉ báo ôn hòa từ Fed. Thu nhập quý II từ nhiều công ty niêm yết cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ so với cùng kỳ và quý trước đó.

Dữ liệu kinh tế tháng 7 cũng cho thấy mức tăng trưởng mạnh hơn so với tháng 6. Xuất nhập khẩu tăng tốc lên mức cao kỷ lục mới, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm. Sự gia tăng xuất khẩu được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ nhu cầu đối với mảng thiết bị và thiết bị điện tử. PMI sản xuất tăng ở mức 54,7. Sản xuất công nghiệp tăng 11,2% trong tháng 7, vượt đáng kể mức tăng trưởng 7,7% trong 6 tháng đầu năm. Vốn FDI giải ngân từ đầu năm đến nay tăng đều 8,4% so với cùng kỳ. Lạm phát được kiểm soát ở mức 4,4% dù có đợt tăng tiền lương cơ bản vào tháng 7.

Một số nhà đầu tư lướt sóng dũng cảm bắt đáy trong phiên 5-6/8 đã có lợi nhuận khi cổ phiếu về tài khoản. Còn với các nhà đầu tư dài hạn, một số túc tắc “nhặt hàng” khi định giá thị trường đã xuống 13x, thậm chí nhiều cổ phiếu còn phá đáy 2 năm qua, một số vẫn chờ đợi bởi lo ngại biến động mạnh tương tự có khả năng tái diễn trong các tháng cuối năm 2024, trong bối cảnh các điều kiện vĩ mô, địa chính trị và dịch chuyển dòng vốn toàn cầu diễn biến phức tạp và khó đoán định.

Với luận điểm chọn doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng, nhà đầu tư nắm giữ dài hạn quan niệm có thể xảy ra những thời điểm biến động, xu hướng chung của thị trường chứng khoán vẫn sẽ tích cực trong thời gian tới. Đặc biệt, câu chuyện nâng hạng lên thị trường mới nổi (EM) vào năm 2025 còn phía trước.

Một số nhà đầu tư chuyên nghiệp như Vinacapital cũng nhìn nhận những cơ hội tốt nhất để đầu tư dài hạn thường đến vào những thời điểm thị trường biến động mạnh. Quỹ này tận dụng nhịp điều chỉnh để mua vào với niềm tin vào tiềm năng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam, và những biến động hiện tại không ảnh hưởng lâu dài đến tình hình hoạt động của các công ty mà quỹ đang đầu tư.

Câu chuyện Tiêu điểm tuần này của Đầu tư Chứng khoán với sự cộng tác của các chuyên gia, nhà quản lý quỹ có kinh nghiệm sẽ đưa ra những góc nhìn về bối cảnh thị trường trong và ngoài nước để nhà đầu tư có thể tự mình “bóc tách” những vỉa quặng đáng giá còn đang chìm khuất trong những nhiễu động thị trường.

Tin bài liên quan