Việc hình thành Cộng đồng ASEAN đưa hợp tác và đoàn kết ASEAN lên một tầm cao mới

Việc hình thành Cộng đồng ASEAN đưa hợp tác và đoàn kết ASEAN lên một tầm cao mới

Cơ hội đang rộng mở

Nhân dịp năm mới Ất Mùi, Báo Đầu tư trân trọng giới thiệu bài viết của ông Lê Hoài Trung - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao về Cộng đồng Kinh tế ASEAN và những cơ hội đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Ngay từ khi Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập năm 1967, các quốc gia thành viên đã đề cao việc hợp tác và liên kết kinh tế nội khối. Bản Tuyên bố Bangkok thành lập ASEAN nêu mục tiêu hàng đầu của Hiệp hội là “thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và phát triển văn hóa bằng nỗ lực chung trên tinh thần bình đẳng và đối tác…”.

Kể từ đó, Đông Nam Á được cả thế giới xem là một trong những điểm sáng về tăng trưởng kinh tế, những “con rồng” hay “con hổ” kinh tế là những nước như Singapore, Malaysia, Thái Lan trong những năm 1970 - 1990 và thành công của công cuộc Đổi mới ở Việt Nam. Theo Kế hoạch tổng thể xây dựng cộng đồng của Hiệp hội, Cộng đồng ASEAN với 10 quốc gia thành viên chính thức hình thành vào ngày 31/12/2015, gồm ba trụ cột là Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội. Các mục tiêu chính của Cộng đồng  Kinh tế ASEAN (AEC) là đưa ASEAN trở thành: (1) một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất, (2) một khu vực kinh tế cạnh tranh, (3) một khu vực phát triển đồng đều, và (4) một khu vực hội nhập với kinh tế toàn cầu.

Việc hình thành Cộng đồng ASEAN đưa hợp tác và đoàn kết ASEAN lên một tầm cao mới, thể hiện ý chí, nguyện vọng của các quốc gia thành viên tăng cường sức mạnh của Cộng đồng như một nhân tố đóng góp hàng đầu vào việc gìn giữ hoà bình, an ninh và ổn định là những điều kiện tiên quyết cho hợp tác kinh tế và phát triển trong khu vực. 

Sự ra đời của AEC sẽ mở ra những cơ hội lớn cho doanh nghiệp của các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam. Trước hết, AEC là một thị trường chung rộng lớn với dân số trên 600 triệu người, tổng GDP hàng năm đạt gần 3.000 tỷ USD và tại đây, hàng rào thuế quan hầu như được hoàn toàn loại bỏ, các hàng rào phi thuế quan ngày càng hạn chế.

Cơ hội đang rộng mở ảnh 1

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung
 

Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp giảm chi phí nhập khẩu, hạ giá thành sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Hiện nay, ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu - EU). Tính đến tháng 9/2014, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với ASEAN đạt 30,63 tỷ USD (tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước). Các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu hàng hoá sang ASEAN đạt 13,64 tỷ USD, chiếm 12,4% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

AEC cũng là khu vực giao thoa của nhiều thoả thuận thương mại song phương và đa phương. Do vậy, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận các thị trường lớn, phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand hay Ấn Độ, thông qua các hiệp định thương mại đã có giữa ASEAN và các nước trên. ASEAN đang đàm phán với các đối tác Đông Á để xây dựng Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), dự kiến Hiệp định sẽ hoàn tất đàm phán vào cuối năm 2015. Theo số liệu thống kê gần nhất, các nước tham gia Hiệp định có tổng GDP hàng năm 21,3 nghìn tỷ USD, tương đương 30% tổng GDP thế giới, có dân số 3,4 tỷ người, tương đương 47% tổng dân số thế giới, giá trị thương mại hàng năm lên tới 10,7 nghìn tỷ USD, tương đương 29% tổng thương mại thế giới.

Bên cạnh đó, những nỗ lực của ASEAN về tự do hóa đầu tư thông qua Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) sẽ làm tăng tính hấp dẫn của thị trường ASEAN với các nhà đầu tư trong nội khối cũng như từ các nước đối tác. Đây là cơ hội để tăng cường thu hút các luồng đầu tư có chất lượng, phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam.

Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp có năng lực đẩy mạnh đầu tư ra các nước ASEAN. Hiện đầu tư của ASEAN vào Việt Nam là 53 tỷ USD, tổng số dự án là 2.507 dự án, chiếm 14% tổng số dự án và 20% tổng vốn đầu tư cả nước. Đầu tư ASEAN vào Việt Nam tăng đều qua các năm. Ở chiều ngược lại, ASEAN chính là địa bàn đầu tư lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Lào (249 dự án, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm trên 4,7 tỷ USD), tiếp đến là Campuchia, Singapore và Myammar.

AEC cũng tạo cơ hội để các doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh. AEC thúc đẩy sự lưu thông tự do của hàng hoá, dịch vụ, nguồn vốn và lao động có tay nghề; tạo sự gắn kết chặt chẽ và hài hoà giữa các nhà sản xuất, giảm tối đa những cản trở cho các hoạt động sản xuất và giao dịch. Doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm được nguồn cung đầu vào với giá thành hợp lý, có thể tiếp cận các nguồn vốn đầu tư dồi dào và nhân công có năng suất lao động cao, chi phí phù hợp. Đây là những điều kiện thuận lợi để hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

AEC còn là cơ hội để Việt Nam tiếp tục thay đổi cơ cấu xuất khẩu theo hướng tăng giá trị gia tăng, đưa Việt Nam lên vị trí cao hơn trong chuỗi cung ứng giá trị khu vực và toàn cầu. Theo thống kê, cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam trong ASEAN đang có sự dịch chuyển tích cực, cả về chất lượng và giá trị xuất khẩu. Ngoài những mặt hàng truyền thống là nguyên, nhiên liệu, mặt hàng sơ chế như dầu thô, gạo, cà phê và cao su, Việt Nam đã xuất khẩu được những mặt hàng có hàm lượng chế tác cao như các mặt hàng công nghiệp, máy tính, nông sản, thuỷ sản đã qua chế biến, hoá mỹ phẩm. AEC tạo thêm điều kiện để Việt Nam củng cố chiều hướng này.

Bên cạnh cơ hội, AEC cũng đặt ra những thách thức đối với doanh nghiệp, nhất là sức ép cạnh tranh từ hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu và về thu hút đầu tư. Với một thị trường chung mở, những lợi thế về “sân nhà”, lao động giá rẻ hay bảo hộ chính phủ sẽ giảm nhiều. 

Sức cạnh tranh của doanh nghiệp càng phụ thuộc nhiều hơn vào chiến lược kinh doanh, năng lực quản trị, khả năng tự đổi mới và đưa ra các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng tốt nhất yêu cầu của thị trường, được tiếp thị tốt. Thành công của doanh nghiệp cũng phụ thuộc vào sức cạnh tranh quốc gia, tức là sự ổn định chính trị và xã hội, nền kinh tế vĩ mô lành mạnh, quản trị công trong sạch và hiệu quả, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong quá trình đổi mới toàn diện và mở cửa với bên ngoài những thập kỷ qua, Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam phải đi lên từ xuất phát điểm thấp, vượt qua không ít khó khăn và thử thách nội tại cũng như trong hội nhập khu vực và quốc tế. Những thành tựu của quá trình đổi mới, các cải cách kinh tế đang được Chính phủ thúc đẩy, kinh nghiệm và bản lĩnh đã được thể hiện của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ là những cơ sở quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục vươn lên trong môi trường mới của Cộng đồng Kinh tế ASEAN.