Theo Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), cần phải đầu tư 5.000 tỷ USD hàng năm vào các công nghệ chuyển đổi năng lượng để đáp ứng mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức 1,5 độ C Ảnh: AFP
Thức thời nắm bắt cơ hội
Với quy mô mục tiêu 1 tỷ USD, Investcorp Golden Horizon - nền tảng đầu tư do Investcorp International (Bahrain) hậu thuẫn - đang trở thành một hình mẫu về nắm bắt cơ hội từ hợp tác kinh tế giữa Trung quốc và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) mà cốt lõi là hợp tác công nghệ và đầu tư. GCC là tổ chức khu vực quan trọng hàng đầu ở Trung Đông, gồm 6 quốc gia thành viên ở khu vực vùng Vịnh là Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và UAE.
Đầu tư ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và GCC là một trong những xu hướng rõ nét trong bối cảnh doanh nghiệp và nhà đầu tư đang không ngừng chuyển mình để thích ứng với các xu hướng địa chính trị, công nghệ và kinh tế vĩ mô. GCC từ lâu đã là trung tâm của sự giàu có và tài nguyên năng lượng, còn Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - với Sáng kiến Vành đai và Con đường mang tính chiến lược, đã nổi lên như một nhân tố then chốt trong các nỗ lực đa dạng hóa và hiện đại hóa của GCC.
Trong bài viết chia sẻ quan điểm với Hội nghị thường niên Các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Đại Liên (Trung Quốc) mới đây, ông Duncan Zheng, Giám đốc điều hành cấp cao Investcorp International cho rằng, công nghệ đang nhanh chóng trở thành nền tảng của mối quan hệ tài chính và công nghiệp giữa Trung Quốc và GCC, tăng cường hợp tác và đầu tư xuyên biên giới. Nó là chất xúc tác cho các doanh nhân và các cơ hội đầu tư mới, đồng thời sẽ tạo ra những tác động tích cực đáng kể đến các doanh nghiệp ở cả hai khu vực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đổi mới.
“Trong khi các nước GCC tiếp tục đa dạng hóa nền kinh tế, thì đầu tư từ Trung Quốc có thể cung cấp vốn và chuyên môn cần thiết để phát triển các lĩnh vực khác, tạo ra mối quan hệ cộng sinh đôi bên cùng có lợi”, đại diện Investcorp International đánh giá.
Dấu ấn cho sự hợp tác đó là Con đường tơ lụa kỹ thuật số (DSR), tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ mới vào cơ cấu của Sáng kiến Vành đai và Con đường. Bằng cách tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và tiến bộ công nghệ, DSR hứa hẹn sẽ tăng cường kết nối và hội nhập kinh tế trên khắp châu Á và GCC.
Dưới góc nhìn của nhà đầu tư, ông Duncan Zheng cho rằng, Sáng kiến Vành đai và Con đường cùng DSR mang đến cơ hội quan trọng cho các nhà đầu tư trên toàn cầu, cũng như những nhà đầu tư đang hoạt động tại GCC hoặc Trung Quốc. Hiện nay, các công ty như Investcorp International khiến việc đầu tư vào mối quan hệ thương mại năng động đó trở nên dễ dàng hơn.
Điển hình, Investcorp Golden Horizon là nền tảng có quy mô mục tiêu 1 tỷ USD, nhằm mục đích thúc đẩy đầu tư vào các công ty hàng đầu có tốc độ tăng trưởng cao trên khắp GCC và Trung Quốc. Nền tảng này tập trung “bơm máu” cho các hoạt động kinh doanh ở các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ, như hàng tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe, logistics và dịch vụ kinh doanh, tất cả đều đóng vai trò then chốt trong chiến lược chuyển đổi và đa dạng hóa kinh tế của các nước GCC.
Trong đó, Quỹ Saudi Pre-IPO Growth Fund thuộc Investcorp Golden Horizon, chủ yếu đầu tư vào các công ty hàng đầu ở GCC muốn tiếp cận thị trường vốn trong vòng 3 đến 4 năm. Quỹ này đã công bố 3 khoản đầu tư vào GCC, một động thái cho thấy nỗ lực tìm kiếm cơ hội ở khu vực.
“Mở khóa” sự hội tụ công nghệ năng lượng
Những nền kinh tế thông minh được gắn kết với những tiến bộ theo cấp số nhân trong nhiều loại công nghệ, từ kỹ thuật số đến công nghệ năng lượng và công nghệ sinh học.
- Ông Mirek Dušek, Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF)
Cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc đã hình thành các xu hướng áp đặt rào cản thương mại như thuế quan, tách biệt công nghệ và sự gián đoạn của dòng vốn. Các xu hướng này hiện có rất ít dấu hiệu giảm bớt, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng và sự thay đổi tổng thể theo hướng đa cực.
Chi phí kinh tế của sự phân tách đó là rất cao và theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thì các hạn chế thương mại quốc tế gia tăng có thể kéo giảm sản lượng toàn cầu tới 7% trong thời gian dài, lên tới 7.400 tỷ USD.
Tuy nhiên, ông Mirek Dušek, Giám đốc điều hành WEF cho rằng, sự phân mảnh kinh tế đó trùng hợp lại là cơ hội duy nhất để bắt đầu xây dựng các nền kinh tế hiệu quả, toàn diện và bền vững hơn trên khắp thế giới. “Những nền kinh tế thông minh như vậy được gắn kết với những tiến bộ theo cấp số nhân trong nhiều loại công nghệ, từ kỹ thuật số đến công nghệ năng lượng và công nghệ sinh học. Nhiệm vụ hiện nay mà tất cả các bên liên quan phải đối mặt là tìm cách tối đa hóa lợi ích tăng trưởng của động lực đổi mới này, đồng thời giảm thiểu lực cản của sự phân mảnh kinh tế”, ông Dušek khuyến nghị.
Giám đốc điều hành WEF cho rằng, cần phải có nhiều cuộc đối thoại và hợp tác sáng tạo hơn để nắm bắt cơ hội này, tránh rơi vào “thập kỷ hai mươi tẻ nhạt” được đánh dấu bằng tốc độ tăng trưởng chậm và thách thức nợ ngày càng gia tăng, như Giám đốc điều hành IMF, bà Kristalina Georgieva, đã cảnh báo vào đầu năm nay.
Mới đây, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, chính phủ và tổ chức quốc tế tập trung tại Hội nghị thường niên Các nhà tiên phong lần thứ 15 của WEF tại Trung Quốc với mục đích thảo luận phương hướng và cách triển khai những giải pháp đó.
Họ nhận thức được rằng, các công nghệ thúc đẩy làn sóng kinh doanh và tăng trưởng kinh tế tiếp theo, bao gồm AI, điện toán lượng tử và công nghệ sinh học, đã mang lại những thay đổi đáng kể trong chính sách.
Thế nhưng, việc hạn chế dòng chảy công nghệ tiên tiến đó ngay khi mới bắt đầu phát triển được cảnh báo là gây ra tổn thất lớn cho toàn cầu. IMF dự báo, việc phân mảnh công nghệ cao (bao gồm cả hệ thống năng lượng) có thể dẫn đến tổn thất 1,2% GDP toàn cầu và 1,5% GDP của châu Á. Mặc dù thừa nhận tầm quan trọng của những công nghệ này ở cấp quốc gia, nhưng điều quan trọng là phải duy trì mức độ hợp tác và đổi mới theo hướng cởi mở ngay ở thời điểm quan trọng này.
“Đây là những nguyên tắc đã được chứng minh thành công trong việc giảm chi phí và đưa công nghệ ra thị trường trong quá khứ. Việc đảm bảo khả năng tương tác hoặc sự phát triển của các hệ thống có thể hoạt động kết hợp với nhau, thay vì tạo ra các hệ thống cạnh tranh và tách biệt, sẽ cho phép chúng ta khai thác toàn bộ lợi ích từ những đổi mới này”, Giám đốc điều hành WEF lưu ý.
Tuy vậy, còn nhiều việc phải làm trong quá trình chuyển đổi năng lượng khi mà những nỗ lực toàn cầu vẫn đang bị cản trở bởi những lo ngại về địa chính trị và kinh tế vĩ mô. Theo Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), cần phải đầu tư 5.000 tỷ USD hàng năm vào các công nghệ chuyển đổi năng lượng để đáp ứng mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Điều này sẽ đòi hỏi đồng thời tăng gấp 3 lần năng lượng tái tạo và tăng gấp đôi hiệu quả sử dụng năng lượng.
“Chúng ta chỉ có thể giải quyết những thách thức phức tạp và cấp bách nếu chúng ta kết nối các điểm giữa các ngành và khu vực địa lý. Việc tìm cách làm điều này là hết sức cần thiết để vực dậy nền kinh tế toàn cầu trong kỷ nguyên mới này”, Giám đốc điều hành WEF kêu gọi.