Nâng hạng dịch vụ
Bộ Công thương vừa lấy ý kiến về Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Chiến lược đặt mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam bền vững, hiệu quả, chất lượng và có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới, phát huy lợi thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Mục tiêu đến 2030, đưa tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 6-8%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 60-70%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-18% GDP; xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 45 trở lên.
Đến năm 2050, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 12-15%; tỷ lệ thuê ngoài đạt 70-90%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 10-12%; xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 30 trở lên.
Ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Đây là một văn bản quan trọng, bước đầu đánh dấu sự quan tâm đến phát triển ngành dịch vụ logistics của Việt Nam kể từ sau khi ban hành Luật Thương mại năm 2005.
Sau gần 7 năm triển khai Kế hoạch, ngành logistics nói chung và năng lực hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics của các doanh nghiệp nói riêng đã có những bước tiến đáng kể. Ngành dịch vụ logistics đóng góp tích cực vào các hoạt động kinh tế, trước hết là xuất nhập khẩu và sản xuất, lưu thông phân phối trong nước; hạ tầng logistics ngày càng được cải thiện; thị trường dịch vụ logistics ngày càng mở rộng, số lượng doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ cũng gia tăng và từng bước được nâng cao, tham gia tích cực vào việc hỗ trợ sản xuất, lưu thông trong nước và xuất nhập khẩu.
Tốc độ tăng trưởng thị trường logistics Việt Nam bình quân hàng năm từ 14% đến 16%, đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2022 lên trên 730 tỷ USD.
Việt Nam hiện có hơn 34.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), Chỉ số Năng lực quốc gia về logistics (LPI) của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 43/139 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia nghiên cứu, tăng 21 bậc so với năm 2016.
“Việc xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics cho giai đoạn 10 năm tới sẽ giúp ngành logistics có bước đi dài hạn, tầm nhìn lớn hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp”, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho hay.
Kéo giảm chi phí logistics
Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao, hội nhập sâu rộng với việc ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), ngoài ra, còn 3 FTA song phương và đa phương đang đàm phán. Cùng với đó, nước ta là một trong 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, đã tận dụng hiệu quả các FTA để thúc đẩy xuất khẩu. Xuất siêu năm 2023 đạt 28,3 tỷ USD.
Với lợi thế địa kinh tế, dịch vụ logistics Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu, nhưng so với nhiều nước khu vực và thế giới, giá dịch vụ logistics tại Việt Nam chưa cạnh tranh.
Theo ông Trần Duy Đông, điểm yếu của các doanh nghiệp logistics Việt Nam là chi phí dịch vụ còn cao, chất lượng cung cấp một số dịch vụ chưa đáp ứng được các thị trường khó tính. Do đó, Dự thảo đặt mục tiêu kéo giảm chi phí logistics xuống tương đương 16-18% GDP vào 2030, giảm còn 10-12% GDP vào năm 2050.
Trước đó, tại Hội nghị Logistics 2023 - con đường phía trước, bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch Công ty Western Pacific cho rằng, ngành logistics Việt Nam đang có con đường phát triển đầy kỳ vọng, nhưng để ngành này bước lên được “con đường màu xanh”, cần phải kéo giảm chi phí logistics trên tổng GDP của quốc gia.
Nhiều doanh nghiệp trăn trở là hiện chi phí vận tải trên tổng chi phí logistics của Việt Nam đang ở mức rất cao, lên tới hơn 60%, gấp đôi so với các nước khác. Trong khi chi phí vận tải chỉ chiếm 30 - 40% tổng chi phí logistics. Đây là con số rất lớn.
Góp ý cho Dự thảo, TS. Lê Quang Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, cần thêm các giải pháp về chuỗi cung ứng, tập trung vào Chiến lược cảng nước sâu và cảng trung chuyển quốc tế, phát triển khu thương mại tự do (FTZ) và kết nối vận tải chủ động bao gồm phát triển đội tàu container quốc tế của Việt Nam và đội tàu bay hàng hóa (air cargo).