Thống kê từ bộ phận nghiên cứu của CTCK Bảo Việt (BVSC) cho thấy, trong nhiều tuần nay, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng đã liên tục giảm, nhưng đà giảm vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Gần đây, có giai đoạn mặt bằng lãi suất đã chạm mức dưới 0,8%/năm ở các kỳ hạn, mức thấp nhất trong lịch sử, trong khi đó hồi đầu năm, tỷ lệ này vẫn còn dao động quanh mốc 5%/năm.
Ngân hàng dư thanh khoản, nhiều ngân hàng chọn cách đẩy mạnh tiền vào trái phiếu chính phủ kể từ đầu năm đến nay. Thực tế đã có 280.000 tỷ đồng vốn được huy động qua thị trường sơ cấp trái phiếu chính phủ, đạt 91% kế hoạch huy động vốn của năm, trong khi trên thị trường thứ cấp, giá trị chuyển nhượng bình quân đạt trên 5.600 tỷ đồng/phiên.
Một số ngân hàng thương mại chia sẻ, từ nay tới cuối năm, cuộc đua hút vốn vẫn sẽ tiếp tục diễn ra trên thị trường tiền tệ, chủ yếu thông qua công cụ lãi suất huy động. Tín dụng theo chu kỳ sẽ tăng mạnh vào cuối năm, nhưng việc giải ngân cho các doanh nghiệp năm nay sẽ có nhiều khó khăn, do nhiều DN có lượng tồn kho nhiều, nợ xấu lớn, chạm ngưỡng được quyền vay thêm.
Nếu Chính phủ không tăng chỉ tiêu huy động trái phiếu năm nay, dòng tiền dư thanh khoản từ ngân hàng có thể sẽ chảy một phần sang kênh cho vay chứng khoán. Theo một tính toán của BVSC, chênh lệch giữa cung tiền và cầu tiền trong nền kinh tế ước tính khoảng 95.000 tỷ đồng. Giả định 10% số này chảy vào TTCK, số tiền mới có cơ hội gia nhập kênh chứng khoán là 9.500 tỷ đồng. Trên dự báo này, các chuyên gia cho rằng, việc rút ròng 3.000 tỷ đồng của khối ngoại kể từ đầu năm là không đáng ngại, dòng tiền mới vẫn dồi dào, vấn đề là hàng hóa trên thị trường có đủ sức hấp dẫn hay không.
Quan sát từ thị trường cho thấy, trong quý III/2016, lượng tiền margin được cung ứng bởi các CTCK lớn như SSI, HSC, VNDirect tăng khá mạnh, từ 1,5 - 2 lần so với hồi cuối tháng 6/2016. Dòng tiền margin dồi dào đã giúp thanh khoản chứng khoán không những không giảm, thậm chí lại tăng dù khối ngoại đang bán và rút ròng.
Thanh khoản trên thị trường tiền tệ lỏng hơn, khiến thanh khoản trên TTCK được hưởng lợi gián tiếp. Tuy nhiên, ảnh hưởng của thị trường tiền tệ chỉ có thể đem đến sự khởi sắc trong một giai đoạn, bởi thực tế, sức hấp dẫn tự thân của kênh đầu tư chứng khoán phụ thuộc vào kết quả kinh doanh và khả năng tăng trưởng của các DN niêm yết trên sàn. Điều đáng mừng là trong quý II, hiệu quả chung của các DN niêm yết có bước cải thiện so với quý I khi số DN lỗ ít hơn (69 DN lỗ so với quý I có đến 90 DN lỗ) và số lợi nhuận tuyệt đối cao hơn.
Nhà đầu tư đang chờ đợi các DN công bố sớm kết quả quý III, đặc biệt là những DN đầu đàn như VNM, VCB, CTG, HPG, BID, VIC, MBB, MSN, HSG… Nếu các DN này vững bước tăng trưởng, dòng vốn chuyên nghiệp sẽ ở lại chứng khoán, dù ngoài kia, FED có tính việc tăng lãi suất hay hậu Brexit đang khiến nhiều DN rời khỏi nước Anh…