Trên 50 khách mời là lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, các chuyên gia và quan trọng hơn hết là các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực từ hàng không đến du lịch, lữ hành, khách sạn đã có mặt trong buổi Hội thảo "Giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa và phục hồi du lịch quốc tế hậu Covid-19" .
Từ ngành mũi nhọn ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục 2 con số trong năm 2019, du lịch trở thành ngành chịu ảnh hưởng sớm, toàn diện và nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Vì vậy, theo đánh giá của Ts. Võ Trí Thành, cũng là vị chuyên gia điều phối phiên thảo luận về giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa, đây là một cuộc họp mang ý nghĩa lớn.
Đã có những tín hiệu tích cực từ thị trường nội địa, nhất là kể từ sau khi lệnh giãn cách xã hội được dỡ bỏ. Chia sẻ tại Hội thảo dựa trên từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google 6 tuần gần đây, ông Trần Trọng Kiên – Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), thành viên Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân cho biết lượt tìm kiến liên quan đến du lịch tại Việt Nam trên kênh Google đã tăng từ giữa tháng 4, đặc biệt tăng vọt ở kỳ nghỉ lễ 30/4. Dấu hiệu này đang cho thấy bắt đầu thấy có sự phục hồi về nhu cầu du lịch nội địa.
Một cuộc khảo sát gần đây cũng cho thấy hơn 53% người được hỏi cho biết sẵn sàng đi du lịch trong mùa hè này. Số người chưa có dự định đi du lịch đã giảm bớt.
Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là các tín hiệu nhìn từ nhu cầu, còn về hiện trạng cầu nội địa, du lịch nhiều nơi vẫn ở trạng thái “đóng cửa im lìm” như mô tả của ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - người vừa đến hội thảo sau chuyến đi thực tế qua hơn 6 tỉnh thành phía nam. Cũng theo ông, Covid-19 đang đẩy ngành du lịch về tình trạng “chưa từng thấy” dù ông cũng đã chứng kiến nhiều đợt khủng hoảng trước đây.
Nhưng đây cũng là cơ hội chưa từng có để thay đổi diện mạo ngành du lịch Việt Nam và cách người Việt Nam nhìn nhận thị trường du lịch nội địa. Bà Đoàn Thị Thanh Mai, Phó Chủ tịch điều hành BIM Group đã nhấn mạnh ý kiến này tại hội thảo.
Nếu như trước đây, du lịch trong nước từng bị nhắc đến tình trạng ăn chặn khách, không phát triển đồng đều hay du lịch tới các quốc gia khác thậm chí có giá rẻ hơn nhưng được xem là hấp dẫn và phong phú dịch vụ hơn, thì thời điểm này lại là cơ hội để du lịch trong nước làm mới mình. Nhất là khi khách du lịch Việt không còn lựa chọn nào khác ngoài du lịch trong nước.
Bà Đoàn Thị Thanh Mai nhấn mạnh cơ hội chưa từng có để thay đổi diện mạo ngành du lịch Việt Nam
Cùng quan điểm trên của đại diện BIM Group, Ts. Trần Đình Thiên cho rằng mục tiêu thay vì cứu ngành du lịch cũ, phải làm mới ngành du lịch của Việt Nam. Cũng theo ông, du lịch là ngành mũi nhọn vì vậy phải đi đầu và cũng đáng phải làm đầu tiên. Việc phục hồi nếu làm được không chỉ cho ngành du lịch mà còn nhằm khởi động cho một nền kinh tế khác “kiểu cũ”.
Vị chuyên gia cũng cho rằng nên đưa ra một khuôn khổ về chiến lược phát triển của ngành. Ông nhấn mạnh muốn có giải pháp cần hiểu sự thay đổi của hành vi du lịch.
Một số xu hướng đã được ông Trần Trọng Kiên chỉ ra từ kết quả cuộc khảo sát gần đây. Theo đó, khách hàng đang có xu hướng lựa chọn ưu tiên về du lịch an toàn và có ưu đãi. Tỷ trọng lớn những người được khảo sát cũng cho biết muốn du lịch biển và du lịch thiên nhiên; thực hiện các tour ngắn ngày, gần nơi mình sinh sống và đi cùng nhóm nhỏ như bạn bè và gia đình. Xu hướng khách tự đặt tour (62%) và đặt phòng khách sạn/tour qua nền tảng trực tuyến (44%) cũng đang áp đảo đòi hỏi ngành du lịch phải cơ cấu lại.
Có thể có những xu hướng chỉ trong ngắn hạn nhưng cũng có những xu hướng xuất phát từ sự thay đổi cốt lõi trong hành vi của khách hàng. Vậy nên, ngoài 5 xu hướng trên, Ts. Trần Đình Thiên cho rằng đào sâu và tiếp tục phân tích hành vi du lịch là rất quan trọng để đáp ứng đúng nhu cầu khách hàng.
Như một câu nói nổi tiếng của Albert Einstein – “Đừng mong chờ kết quả mới nếu bạn cứ lặp đi lặp lại cách làm cũ”, một nền du lịch mới cần một cách làm mới. Tại buổi hội thảo này, cũng có rất nhiều khẩu hiệu kích cầu du lịch nội địa được đề cập đến. Ở góc độ tư vấn, chuyên gia Võ Trí Thành cho rằng slogan cần kích thích sự tò mò và mong muốn thật sự từ người tiêu dùng thay vì đòi hỏi lòng thương hại. “Liệu người Việt Nam đã thấu hiểu Việt Nam?” là một gợi ý được ông đưa ra.
Nhiều lần trong cuộc hội thảo, các hãng hàng không bày tỏ mong muốn được bay. “Kích cầu du lịch chưa bao giờ thuận lợi như bây giờ. Các hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch đều mong có khách”, ông Trịnh Hồng Quang - Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines nêu. Phó tổng giám đốc Vietjet Air Đinh Việt Phương cũng cho biết ngay sau khi chính phủ cho phép hãng đã tăng cường các chuyến bay trong thị trường nội địa với số chuyến thậm chí còn lớn hơn lúc chưa có dịch, tạo nguồn cung dồi dào khi thị trường mở cửa lại. Tuy nhiên, nêu ra một khía cạnh khác, đại diện Bamboo Airways cho rằng dù giá thấp là kích cầu nhưng đấy cũng là gánh nặng với doanh nghiệp nên cần khống chế ở mức độ nào đó để đảm bảo cho doanh nghiệp có thể sống được.
Đây chỉ mới là câu chuyện của ngành hàng không. Từng doanh nghiệp đã và đang có giải pháp riêng trước bài toán sinh tồn nhưng sẽ có rủi ro khi mạnh ai người đấy làm. Một trong số các rủi ro đó, như cách ông Trần Trọng Kiên gọi, là có thể dẫn đến một cuộc cạnh tranh về đáy từng có tiền lệ ở nhiều lĩnh vực khác.
Cạnh tranh rất cần để có được thị trường nhưng phải chống cạnh tranh không lành mạnh. Theo quan điểm của đại diện Hiệp hội du lịch Việt Nam – đơn vị đã sớm đứng ra tổ chức các hoạt động kích cầu và ban hành quy chế an toàn từ tháng 2/2020 khi Việt Nam vừa qua giai đoạn đầu tiên của dịch bệnh, không đòi hỏi mức giá thấp nhất “giết” tất cả, nhưng các bên đều cần phải hi sinh một phần.
Ông cũng nhấn mạnh vai trò của sự kết hợp, vốn “rất khó” với người Việt, nhưng là chuyện cần làm lúc này. Các doanh nghiệp lớn cần liên kết để tăng giá trị tour, giảm giá/ưu đãi theo lộ trình, không tạo ra cuộc chiến về giá cả, đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng của doanh nghiệp lớn, hoặc làm đại lý bán sản phẩm du lịch cho các doanh nghiệp lớn.
Giải pháp này được nhiều chuyên gia nhấn mạnh và các doanh nghiệp tại hội thảo cũng đồng tình. Sự liên kết các sản phẩm dịch vụ giữa các doanh nghiệp vốn đã có, đang và sẽ hình thành nhiều hơn dưới áp lực hiện nay. Như trường hợp Vietravel liên kết với Vinpearl đặt trước lượng phòng nghỉ lớn với giá chiết khấu, Bamboo Airways dù có sẵn hệ sinh thái trong tập đoàn tại khá nhiều tỉnh thành cũng khẳng định mong muốn liên kết với các hãng lữ hành, khách sạn khác…
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng giám đốc Công ty Vietravel, sự liên kết này cũng là một trong các giải pháp để cấu trúc lại ngành. “Cấu trúc cũ của ngành du lịch còn lẻ tẻ, kết nối giữa các doanh nghiệp rất kém. Chúng ta phải kết nối thực sự và cũng phải tự đặt câu hỏi khi nhìn sang ngành du lịch của Thái Lan, Trung Quốc. Vì sao họ làm được tour du lịch giá không đồng?”, CEO Vietravel nêu ra những trăn trở. Đồng thời, theo ông, mỗi đơn vị giảm giá của mình xuống để có thể đưa mức giá về mức “không đi thì tiếc”, xác định bên nào có lợi nhuận từ khách sẽ phân chia lại trong chuỗi sau đó.
Bà Nguyễn Vân, Phó tổng giám đốc Hanoi Tourist cũng cho rằng cần có giải pháp mua chung, bán chung như vậy. Điều này còn giúp khách hàng không còn e dè tham gia dịch vụ vì tâm lý chờ đợi có thể còn những tour hay gói sản phẩm ưu đãi hơn.
Ngoài việc xây dựng các liên minh kích cầu, tăng thêm giá trị cho khách hàng ở mỗi sản phẩm du lịch cũng là điều được nhấn mạnh. Đại diện của Vinpearl cho biết doanh nghiệp đã tranh thủ thời gian vắng khách để đầu tư xây dựng và nâng cấp. Doanh nghiệp này chuẩn bị khai trương VinWonders (từ hệ thống hệ thống Vinpearl Land trước) vào 1/6 tới, chi hàng trăm tỷ đồng để thiết kế các show ở Nha Trang, mua thêm tàu ngầm…
Thúc đẩy du lịch nội địa không phải câu chuyện của riêng doanh nghiệp. Cái khó trong năm nay còn là một “mùa hè” rất ngắn, phụ thuộc vào thời gian đi học. Nhiều chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp du lịch cho rằng Bộ giáo dục nên lùi thời gian học trở lại, kéo dài kỳ nghỉ hè để kích cầu du lịch.
Ông Lê Khắc Hiệp đề xuất sự kết hợp với ngành giáo dục và các doanh nghiệp tạo không gian thời gian tốt hơn cho du lịch
An toàn được xác định là một xu hướng ưu tiên hàng đầu theo cuộc khảo sát nhưng một thông điệp rõ ràng về du lịch nội địa đang an toàn và sự chuẩn hóa về khái nhiệm an toàn theo đại diện BIM Group là điều đang thiếu. Từ phía cơ quan nhà nước, ông Nguyễn Lê Phúc - Phó tổng cục trưởng Tổng cục du lịch cho biết Tổng cục du lịch đang chuẩn bị ra mắt một ứng dụng công nghệ, đồng thời, thực hiện kế hoạch truyền thông về những điểm đến đảm bảo cho du khách.
Ngoài ra, đại diện BIM Group cũng cho rằng hiện chưa nhiều địa phương làm được cổng thông tin chính thức của các điểm đến du lịch, các dịch vụ nổi bật để dành riêng cho khách du lịch trong nước. Các doanh nghiệp có thể cùng đóng góp nguồn lực (có thể là tài chính hoặc cơ sở vật chất) để quảng bá điểm đến.
Khôi phục và làm mới điểm đến cũng là điều mà bà Trần Thị Nguyện - Giám đốc kinh doanh Tập đoàn SunGroup nhấn mạnh. Cũng theo bà, điểm đến đó phải tìm được cái mới hoàn toàn để du khách nội địa quay trở lại chứ không chỉ đưa ra giá ưu đãi... Nhà nước cũng nên vào cuộc từ việc đơn giản như: nâng cấp cơ sở hạ tầng, cây xanh cảnh quan...
Nhiều địa phương ngay sau dịch đã hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch bằng cách giảm phí thăm quan. Phó Chủ tịch BIM Group đề xuất các địa phương cần tìm cách tạo dấu ấn riêng, có thể làm tập trung từ Bắc vào Nam, theo từng tuần lễ và các địa phương đồng thời có những sự kiện giới thiệu du lịch địa phương hấp dẫn như thế nào.
Thậm chí các địa phương còn cần liên kêt với nhau. CEO Vietravel cho rằng cho rằng muốn kéo thị trường du lịch Việt Nam không thể kéo cả nước mà phải chia thành các khu vực trọng điểm. Từ đó, các công ty lữ hành cần thiết kế sản phẩm bay, kết nối hãng hàng không vận chuyển, thiết kế đường bay và sản phẩm để đưa khách đi một cách an toàn.