Cơ hội đặc biệt đang ở các nền kinh tế mới nổi

Cơ hội đặc biệt đang ở các nền kinh tế mới nổi

(ĐTCK) Chủ tịch PricewaterhouseCoopers (PwC) toàn cầu ông Dennis Nally cho rằng, năm 2013, thế giới sẽ tiếp tục chứng kiến 2 xu hướng về tăng trưởng, trong đó, các cơ hội đầu tư đặc biệt nằm ở các nền kinh tế mới nổi, do sự thay đổi về thể chế và/hoặc các gói kích cầu từ Chính phủ.

Những khó khăn của nền kinh tế toàn cầu đã không kết thúc trong năm 2012 như nhiều người mong đợi, mà có vẻ ngày càng diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới. Xin ông chia sẻ nhận định của mình về dự báo kinh tế toàn cầu năm 2013?

Theo dự báo, nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ tăng trưởng khoảng 2% vào năm 2013. Trong trường hợp tốt nhất, khu vực đồng Euro sẽ giữ được mức tăng trưởng không âm. Trong khi đó, Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ 7%, Ấn Độ khoảng 6%, Brazil và Nga 4%. Mức chênh lệch về tốc độ tăng trưởng sẽ tiếp tục được duy trì trong những năm còn lại của thập kỷ này và nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục có hai xu hướng về tăng trưởng.

 

Ở châu Á, khu vực có vẻ bình yên hơn, PwC đánh giá triển vọng phát triển của TTCK năm 2013 như thế nào? Những quốc gia/những ngành nào sẽ có sự tăng trưởng khả quan trong năm 2013, theo ông?

Trung Quốc dự đoán sẽ đạt được mức tăng trưởng trung bình vào khoảng 7% cho những năm còn lại của thập kỷ này -xung quanh mục tiêu tăng trưởng đặt ra của Chính phủ và thấp hơn so với thập kỷ trước. Chúng tôi dự đoán các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ định hướng lại sự tăng trưởng hướng đến khuyến khích tiêu dùng, phù hợp với kế hoạch 5 năm mới đề ra. Đây có thể là cơ hội tuyệt vời cho các công ty đa quốc gia hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng.

Tại Ấn Độ, việc sụt giảm về tốc độ tăng trưởng trong thời gian gần đây đã thúc đẩy các cải cách mới và điều này sẽ đem lại nhiều cơ hội kinh doanh cho các lĩnh vực có quy mô thị trường nội địa lớn như bảo hiểm, quỹ hưu trí và bán lẻ. Các cải cách này vừa có thể đảo ngược được sự trượt dốc tăng trưởng gần đây, vừa đem lại nhiều cơ hội cho các công ty phương Tây.

Tại Brazil, tăng trưởng chùng lại vào năm 2012, nhưng lãi suất đã được hạ thấp đáng kể và đà tăng trưởng mới đã xuất hiện ở nền kinh tế này khi World Cup 2014 và Thế vận hội 2016 đang đến gần và có sự gia tăng đầu tư của Chính phủ.

Chúng tôi thấy nhiều cơ hội đặc biệt trong khu vực cơ sở hạ tầng của các nền kinh tế mới nổi này, dưới sự thúc đẩy của các thay đổi về thể chế và/hoặc các gói kích cầu do Chính phủ ban hành. Các DN nhiều tiền mặt như các quỹ đầu tư hưu trí và quỹ đầu tư quốc gia có thể đầu tư vào các dự án, trong khi các công ty phương Tây có thể tận dụng được các cơ hội tăng trưởng vượt bậc tại các thị trường này.

Ở Việt Nam , khó khăn kinh tế kéo dài khiến nhiều DN không chỉ khủng hoảng tài chính, mà còn khủng hoảng nhân sự lãnh đạo. Quan điểm của ông về vai trò của người đứng đầu đối với sự phát triển bền vững là gì? Việt Nam phải làm thế nào để xây dựng được đội ngũ lãnh đạo DN chất lượng cao, thưa ông?

Vai trò của một nhà lãnh đạo trong bất kỳ DN nào là đề ra chiến lược và tầm nhìn rõ ràng cho tương lai của DN và không ngừng tuyên truyền một cách tích cực về chiến lược và tầm nhìn đó. Chỉ khi toàn thể cán bộ nhân viên hiểu rõ và thực hiện theo chiến lược đó thì DN mới phát triển thành công. Tại PwC, chúng tôi đầu tư rất nhiều vào phát triển kỹ năng cho nhân viên và khơi dậy tiềm năng lãnh đạo của mỗi người. Có hai yếu tố mà chúng tôi tin là chìa khóa để đào tạo các nhà lãnh đạo tương lai là có người hướng dẫn (cố vấn) hoặc nhiều cố vấn phù hợp, mà từ người đó bạn có thể học hỏi và trao đổi kinh nghiệm. Yếu tố thứ hai là được luân chuyển làm việc trong nhiều lĩnh vực và tại nhiều quốc gia khác nhau. Chúng tôi đầu tư rất nhiều thời gian và nguồn lực tài chính cho việc trao đổi nhân viên khắp thế giới để đối mặt với các thách thức mới và học cách hoạt động trong các môi trường khác nhau.

 

Tại nhiều DN có quy mô rất lớn ở Việt Nam có tình trạng Chủ tịch HĐQT kiêm vai trò Tổng giám đốc, có thể vì thiếu nhân tài, có thể vì tình trạng lạm quyền vẫn còn phổ biến. Ông có lời khuyên gì cho các DN Việt Nam và theo ông, để hướng đến sự phát triển bền vững, DN nên xây dựng cách quản trị theo những tiêu chí chính nào?

Theo sau cuộc khủng hoảng tài chính, các báo cáo quản trị là phương tiện thật sự để xây dựng lòng tin của các nhà đầu tư và các bên liên quan khác và từ đó xây dựng giá trị của DN. Đây không chỉ là lòng tin vào các báo cáo tài chính. Đây còn là lòng tin vào DN nói chung. Đồng thời, đây cũng là sự thể hiện cách thức quản trị mô hình kinh doanh, chiến lược và mục tiêu, rủi ro, hiệu quả hoạt động và lợi ích của DN.