Hàng dệt may từ Việt Nam đang có cơ hội gia tăng xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Hàng dệt may từ Việt Nam đang có cơ hội gia tăng xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Cơ hội gia tăng xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ

Xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ có thể đạt 13,83 - 13,9 tỷ USD vào cuối năm nay, nhưng động thái được hưởng lợi từ đơn hàng nhập khẩu chảy sang Việt Nam từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa rõ ràng và nếu có cũng chưa thể tác động ngay.

Dệt may sang Mỹ chiếm phân nửa

Nửa đầu năm 2018, dệt may tiếp tục là một trong những mặt hàng chủ lực với kim ngạch cao, đạt 13,42 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ.

Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp dệt may trong nửa đầu năm 2018 tương đối thuận lợi vì đơn hàng dồi dào, phần lớn doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết quý III, thậm chí hết năm nay.

Trong đó, thị trường quyết định lớn tới giá trị xuất khẩu dệt may là Mỹ vẫn đang rộng cửa nhập khẩu một lượng lớn hàng từ Việt Nam.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), 6 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may vào Mỹ ước đạt gần 6,4 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ 2017, chiếm 47,7% xuất khẩu của ngành này.

Ông Phạm Xuân Trình, Tổng giám đốc Tổng công ty Phong Phú cho biết, Phong Phú vẫn đang xuất khẩu tốt sang Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, với đơn hàng ổn định, tập trung vào các mặt hàng có lợi thế sợi, bông, vải demin, khăn bông...

“Nhiều năm hoạt động thương mại dệt may với Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Phong Phú, được các khách hàng lớn đánh giá cao về khả năng cung ứng hàng hóa, sản phẩm chất lượng, đó là những điểm cộng của dệt may vào Mỹ”, ông Trình nói.

Hoạt động xuất khẩu trong năm 2018 được dự báo tiếp tục khởi sắc. Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng sản xuất - kinh doanh hàng quý của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng cuối năm 2018 với sự tham gia của 6.500 doanh nghiệp được chọn mẫu điều tra, do Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy.

Có tới 93,7% doanh nghiệp lạc quan cho rằng, 6 tháng cuối năm xuất khẩu tăng và giữ ổn định so với 6 tháng đầu năm, trong đó hàng may mặc, xơ sợi… là ngành hàng xuất khẩu dự báo có đơn hàng xuất khẩu tăng cao nhất.

Lo ngại cạnh tranh trong nước gay gắt hơn

Việc Mỹ chính thức áp mức thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc từ ngày 6/7 và ngay lập tức, Trung Quốc đã "trả đũa", khi quyết định cũng áp mức thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa Mỹ, là một trong những nhân tố chính ảnh hưởng tới bức tranh thương mại dệt may thế giới trong năm 2018.

Dệt may Việt Nam dù đang được đánh giá tốt cũng không dễ tạo sự đột biến ngay lập tức về gia tăng xuất khẩu, dù các quý III và quý IV hàng năm là cao điểm xuất hàng dệt may phục vụ nhu cầu tiêu dùng mùa thu - đông, dù theo lý thuyết, cơ hội để dệt may gia tăng xuất khẩu là có.

TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Fulbright cho rằng, cơ hội gia tăng xuất khẩu vào Mỹ với một số lĩnh vực lâu nay Việt Nam cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc như dệt may, da giày... sẽ đến nhiều hơn.

Trong khi đó, VITAS cũng nhận định, nếu hàng dệt may từ Trung Quốc bị áp thuế cao tại Mỹ, thì những nước đang trực tiếp cạnh tranh với Trung Quốc trên thị trường Mỹ sẽ được hưởng lợi. Sát sườn nhất là Việt Nam và các quốc gia cạnh tranh giá rẻ khác như Campuchia, Bangladesh.

Ngoài ra, khi xuất khẩu dệt may Trung Quốc bị đe dọa, không loại trừ khả năng Chính phủ Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hơn nữa luân chuyển sản xuất sang các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam, nhằm tận dụng lợi thế cạnh tranh về chi phí nhân công, chi phí thương mại.

Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Garmex Sài Gòn cho rằng, từ vài năm nay, chi phí nhân công của Trung Quốc tăng cao nên nước này đã không đầu tư nhiều vào dệt may xuất khẩu và không còn cạnh tranh quá nhiều với xuất khẩu dệt may của Việt Nam.

Thực tế, có một số nhà nhập khẩu Mỹ lo ngại tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, đã dịch chuyển đơn hàng, đổi nhà cung cấp từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhưng chưa nhiều. "Chỉ có điều lo ngại là hàng dệt may Trung Quốc không xuất được qua Mỹ vì thuế cao, sẽ tràn sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam. Khi đó, thị trường may mặc trong nước sẽ bị cạnh tranh gay gắt hơn", ông Hùng nói

Tin bài liên quan