Thanh khoản thị trường năm 2014 có sự cải thiện rõ nét với quy mô giao dịch bình quân mỗi phiên (bao gồm cả cổ phiếu và trái phiếu) đạt 5.500 nghìn tỷ đồng, tăng 104% so với năm trước. Làm nên những con số trên có sự đóng góp đáng kể của những doanh nghiệp dẫn đầu trên TTCK, trong đó tập trung ở nhóm VN30.
Tuy nhiên, trong con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài, quy mô và thanh khoản TTCK Việt Nam vẫn còn quá nhỏ bé, do đó thiếu lực hút các nhà đầu tư lớn. Tính toán của một số quỹ đầu tư lớn cho thấy, nếu chỉ xét các công ty thỏa mãn điều kiện về vốn hóa và thanh khoản để được vào rổ VN30 thì nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể mua được thêm tối đa là 3,1 tỷ USD, tương đương với khoảng 5% lượng vốn hóa của thị trường.
Bước sang năm 2015, để chứng khoán Việt Nam có sắc diện mới, rất nhiều việc cần phải làm, nhưng nền tảng cơ bản từ sức mạnh của mỗi doanh nghiệp thành viên chắc chắn không thể bỏ qua. Trong đó, những doanh nghiệp dẫn đầu được kỳ vọng sẽ cải thiện lợi nhuận, tiếp tục giữ vững vị thế và vươn ra biển lớn.
Doanh nghiệp đang có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện được những kế hoạch lớn đang ấp ủ. Trước hết, đó là việc Quốc hội vừa thông qua nhiều bộ luật quan trọng có tác động mạnh đến môi trường kinh doanh sẽ có hiệu lực vào năm 2015, như Luật DN sửa đổi, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản...
Đồng thời, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2014 mới đây, trước cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cam kết, năm 2015, Chính phủ tiếp tục đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô tốt hơn, tỷ giá, lãi suất sẽ được kiểm soát. Đặc biệt, lạm phát sẽ được điều chỉnh ở mức 5% để gia tăng sức cầu nội địa.
Một lộ trình tăng trưởng GDP của Việt Nam trong dài hạn cũng được công bố rõ ràng với 6,2% cho năm 2015 và 6,5-7%/năm cho 5 năm từ 2016-2020.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ tập trung sức chỉ đạo, quản lý để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Trong đó, tập trung phát triển mạnh các thị trường như vốn, bất động sản, lao động… tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh.
Ngay đầu năm 2015, Việt Nam sẽ ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác nước ngoài để chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng hơn với kinh tế quốc tế.
Cơ hội tăng trưởng là rất lớn song về phần mình, doanh nghiệp có nắm bắt và tận dụng tốt hay không lại rất cần sự chủ động.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú nói rằng, doanh nghiệp sẽ phải chuẩn bị kỹ càng hơn cho cuộc cạnh tranh rất khốc liệt khi cánh cửa thị trường được mở nhanh hơn, rộng hơn.
Đó không chỉ là năng lực về vốn mà còn là sự hiểu biết sâu hơn, tường tận hơn về pháp luật và các cam kết hội nhập cũng như sự thay đổi của các chính sách trong nước. Đó còn là những chiến lược để nâng cao sức cạnh tranh về chất lượng để vượt qua các rào cản kỹ thuật mà các nền kinh tế khác đặt ra để bảo vệ cho ngành sản xuất của nước họ…
Gần 10 năm trước, khi Việt Nam gia nhập WTO, thị trường chứng khoán đã đón một làn sóng đầu tư nước ngoài. Trên nhiều tờ báo quốc tế, những tựa bài “Buy Vietnam” đã thu hút sự chú ý rất lớn của cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài. Lần này, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội để bứt phá, TTCK Việt Nam sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp lớn nhưng thách thức phải đối mặt trong quá trình hội nhập không đơn giản.
Trải qua nhiều biến động, nhà đầu tư chưa kỳ vọng sẽ có một làn sóng đầu tư nước ngoài thứ hai vào TTCK Việt Nam. Song bước sang năm mới, khi nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục có nhiều tiến triển, môi trường kinh doanh được khơi thông, kết quả hoạt động của nhiều công ty niêm yết dự kiến khả quan hơn, trong đó nòng cốt là những doanh nghiệp dẫn đầu, có thể tạo động lực kéo các chỉ số chứng khoán tăng điểm và tạo ra sức hấp dẫn cho cả thị trường.