Tìm ổn định trong biến động
2022 là năm đầy khó khăn với thị trường tài chính toàn cầu. Giá hàng hóa tăng phi mã, các ngân hàng trung ương đồng loạt tăng lãi suất để “ghìm cương” lạm phát và xung đột địa chính trị tại một số khu vực đã tác động mạnh đến thị trường cổ phiếu, trái phiếu cũng như tiền tệ.
Sang năm 2023, theo ông Jacob Wissum, Giám đốc Ngoại giao cấp cao Exness, các biến số cũ với thị trường tài chính toàn cầu vẫn còn trong nửa đầu năm.
Cụ thể, CPI tháng 12/2022 của Mỹ - nền kinh tế số 1 toàn cầu - đạt 6,5%, dù giảm mạnh so với mức 9,1% trong tháng 6/2022, nhưng mới có thể xác nhận việc lạm phát đã đạt đỉnh, chứ chưa thể kết luận liệu lạm phát có nhanh chóng quay về mức 2% như mục tiêu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hay không và đây vẫn là bài toán cần phải giải đối với cơ quan này. Thị trường đang có những dự báo trái chiều về tăng trưởng của nền kinh tế thế giới trong năm 2023, khiến cho bức tranh toàn cảnh càng khó đoán định.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng giám đốc AFA Capital cho rằng, nhiều khả năng kinh tế vĩ mô toàn cầu năm 2023 diễn ra theo kịch bản cơ sở: Lạm phát vừa phải, suy thoái nhẹ, với giả định căng thẳng địa chính trị gia tăng, nhưng không leo thang; thị trường lao động suy yếu nhẹ và áp lực chuỗi cung ứng tiếp tục giảm; chính sách tiền tệ tác động chậm trễ; kinh tế Mỹ tăng trưởng nhưng chậm lại; ở châu Âu, kinh tế sẽ cải thiện vào giữa năm 2023 khi cuộc khủng hoảng năng lượng bắt đầu giảm bớt sau mùa đông; Trung Quốc bỏ chính sách Zero-Covid.
Với góc nhìn thận trọng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, bức tranh kinh tế 2023 của Việt Nam chưa có nhiều tín hiệu tích cực, nhất là khi lạm phát trong nước có thể ở mức cao. Việc ngân hàng trung ương các nước tiếp tục tăng lãi suất có thể khiến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nâng lãi suất trong thời gian tới.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Gia Khánh, chuyên viên tư vấn cao cấp của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI nhận định: “Năm 2023, Việt Nam vẫn phải đối mặt với tất cả các vấn đề tuy cũ mà mới kể trên và đây sẽ là thời điểm kiểm chứng sức khoẻ của nền kinh tế Việt Nam. Các báo cáo tài chính quý IV/2022 vừa được công bố cũng cho thấy kết quả kinh doanh không lấy làm tích cực của phần nhiều doanh nghiệp ở mọi quy mô”.
Tuy nhiên, theo chuyên gia, thị trường sẽ cần ít nhất đến giữa năm nay để có thể kết luận liệu quý IV/2022 đã phải đáy của lợi nhuận hay chưa. Chỉ số PMI của tháng 1/2023 là 47,4 điểm, tăng 1 điểm so với tháng trước đó nhưng vẫn cho thấy sức khỏe ngành sản xuất của Việt Nam suy giảm mạnh.
Theo ông Khánh, trong thời gian tới, nhà đầu tư trong nước có thể lưu ý một số tín hiệu có thể tác động đến thị trường, đó là tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, chính sách lãi suất của Ngân hàng Nhà nước và khả năng sửa đổi của Nghị định 65 để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp muốn huy động vốn bằng trái phiếu.
Nhận diện cơ hội đầu tư
Năm 2023, nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam dự kiến vẫn đối diện nhiều thách thức như rủi ro lạm phát tăng, lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn vào năm 2023 đạt mức cao nhất trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có rủi ro suy thoái và nhu cầu tiêu dùng trong nước bị ảnh hưởng tiêu cực từ lạm phát. Một số chuyên gia phân tích cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện vẫn chưa phản ánh hết các thách thức và rủi ro kể trên.
Nhìn từ một góc độ khác, với việc thị trường chứng khoán và trái phiếu nhiều biến động khó lường, giới đầu tư đã phải tìm cách thích nghi và phát triển, tự chuyển đổi linh hoạt việc phân bổ dòng vốn đầu tư. Điều này tạo cơ hội phát triển cho nhiều kênh đầu tư khác.
Bất chấp những biến động gần đây trên thị trường, vàng vẫn là một khoản đầu tư ổn định và một số chuyên gia tin rằng quý I/2023 là thời điểm tốt để giao dịch hoặc đầu tư vào vàng. Họ tin rằng vàng sẽ tiếp tục là tài sản trú ẩn an toàn trong suốt cả năm và giữ giá trị của nó.
“Lãi suất toàn cầu dự kiến sẽ tăng vào năm 2023, khi nền kinh tế tiếp tục phục hồi sau đại dịch và quan trọng hơn là chuẩn bị cho một cuộc suy thoái có thể xảy ra. Lãi suất cao hơn là cơ chế phòng thủ của kho bạc khi suy thoái kinh tế xuất hiện, điều này thường dẫn đến giá vàng cao hơn”, ông Tống Quốc Đạt, Trưởng phòng Phân tích thị trường cấp cao, Công ty Exness chia sẻ.
Là một trong những kênh đầu tư phổ biến trên thế giới, giao dịch hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa cũng đang từng bước đón nhận sự quan tâm đông đảo của các nhà đầu tư Việt Nam, bên cạnh các kênh đầu tư truyền thống như chứng khoán, bất động sản, vàng…
Tại thị trường giao dịch hàng hoá phái sinh, ông Lê Minh Phương, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại AIMS Futures Việt Nam, thành viên kinh doanh của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, mức độ tham gia của các nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam vào thị trường phái sinh hàng hóa đang tăng mạnh trong những năm gần đây.
Năm 2022, có hơn 4.000 tài khoản mở mới, đưa tổng số lượng tài khoản đang hoạt động trên thị trường lên con số 22.000 và khối lượng giao dịch tăng 36% so với năm 2021. Theo đó, giá trị giao dịch trung bình đạt gần 5.000 tỷ đồng/ngày, có những ngày kỷ lục hơn 10.000 tỷ đồng.
Thị trường phái sinh hàng hóa được quan tâm nhờ việc giao dịch sản phẩm dầu thô WTI trên Sở Giao dịch hàng hóa New York (NYMEX), do sản phẩm này ảnh hưởng lớn đến giá xăng - dầu, giá vận tải trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, việc đưa các hợp đồng micro (hợp đồng có giá trị nhỏ) vào giao dịch theo xu hướng thế giới được đón nhận nhiều, vì chỉ với hơn 10 triệu đồng, nhà đầu tư đã có thể giao dịch được một hợp đồng hàng hóa micro. Với giá trị đầu tư này, hợp đồng giao dịch phái sinh hàng hóa dễ tiếp cận hơn với các nhà đầu tư có quy mô vốn khác nhau.
Ông Phương cho biết, so với các kênh đầu tư khác, thị trường phái sinh hàng hóa có một số ưu điểm cho các nhà đầu tư:
Thứ nhất, khả năng giao dịch hai chiều (cả chiều mua và bán khống) giúp các nhà đầu tư dễ dàng nắm bắt xu hướng dù là tăng hay giảm;
Thứ hai là thời gian giao dịch T+0, hàng về ngay khi vào lệnh giúp các nhà đầu tư quản lý rủi ro và lợi nhuận tốt hơn:
Thứ ba là thanh khoản lớn vì thị trường hàng hóa phái sinh liên thông với thế giới giúp các nhà đầu tư ra/vào thị trường rất thuận lợi, không bị kẹt hàng, giúp khả năng quản lý rủi ro tốt hơn rất nhiều;
Cuối cùng là yêu cầu ký quỹ thấp, từ 7 - 15% giá trị hàng thực, giúp các nhà đầu tư có thể phân bổ, tận dụng vốn tốt hơn nhiều, lợi nhuận tiềm năng so với vốn đầu tư tương đối lớn
Một thị trường đầu tư đáng chú ý khác là tài sản số. Mặc dù quy định về tiền mã hóa ở Việt Nam có thể vẫn chưa rõ ràng trong ngắn hạn, nhưng việc Việt Nam được xếp hạng nhất trong chỉ số chấp nhận tiền mã hóa của Chainalysis trong hai năm liên tiếp cho thấy người Việt Nam rất sẵn lòng tham gia vào thị trường này.
Dòng tiền liên tục chảy trong nền kinh tế, điểm nghẽn dòng tiền ở khu vực này sẽ là động lực để dòng tiền chảy vào khu vực khác. Cơ hội đầu tư luôn tồn tại trong những giai đoạn nền kinh tế chung rất khó khăn, vấn đề là nhà đầu tư phải nhận diện đúng hướng đi của dòng tiền.