Định vị BIDV
Nếu nhìn vào lịch sử, BIDV là ngân hàng lâu đời nhất tại Việt Nam, thành lập ngày 26/4/1957 với tên gọi Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam. Trong suốt quá trình hoạt động của mình, từ giai đoạn đất nước chia cắt tới giai đoạn hoạt động theo nguyên tắc thị trường (1990 đến nay), BIDV luôn là 1 trong 4 ngân hàng quan trọng nhất của hệ thống ngân hàng Việt Nam bên cạnh Agibank, Vietcombank và Vietinbank. Thị phần tín dụng cũng như huy động vốn luôn xấp xỉ 12% tổng thị phần ngành ngân hàng.
Trong giai đoạn mở cửa kinh tế hơn 20 năm qua, ngành ngân hàng đã có thêm sự hiện diện của khoảng 40 ngân hàng cổ phần, hơn 50 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và ngân hàng liên doanh, nhưng BIDV vẫn giữ ổn định vị trí trong nhóm dẫn dầu.
Nói ngắn gọn điều đó để có thể thấy vị trí của BIDV như thế nào trong quá trình phát triển kinh tế đất nước cũng như sức mạnh và khả năng phát triển của một định chế tài chính hàng đầu.
Sức mạnh của BIDV là sức mạnh tổng hợp với những mũi nhọn mang dáng dấp của một tập đoàn tài chính ngân hàng tầm cỡ khu vực, bao gồm: Sự lâu đời về thương hiệu, mạng lưới hơn 1.500 ngân hàng đại lý phủ khắp toàn cầu, mạng lưới chi nhánh và đại diện thương mại tại toàn bộ các tỉnh thành trên cả nước và mở rộng sang Lào, Campuchia, Myanmar, Séc… Các công ty thành viên trong lĩnh vực bảo hiểm, quản lý quỹ, chứng khoán, ngân hàng liên doanh đều nằm ở vị trí cao trong top 10 tại thị trường Việt Nam, Lào, Campuchia.
Đặc biệt phải kể đến sự minh bạch và tài chính lành mạnh. Từ rất sớm, năm 1996, BIDV đã liên tục thực hiện kiểm toán quốc tế độc lập và công bố kết quả báo cáo. Bắt đầu từ năm 2006, BIDV là ngân hàng đầu tiên thuê Tổ chức định hạng hàng đầu thế giới Moody’s thực hiện định hạng tín nhiệm cho BIDV và đạt mức trần quốc gia. Cũng trong năm 2006, với sự tư vấn của Công ty Kiểm toán EY, BIDV trở thành Ngân hàng thương mại tiên phong triển khai thực hiện xếp hạng tín dụng nội bộ theo điều 7 Quyết định 493, phù hợp với chuẩn mực quốc tế và được Ngân hàng Nhà nước công nhận.
Ngoài ra, hệ thống công nghệ thông tin, công nghệ quản trị ngân hàng, mô hình quản lý, kiểm soát rủi ro… cũng được nâng cấp đạt các chuẩn quốc tế. Điều này cho phép ngân hàng luôn duy trì được khả năng cung cấp sản phẩm đa dạng, kiểm soát rủi ro rất tốt trong bất kỳ hoàn cảnh kinh tế nào.
Nền tảng tạo sức mạnh, trong 3 năm qua, thị trường tiền tệ trong nước có nhiều biến động, nhiều ngân hàng gặp khó khăn phải sáp nhập hợp nhất, nhưng BIDV vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng nhiều chỉ tiêu trọng yếu đạt mức trên 20%.
Theo công bố mới nhất về kết quả kinh doanh 2013, lợi nhuận trước thuế của BIDV đạt 5.233 tỷ đồng, tăng gần 21% so với năm 2012 và đạt 110,8% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao. Đến 31/12/2013, tổng tài sản BIDV đạt 550.000 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2012. Nguồn vốn huy động đạt 472.000 tỷ đồng, trong đó huy động vốn trên thị trường 1 đạt 417.000 tỷ đồng tăng 16% so với năm 2012. Dư nợ tín dụng cho nền kinh tế là 391.000 tỷ đồng, tăng 16,7% so với năm 2012. Đặc biệt nợ xấu được kiểm soát rất tốt, chỉ ở mức 2,3%.
Cơ hội đầu tư cổ phiếu BID
Các nhà đầu tư đang đặt sự quan tâm rất lớn với mức giá chào sàn 18.700 đồng/CP, sự quan tâm nằm ở câu hỏi: Đây là mức giá cao hay thấp?
Theo ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc BIDV, mức giá trên được tính toán căn cứ vào tình hình thị trường tại thời điểm niêm yết, trên cơ sở so sánh với các ngân hàng tương đồng đang được niêm yết và khả năng sinh lời trong tương lai của BIDV. Về mặt kỹ thuật, giá chào sàn cổ phiếu BID được tính toán theo 03 phương pháp định giá được sử dụng rộng rãi hiện nay là: So sánh với các ngân hàng tương đồng theo số nhân sổ sách P/BV và số nhân thu nhập P/E và phương pháp chiết khấu dòng cổ tức.
“Chúng tôi tin rằng cổ phiếu BID là một hàng hóa tốt, hấp dẫn trên thị trường”, ông Trần Phương nói.
Trên thực tế, nếu so sánh tương quan với giá cổ phiếu của một loạt ngân hàng đã niêm yết như ACB, Sacombank, Eximbank, Vietcombank, Vietinbank… thì mức giá phổ biến từ trên 13.000 – 30.000 đồng/CP, thì giá BID nằm ở khoảng trung bình thấp. Tất nhiên, để so sánh các ngân hàng thì có rất nhiều yếu tố có thể tác động tới việc định giá của nhà đầu tư. Mức giá nhà đầu tư ngắn hạn, nhà đầu tư giá trị chấp nhận phụ thuộc vào nhiều lý do khác nhau, kể cả những yếu tố có tính “cảm tính” như mức độ “sạch” trong hoạt động của ngân hàng. Nhưng nếu so sánh một cách tương quan về các chỉ tiêu trọng yếu như tổng tài sản, ROE, ROA, chênh lệch thu chi, chất lượng tài sản, mức độ chiếm lĩnh thị trường… thì BIDV đứng ở nhóm dẫn đầu cùng với Vietcombank.
Cổ phiếu ngân hàng trong những thời điểm nền kinh tế thăng hoa, từng được coi là “cổ phiếu vua”. Lý do là hệ thống ngân hàng Việt Nam đang giữ vai trò huyết mạch của nền kinh tế, với hơn 3 triệu tỷ đồng vốn đầu tư cho nền kinh tế mỗi năm. Sức khỏe nền kinh tế được phản ánh ngay vào biến động của cổ phiếu ngân hàng.
Trong hơn 1 tuần qua, khối nhà đầu tư ngoại và nhà đầu tư nội đã tăng cường giải ngân vào cổ phiếu ngân hàng trên cơ sở niềm tin vào nền kinh tế đang khả quan. Điều này có ý nghĩa dài hạn, đảm bảo sự tăng trưởng về giá của cổ phiếu ngân hàng trong năm 2014. BID lên sàn vào thời điểm này với mức giá hợp lý sẽ được “hưởng lợi” từ xu hướng đầu tư này.
Ẩn số nhà đầu tư chiến lược
Có một lợi thế cho cổ đông BIDV đang có đó là BIDV đang trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược.
Theo ông Trần Phương, sự quan tâm tới BIDV của các nhà đầu tư nước ngoài khá lớn, đến từ các định chế tài chính quốc tế hàng đầu có trụ sở tại châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Việc lựa chọn thành công nhà đầu tư nước ngoài, theo kinh nghiệm của các ngân hàng đã niêm yết mang lại giá trị rất lớn cho cổ đông hiện hữu nhờ giá trị gia tăng do nhà đầu tư chiến lược mang lại cho ngân hàng.
Chẳng hạn như Vietinbank sau khi phát hành thêm 168,68 triệu cổ phần cho đối tác IFC (giá 21.000 đồng/CP) đã mang về khoản thặng dư tới 1.854 tỷ đồng. Tương tự là Vietcombank, khi bán 15% vốn cho Mizuho (Nhật Bản) đã mang về số tiền 11,8 nghìn tỷ đồng, tương đương với số vốn điều lệ của một vài ngân hàng cổ phần lớn nhất hiện nay.
Việc đàm phán với đối tác ngoại đang được BIDV thực hiện một cách rốt ráo, với mức tổng số cổ phần dự kiến dành cho 2 đối tác ngoại từ 25-30%. Thậm chí với đối là cổ đông chiến lược nếu muốn nắm giữ một tỷ lệ cao hơn 20%, BIDV sẽ trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét.
Với mức độ quan tâm của các định chế tài chính nước ngoài rất lớn và sự sẵn sàng của BIDV thì kế hoạch này có thể sớm trở thành hiện thực. Và khi đó, rất có thể một kỷ lục về thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài lại được thiết lập tại Việt Nam.