Ngày 18/11/2021, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) thông báo đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết 92,9 triệu cổ phiếu CTR từ UPCoM sang HoSE. Kế hoạch chuyển sàn đã được CTR thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021.
Theo SSI Research, dòng vốn các quỹ ETF có thể sẽ trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam trong 2 tháng cuối năm khi tỷ lệ tiêm chủng tại Việt Nam đã đạt mức tương đối cao (gần 60% dân số đã tiêm mũi 1 và 30% tiêm mũi 2) và việc khôi phục trở lại hoạt động sản xuất. CTR sẽ là một mã cổ phiếu tiềm năng để các quỹ đầu tư bổ sung vào danh mục khi niêm yết trên HoSE.
CTR hiện nay kinh doanh dựa trên 5 trụ lĩnh vực kinh doanh chính: Đầu tư hạ tầng cho thuê; Xây dựng (bao gồm xây dựng hạ tầng viễn thông, xây dựng dân dụng B2B và B2C); Công nghệ thông tin; Giải pháp tích hợp và Vận hành khai thác.
Các lĩnh vực kinh doanh của CTR đều đang có kết quả tăng trưởng rõ rệt. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2021, CTR đã hoàn thành tới 99,2% kế hoạch lợi nhuận và 93% kế hoạch doanh thu của năm (đạt 6.127/6.600 tỷ đồng). CTR cũng đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 15% trong giai đoạn 2021-2025, hướng tầm vóc trở thành doanh nghiệp doanh thu tỷ đô.
Về thị trường Đầu tư Hạ tầng cho thuê:
Trong những năm gần đây, TowerCo là ngành công nghiệp có quy mô lớn, dự kiến đạt 146 tỷ USD vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng cao gấp 5 lần so với ngành viễn thông, châu Á được dự báo là khu vực có tốc độ tăng trưởng tốt nhất.
Trên thực tế nhu cầu thuê hạ tầng từ các TowerCo của các nhà mạng tăng cao, do nhu cầu sử dụng lưu lượng data của người dùng ngày một lớn. Khi công nghệ 5G bùng nổ, cơ hội đầu tư xây dựng các trạm BTS mới sẽ được gia tăng hơn nữa.
Tại sự kiện “Hành trình 5G” mới đây, Tập đoàn Viettel thông báo đã có giấy phép triển khai mạng 5G tại 16 Tỉnh/TP trên toàn quốc. Tất cả đều sử dụng công nghệ mạng 5G hiện đại nhất hiện nay, tốc độ tối đa tại phòng thí nghiệm là 1,8Gbps. Điều này mở ra cơ hội rất lớn cho CTR trong việc đầu tư xây dựng thêm các trạm BTS trong dài hạn.
Kiến trúc sư Viettel Construction tư vấn khách hàng lĩnh vực xây dựng dân dụng |
Thị trường Vận hành khai thác
Trên thế giới, nhu cầu Outsource (OS) các hoạt động Vận hành khai thác của các nhà mạng di động/ nhà mạng cố định đã trở nên rất phổ biến. Điều này sẽ tạo cơ hội cho CTR mở rộng tại các thị trường đang có mặt. Năm 2021, CTR cũng đã chính thức tiếp nhận Vận hành khai thác mạng viễn thông cho các đối tác lớn như MNTI, NTD,…
Ở trong nước, nhu cầu về OS hoạt động Vận hành khai thác đang có dấu hiệu tăng do áp lực chi phí vận hành. Việc xây dựng 120.000 trạm viễn thông và vận hành hơn 35.000 trạm viễn thông là quy mô mà chỉ có một vài công ty TowerCo toàn cầu đạt được. Do vậy đây là những lợi thế cạnh tranh giúp cho CTR nhận được lòng tin và nhu cầu OS công tác Vận hành khai thác từ đối tác. Một số khách hàng mới của CTR có thể kể đến như Bộ Công An, OCK, MobiFone,…
Một mảng kinh doanh mới của CTR hiện rất phát triển là dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng các thiết bị trong gia đình. Chỉ mới triển khai từ đầu năm nhưng lĩnh vực này đã mang về doanh thu 150 tỷ đồng, thực tế nhu cầu từ thị trường rất lớn, tính chung hiện Việt Nam có khoảng 26,9 triệu hộ gia đình. Nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị của người dân ngày một tăng cao, do chi phí này không quá lớn.
Thị trường Xây dựng
Theo báo cáo của BMI, thị trường xây dựng Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng trung bình 7,1%/năm tới 2023, tăng gấp đôi so với trung bình Thế giới. Hiện CTR đang kinh doanh theo 2 nhóm ngành chính: thi công xây dựng các dự án bất động sản và xây dựng nhà hộ gia đình. Doanh nghiệp đã có nhiều năm kinh nghiệm và triển khai xây dựng các dự án lớn nhỏ trên cả nước từ các chủ đầu tư Vingroup, MBLand, FLC, Novaland,…
Đối với mảng xây dựng hộ gia đình, hiếm có doanh nghiệp nào có thể đáp ứng bài toán thi công xây dựng phủ đến cấp quận xã như CTR hiện nay. Bên cạnh đó các chính sách về bảo hành và giải pháp thi công trọn gói sẽ là xu hướng ưa chuộng của người Việt.
Thị trường Giải pháp tích hợp
Lĩnh vực này CTR tập trung vào 4 nhóm ngành chính: ICT, Cơ điện (M&E), Smart solutions, năng lượng mặt trời. Các sản phẩm CTR kinh doanh đều bám sát theo xu hướng thị trường và nhu cầu người tiêu dùng như: camera giám sát tại các điểm khu cách ly, thiết bị phục vụ học tập và giảng dạy trực tuyến trong bối cảnh covid-19, máy lọc không khí, các sản phẩm năng lượng mặt trời,… Việc chớp thời cơ nhanh chóng và độ phủ địa bàn kinh doanh lớn giúp cho CTR có những lợi thế nhất định.
Thị trường Công nghệ thông tin
Theo báo cáo của The Manufacturer về những nhận định Chuyển đổi số năm 2021, dưới tác động của Covid-19 thì có 67% các nhà quản lý tăng tốc đẩy mạnh các dự án số, 92% trong số đó coi “cải thiện hiệu quả vận hành” là ưu tiên lớn nhất. Việc cung cấp các giải pháp như quản lý kho, quản lý hoạt động bán hàng, hệ thống tổng đài số,…của Viettel Construction có thể đáp ứng lớn nhu cầu các doanh nghiệp/hộ kinh doanh vừa và nhỏ trong bối cảnh chuyển đổi số.
Trước những lợi thế cạnh tranh khác biệt và nguồn lực mà CTR đang sở hữu, doanh nghiệp có rất nhiều tiềm năng để bứt phá trên cả 5 lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, hướng mục tiêu trở thành doanh nghiệp doanh thu tỷ đô trong tương lai.