Các doanh nghiệp Việt đang nỗ lực đầu tư để khai thác cơ hội từ thị trường Mỹ. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất hàng xuất khẩu của May 10. Ảnh: Đ.Thanh
Ghi điểm với khách hàng Mỹ
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 bận rộn suốt 4 tháng qua với khách hàng đến từ Mỹ. Giá trị đơn hàng đã tăng thêm 2 con số so với cùng kỳ năm 2021.
Mỹ vốn là một trong những thị trường xuất khẩu chính của May 10, chiếm khoảng 40 - 45% tổng giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp này, cùng với châu Âu (30 - 35%), Nhật Bản (10 - 15%).
“Nhưng giai đoạn đại dịch 2020 - 2021, thị trường Mỹ có những thời điểm chiếm tới 65%”, ông Việt nói.
Không chỉ May 10 hay các doanh nghiệp dệt may ghi nhận “mùa vàng” từ thị trường Mỹ, hầu hết các doanh nghiệp trong nước đều đang rất nỗ lực dành nguồn lực đầu tư để khai thác cơ hội này.
Đây là những tín hiệu vô cùng tích cực cho thấy, chuỗi cung ứng đã phục hồi mạnh mẽ, nhưng quan trọng hơn, theo các doanh nghiệp, mức độ tín nhiệm của các nhà cung cấp Việt Nam đã tăng điểm trong mắt các nhà mua hàng Mỹ.
Một khảo sát năm 2021 của QIMA (nhà cung cấp giải pháp chuỗi cung ứng) thực hiện với hơn 700 doanh nghiệp có chuỗi cung ứng quốc tế đã cho thấy kết quả tích cực với các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo đó, 43% doanh nghiệp Mỹ được hỏi đều khẳng định, Việt Nam nằm trong số 3 điểm đến mà họ ưu tiên tìm kiếm nguồn cung trong đầu năm 2021, tăng gấp đôi so với năm 2019. Việt Nam là một trong những lựa chọn rất đáng kể của doanh nghiệp Mỹ khi muốn đa dạng hóa nguồn cung.
Ngân hàng Standard Chartered cũng dự báo, Việt Nam vẫn là một trung tâm sản xuất và mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, bất chấp những thách thức liên quan đến căng thẳng địa chính trị và dịch bệnh. Đây cũng là nền tảng quan trọng để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ trong thời gian tới.
“Mắt xích” Việt Nam...
Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Hà Nội, ông Adam Sitkoff thậm chí đã từng thốt lên: “Không nghi ngờ gì nữa, Việt Nam là địa chỉ cung ứng một lượng hàng hóa lớn cho thị trường Mỹ”, khi nhận thấy nhiều nhà bán lẻ và nhập khẩu Mỹ thu mua hàng hóa “Made in Vietnam”, từ áo quần, giày dép, túi xách, đến thủy - hải sản, đồ điện tử…
Ông Adam Sitkoff kể, trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát tại các trung tâm sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam, khu vực TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai..., CEO các nhãn hàng hàng đầu của Mỹ như Adidas, Coach, Gap, Nike, Hanesbrands, VF, Under Amour... đã kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden tăng tốc viện trợ vắc-xin phòng Covid-19 cho Việt Nam. Khi đó, các nhãn hàng, nhà mua hàng Mỹ đều nhắc tới vị thế của Việt Nam trong vai trò một đối tác kinh tế và một mắt xích khó thay thế trong chuỗi cung ứng.
Mới đây nhất, trong buổi tiếp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới thăm trụ sở của Tập đoàn Apple tại Mỹ hôm 17/5, CEO Tim Cook đã tiết lộ, Apple muốn mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam, hợp tác với các doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia vào chuỗi giá trị của Hãng.
Dù không có nhà máy sản xuất trực tiếp tại Việt Nam, nhưng Apple có 31 nhà máy của các đối tác sản xuất thiết bị gốc tại 14 tỉnh, thành phố với khoảng 160.000 lao động. Những nhà cung ứng này chuyên sản xuất các cấu phần điện tử (như bảng điện, camera, màn hình...) cho sản phẩm Apple và lắp ráp hoàn thiện sản phẩm.
“Apple sẽ xem xét việc tăng số lượng nhà cung ứng nội địa Việt Nam và tỷ lệ sử dụng dịch vụ, hàng hóa nội địa cao hơn trong các sản phẩm của Tập đoàn”, CEO Tim Cook xác nhận.
Đồng thời, lãnh đạo Tập đoàn Apple mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục có những chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ cao của Mỹ phát triển kinh doanh, đầu tư tại đây.
… Trên hành trình tìm điểm đến của doanh nghiệp Mỹ Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh châu Á - Thái Bình Dương 2022 do AmCham tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội chật kín quan khách.
Khoảng 80 quan chức chính phủ, CEO khu vực tư nhân và đại diện các doanh nghiệp trọng điểm của Mỹ đang kinh doanh tại Việt Nam đã tề tựu đông đủ, cùng thảo luận các vấn đề quan trọng mà các doanh nghiệp Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương đang quan tâm.
Hà Nội đã được chọn là địa điểm tổ chức hội nghị này của AmCham, chứ không phải một nơi khác. Hơn thế, sự kiện được tổ chức cùng thời điểm chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới châu Á bắt đầu và ngay sau chuyến đi Mỹ dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam.
Lý giải về sự lựa chọn này, ông Steven Okun, đại diện AmCham khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã nói, Hà Nội là địa điểm phù hợp nhất để các thành viên AmCham từ khắp châu Á hội tụ, cùng thảo luận và đề xuất những giải pháp hỗ trợ tốt nhất để tăng cường hoạt động kinh tế, thương mại của Mỹ trong khu vực.
Rất nhiều thành viên Amcham lần đầu tiên trở lại Việt Nam kể từ năm 2019, với nhiều kế hoạch khi Việt Nam có nhiều chính sách thu hút đầu tư nước ngoài thông thoáng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cùng với các nỗ lực mở cửa nền kinh tế, mở du lịch, hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Ông Adam Sitkoff cho biết, đây sẽ là lực hút để các nhà đầu tư Mỹ dừng chân tại Việt Nam trong hành trình tới châu Á.
Nhưng, mọi việc chưa phải đã thuận để kéo thêm nhiều nhà mua hàng và dòng vốn Mỹ tới Việt Nam, tiếp tục củng cố và đưa thương mại 2 chiều tăng trưởng.
Điểm khiến các doanh nghiệp lo ngại nhất lúc này vẫn là cước vận tải biển đã thiết lập mặt bằng giá mới rất cao sau đại dịch. Xung đột Nga - Ukraine đẩy giá nguyên nhiên liệu và chi phí sản xuất tăng cao…
Thêm nữa, dù đã được kiểm soát, nhưng đại dịch vẫn chưa chấm dứt, nên các hoạt động đầu tư, thương mại vẫn còn phải đối mặt với thách thức, như chi phí vận tải tăng cao, thiếu hụt container rỗng...
Từ phía doanh nghiệp Việt Nam, năng lực đáp ứng yêu cầu của bên mua hàng cũng còn là bài toán khó. Lãnh đạo Công ty cổ phần May Sông Hồng chia sẻ, vừa rồi, doanh nghiệp nhận được nhiều đề nghị tăng đơn hàng từ Columbia và Walmart (Mỹ), nhưng đành phải đề nghị chậm lại, do không đủ năng lực cung cấp. Năm ngoái, dù dịch bệnh, May Sông Hồng đã khởi công xây dựng nhà máy Sông Hồng 10 với vốn đầu tư hơn 600 tỷ đồng tại Thái Bình, quy mô trên 40 chuyền may xuất khẩu để tăng năng lực sản xuất. Dự kiến, nhà máy mới này sẽ đi vào hoạt động giữa năm 2022, giúp doanh nghiệp tăng kim ngạch xuất khẩu.
Dẫu vậy, giới phân tích cũng đang nhìn thấy những chuyển dịch tích cực cho doanh nghiệp Việt Nam khi các yếu tố trên đẩy nhanh các hoạt động tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu, xây dựng lại mạng lưới sản xuất, đa dạng hóa đối tác cung ứng.
Có thể nhắc đến kế hoạch của Walmart mà ông Paul Dyck, Phó chủ tịch phụ trách quan hệ chính phủ toàn cầu Tập đoàn Walmart vừa chia sẻ với Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trong khuôn khổ chuyến công tác tháp tùng Thủ tướng Chính phủ dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ. Ông Paul Dyck khẳng định, Walmart mong muốn Bộ Công thương hỗ trợ nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa từ Việt Nam được thông suốt.
“Chúng tôi đã đầu tư hệ thống phân phối, bán lẻ trực tiếp tại 24 quốc gia, đồng thời có các hoạt động trao đổi thương mại, thu mua hàng hóa với hơn 100 quốc gia khác. Trong đó, Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất vào hệ thống của Walmart”, ông Paul Dyck nói.
Ông Paul Dyck cho biết, trong thời gian tới, sẽ chỉ đạo Văn phòng đại diện Walmart tại Việt Nam tăng cường hợp tác với Bộ Công thương, gửi các đoàn công tác, các nhóm thu mua hàng hóa vào Việt Nam để gia tăng nhập khẩu hàng hóa có nguồn gốc Việt Nam của Tập đoàn.
“Mắt xích Việt Nam trong chuỗi cung ứng ngày càng quan trọng”, ông Paul Dyck nhấn mạnh tại cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên.
Là nền kinh tế có độ mở cao, với việc hội nhập sâu rộng thông qua hệ thống 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết và có hiệu lực, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới, Việt Nam có được trợ lực vô cùng lớn và quý báu để phát triển thương mại hàng hóa và đầu tư với nhiều thị trường lớn. Đây cũng là điều kiện quan trọng để Việt Nam có vị trí ngày càng quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng của thế giới.
Với thị trường Mỹ, sự hấp dẫn và vai trò quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng còn do các nhà nhập khẩu Mỹ có xu hướng chuyển dịch nhập khẩu hàng hóa từ các quốc gia cung ứng truyền thống sang các quốc gia mới nổi khác. Trong hành trình này, Việt Nam đã “ghi điểm” nhờ liên tục đón dòng vốn ngoại để đầu tư mở mới nhà xưởng và mở rộng sản xuất, từ đó có điều kiện đón nhận đơn hàng lớn từ khách mua hàng.
Quay trở lại với May 10, doanh nghiệp này xác nhận, năm 2022 và những năm tới, sẽ tăng đầu tư chiều sâu để củng cố vị thế của doanh nghiệp với các đối tác nhập khẩu lớn.