Các dự án thân thiện với môi trường có lợi thế trong gọi vốn.

Các dự án thân thiện với môi trường có lợi thế trong gọi vốn.

Cơ hội gọi vốn qua trái phiếu xanh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chuyển đổi xanh là cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng và từ các tổ chức tài chính, đặc biệt là vốn nước ngoài.

Tín dụng xanh, trái phiếu xanh đã và đang được áp dụng phổ biến tại các quốc gia phát triển. Báo cáo của CBI (Climate Bonds Initiative - Sáng kiến trái phiếu khí hậu) cho thấy, tổng lượng phát hành trái phiếu xanh trên toàn cầu đạt 290 tỷ USD vào năm 2021. Dự báo giá trị phát hành trái phiếu xanh của năm 2022 có thể đạt 450 tỷ USD và cán mốc nghìn tỷ USD vào năm 2023.

Việt Nam đang cần nhiều nguồn lực hỗ trợ để thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia. Ngay sau Hội nghị COP26 ở Glasgow kết thúc, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050, đồng thời, đưa ra một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đã cam kết bằng việc tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các ngành, các địa phương cùng có trách nhiệm giảm phát thải ròng…

Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong giai đoạn 2017-2021, dư nợ cấp tín dụng xanh của nước ta tăng trưởng bình quân 25%/năm. Tính đến 30/6/2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 474.000 tỷ đồng, chiếm 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Con số này đã tăng 7,08% so với năm 2021, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (47%), nông nghiệp xanh (32%).

Tuy nhiên, theo bà Thanh Tùng, vẫn còn một số hạn chế trong phát triển tín dụng xanh. Đơn cử như chưa có quy định về tiêu chí, danh mục dự án xanh để làm căn cứ cho các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh cho giai đoạn tới.

Việc cấp tín dụng xanh cũng gặp khó khăn trong việc giám sát và quản lý rủi ro khi cấp tín dụng do thiếu tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá công cụ đo lường tác động đến môi trường. Ngoài ra, việc đầu tư vào lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, công trình xanh thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn trong khi nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng lại là vốn huy động ngắn hạn. Điều này gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc cân đối vốn và đảm bảo tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinRatings gợi ý, việc phát hành trái phiếu xanh đang là xu hướng lớn của thị trường vốn trên thế giới, ước tính đã tăng gấp đôi trong 3 năm qua. Hiện tại, một số doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu tham gia các chương trình về trái phiếu xanh quốc tế.

Ông Thuân cho biết, mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam rất tham vọng nên nhu cầu vốn trong nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp hiện rất lớn. Tiến trình chuyển đổi xanh là cơ hội để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được các nguồn vốn khác nhau, ví dụ như thông qua tín dụng ngân hàng, trái phiếu và các tổ chức tài chính trong nước, nước ngoài và đặc biệt là vốn nước ngoài.

Hiện tại, quy mô trái phiếu bền vững, bao gồm cả trái phiếu xanh toàn cầu đạt khoảng hơn 3.000 tỷ USD và mục tiêu của Tổ chức Tín dụng khí hậu Quốc tế đến năm 2025 giá trị phát hành hàng năm sẽ đạt khoảng 5.000 tỷ USD. Ông Thuân hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng khoảng 1% trong số này, tức khoảng 50 tỷ USD cùng với việc Chính phủ sẽ có nhiều cơ chế hỗ trợ về mặt lãi suất, thuế phí để có thể khuyến khích nhiều doanh nghiệp tham gia và hiện thực hoá cam kết giảm lượng phát thải về bằng 0.

Trong khi đó, bà Thanh Tùng cho rằng, giai đoạn này cũng chính là cơ hội cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nên định hướng hoạt động sản xuất - kinh doanh theo mô hình phát triển bền vững, đầu tư vào các ngành kinh tế xanh trong quá trình chuyển đổi của nền kinh tế.

Tin bài liên quan