Hoạt động tư vấn tài chính doanh nghiệp sẽ đi vào chiều sâu
Ông Khổng Phan Đức ,Tổng giám đốc CTCK Công Thương (VietinBank Securities)
Theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến 30/6/2017, vốn hóa toàn thị trường (bao gồm cả cổ phiếu và trái phiếu) đã đạt hơn 3,5 triệu tỷ đồng, bằng 83,08% GDP, tăng trưởng 22% so với năm ngoái.
Nếu như trước đây, chúng ta tập trung tăng trưởng về quy mô thì hiện tại, TTCK Việt Nam đang dần đi vào giai đoạn cần phải chú trọng hoàn thiện về chất. Các đơn vị niêm yết trên sàn ngày càng ý thức và thực hiện nghiêm túc hơn vấn đề công khai minh bạch thông tin, kết nối với nhà đầu tư.
Trong đó, với vai trò cầu nối, không thể không nhắc đến đơn vị tư vấn là các CTCK. Không chỉ đơn thuần hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục niêm yết theo quy định, các CTCK còn tư vấn cho doanh nghiệp về công bố thông tin, truyền thông kết nối nhà đầu tư, sức khỏe tài chính, qua đó giúp nhà đầu tư quyết định lựa chọn cơ hội đầu tư phù hợp.
Đóng góp cho thị trường, trong năm 2016, CTCK Công Thương đã thực hiện thành công 138 hợp đồng tư vấn, với tổng giá trị thu xếp vốn ước đạt gần 23 nghìn tỷ đồng.
Về cơ hội thị trường, chúng tôi cho rằng, trong 5 năm tới, hoạt động IPO của các doanh nghiệp nhà nước và hoạt động thoái vốn vẫn thu hút được sự quan tâm lớn của thị trường. Bên cạnh đó, hoạt động tư vấn tài chính doanh nghiệp sẽ đi vào chiều sâu hơn với những hoạt động tư vấn tái cấu trúc, M&A, thu xếp vốn…
Doanh nghiệp niêm yết đóng vai trò chính thuyết phục nhà đầu tư
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và tư vấn khách hàng cá nhân, SSI
Giá trị lớn nhất mà TTCK tạo ra là thanh khoản, với mục tiêu cao nhất là phát triển TTCK thành kênh huy động vốn của nền kinh tế.
Thanh khoản phụ thuộc vào nhiều yếu tố, có yếu tố chủ quan của doanh nghiệp như quy mô vốn hóa, tỷ lệ tự do chuyển nhượng, tính công khai minh bạch của doanh nghiệp, có yếu tố khách quan là nền tảng kinh tế, cơ sở hạ tầng, mức độ hiểu biết của giới đầu tư.
Phát hành cổ phiếu là hình thức cơ bản nhất để huy động vốn từ các nhà đầu tư, cũng chính là công năng cơ bản nhất của TTCK. Dòng tiền thông minh sẽ tự động tìm đến các địa chỉ đầu tư tốt, thể hiện không chỉ ở tiềm năng phát triển của doanh nghiệp mà còn ở mức độ bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư.
Như vậy, các doanh nghiệp niêm yết sẽ đóng vai trò chính trong việc thuyết phục các nhà đầu tư. Vai trò của cơ quan quản lý nằm ở xây dựng một sân chơi công bằng và thuận lợi cho mọi đối tượng tham gia TTCK.
Cần đơn giản hóa thủ tục cho NĐT nước ngoài
Ông Phan Quốc Huỳnh, Tổng giám đốc CTCK Sacombank (SBS)
17 năm qua, TTCK đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để đạt được những thành tựu đáng kể như ngày hôm nay, thể hiện ở quy mô, cũng như cơ chế vận hành, từng bước tiếp cận các chuẩn mực quốc tế và hội nhập vào dòng chảy tài chính toàn cầu. Chất lượng hàng hóa niêm yết trên thị trường ngày càng đa dạng, ở nhiều ngành nghề với các doanh nghiệp lớn là đại điện của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng đã xây dựng và ngày càng hoàn thiện hệ thống khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách từ luật, nghị định cho đến các thông tư, quy chế, quy trình phù hợp với chiến lược phát triển mới của thị trường.
Hiện tại, chính sách thúc đẩy các doanh nghiệp, tập đoàn lớn IPO và đưa cổ phiếu lên sàn nhằm nâng cao chất lượng và đa dạng hàng hóa trên thị trường, giúp nhà đầu tư có nhiều sự lựa chọn hơn. Tuy nhiên, để thu hút thêm nguồn vốn nước ngoài, chúng ta cần có những chính sách phù hợp như đơn giản hóa thủ tục cho nhà đầu tư nước ngoài, song song với việc nới room cho các công ty đủ điều kiện.
Đối với CTCK Sacombank, sau quá trình tái cấu trúc, hoạt động kinh doanh đã đạt được kết quả tốt hơn. Với diễn biến thị trường khá thuận lợi, nền tảng hiện có và những vấn đề khó khăn đang dần được tháo gỡ, Công ty sẽ trở lại sàn niêm yết trong một thời gian không xa.
Sự đi lên của TTCK Việt Nam là tất yếu
Ông Kim Thiên Quang, Tổng giám đốc CTCK Maybank Kim Eng
Với đời người, 18 tuổi là cột mốc quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành để bước ra cuộc sống với tâm thế của người làm chủ. Điều này cũng đúng với quá trình phát triển của các TTCK trên thế giới.
Tại Việt Nam, khai mở vào năm 2000 chỉ với đúng 2 mã cổ phiếu, 6 nhà môi giới, sau 18 năm, TTCK đã có những bước phát triển mạnh mẽ, ngày càng trưởng thành và trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn với nhà đầu tư trong và ngoài nước. TTCK Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt và lọt vào Top 5 thị trường có mức tăng trưởng cao nhất tại khu vực Đông Nam Á.
Những năm qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cùng với 2 sở giao dịch chứng khoán đã nỗ lực tìm giải pháp giúp nâng hạng thị trường, liên tục triển khai các sản phẩm mới như cho ra đời thị trường chứng khoán phái sinh, chứng quyền có bảo đảm, cho phép hoạt động tạo lập thị trường… Với những nền tảng như vậy, sự đi lên của TTCK Việt Nam là tất yếu và chúng tôi đã nhìn thấy cơ hội rất lớn cho sự phát triển của Maybank Kim Eng tại Việt Nam.
MBKE mong muốn mình sẽ là một phần của cổng kết nối trong khu vực “ASEAN Gateway”, giúp mang nguồn vốn ngoại vào Việt Nam, góp phần vào sự phát triển của các DN trong nước nói riêng và TTCK Việt Nam nói chung.
Chứng tỏ sức hút mạnh mẽ với nhà đầu tư nước ngoài
Ông Mạc Quang Huy, Tổng giám đốc CTCK Maritime (MSI)
Thị trường chứng khoán 2017 chứng kiến sự bùng nổ về điểm số và thanh khoản, đạt mức đỉnh 9 năm. Sự tăng trưởng này xuất phát từ nền tảng kinh tế được hồi phục mang tính chu kỳ, cũng như các chính sách thúc đẩy tăng trưởng và thoái vốn mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu ngành, tạo ra sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển từ trạng thái bán ròng trong năm 2016 (bán ròng 300 triệu USD) sang mua ròng mạnh mẽ trong nửa đầu 2017 (mua ròng 400 triệu USD).
Mặc dù các quy định niêm yết chặt chẽ hơn song số lượng cổ phiếu niêm yết mới không ngừng gia tăng, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp có chất lượng cao như Habeco, Sabeco, Novaland, Vietjet, Petrolimex, Vietnam Airlines... Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đã đạt kỷ lục lịch sử trên 100 tỷ USD, đạt mức 50% GDP. Điều thú vị là rất nhiều doanh nghiệp lớn đã đăng ký giao dịch cổ phiếu lên sàn UPCoM, với mức vốn hóa sàn UPCoM lên tới 19 tỷ USD, gấp hơn 2 lần so với sàn HNX đạt 8 tỷ USD.
Định giá cổ phiếu tại thị trường Việt Nam cũng đã có sự tăng trưởng, với chỉ số PE đạt mức 16,6 lần trên cơ sở thu nhập dự phóng cho cả năm. Đây là mức định giá PE cao nhất từ sau khủng hoảng tài chính 2008, song vẫn còn đủ hấp dẫn nếu so sánh với các thị trường khu vực.
2017 sẽ là năm kinh doanh thuận lợi của các CTCK. Điều này đã được thể hiện qua biến động giá các cổ phiếu chứng khoán trong 6 tháng qua. Định giá P/B các cổ phiếu chứng khoán đạt mức 1,5 - 2,5 lần, là mức cao trong nhiều năm nay.
Tôi lạc quan về sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường trong thời gian tới. Chỉ số VN-Index có khả năng cán mốc 800 điểm vào quý I/2018.
Cần huy động nguồn vốn đang ngủ yên
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCK SJC (SJCS)
Sau 18 năm hoạt động, TTCK Việt Nam đã có những tiến bộ cả về chất và lượng. Nếu phiên giao dịch đầu tiên, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) chỉ có 2 mã cổ phiếu niêm yết REE và SAM với giá trị niêm yết là 270 tỷ đồng, thì nay thị trường có 695 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết, 377 cổ phiếu đăng ký giao dịch.
Dự báo, quy mô TTCK Việt Nam sẽ tăng nhanh từ mức 42%/GDP (năm 2016) lên mức 46,5%/GDP (năm 2017) và 56,3%/GDP (năm 2018), hướng tới mục tiêu tỷ lệ vốn hóa/GDP là 70% vào năm 2020.
Để thị trường phát triển hơn nữa, cần có chính sách khuyến khích khơi thông nguồn vốn đang “ngủ yên” trong dân như cổ vũ người dân đang nắm giữ vàng, ngoại tệ chuyển đổi xu hướng đầu tư. Bên cạnh đó, mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam lên thị trường mới nổi là trọng tâm phải đạt được để thu hút hàng tỷ USD nguồn vốn nước ngoài.
Với quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy quy mô vốn hóa và nâng hạng TTCK Việt Nam lên thị trường mới nổi, tôi cho rằng, tiềm năng tăng trưởng về quy mô của TTCK Việt Nam trong 3 - 5 năm tới là rất lớn.
Về hoạt động của SJCS, việc tăng vốn mạnh trong thời gian tới sẽ giúp Công ty cải thiện được nội lực, tạo hình ảnh và vị thế mới để gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, SJCS cũng kỳ vọng rất lớn vào thị trường chứng khoán trong thời gian tới với sự ra đời của TTCK phái sinh. Theo tôi, đây là một sân chơi nhiều thách thức nhưng cũng đầy tiềm năng, có thể tác động tích cực đến lợi nhuận của Công ty.