“Đây sẽ là cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam, cho xuất khẩu và tiêu dùng của Việt Nam, đồng thời giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, tiếp cận được với thị trường EU”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Cũng theo người đứng đầu Bộ Công thương, đây là cơ hội vô cùng quan trọng cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu có thể tiếp cận thị trường EU một cách thuận lợi, góp phần giải quyết hiệu quả bài toán đầu ra về thị trường trong bối cảnh thị trường ngày càng khó khăn do dịch bệnh, nhất là đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như nông sản, dệt may, da giày…
Những tác động tới thương mại và xuất khẩu có thể đến sớm hơn so với những tác động mang tính dài hơi tới các ngành, lĩnh vực khác, bởi theo lộ trình cam kết của EVFTA, ngay sau khi Hiệp định đi vào thực thi trong năm đầu tiên, EU sẽ giảm 85% dòng thuế với hàng hóa Việt Nam, đồng thời sau 7 năm tiếp theo, 99% dòng thuế cũng được miễn giảm.
Lượng hóa những tác động này, một nghiên cứu gần đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.
Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng, nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.
Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông - thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ..., cũng như nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam là rất đáng kể.
Cùng với xuất khẩu, theo dự báo của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội Quốc gia (NCIF), nhập khẩu của Việt nam từ EU cũng sẽ tăng nhanh do mức thuế quan hiện nay Việt Nam đang áp dụng với hàng nhập khẩu của EU đang ở mức cao.
Tuy nhiên, gia tăng nhập khẩu sẽ không tập trung vào thời điểm ngay sau khi EVFTA có hiệu lực vì Việt nam có lộ trình xóa bỏ thuế dài, từ 7-10 năm.
Tính toán của NCIF cho thấy, nhập khẩu của Việt Nam từ EU sẽ tăng khoảng 15,28% vào năm 2020, hơn 33,06% vào năm 2025 và tăng lên 36,7% vào năm 2030.
Đáng chú ý, với việc gia tăng nhập khẩu từ EU, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ được lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu từ EU với chất lượng tốt và ổn định hơn, mức giá cũng hợp lý hơn.
Đặc biệt, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội được tiếp cận với nguồn máy móc, thiết bị, công nghệ/kỹ thuật cao từ các nước EU, qua đó nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm.
Đồng thời, hàng hóa, dịch vụ từ EU nhập khẩu vào Việt Nam cũng sẽ tạo ra sức ép buộc doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực cải thiện nội lực để tăng năng lực cạnh tranh.
Đánh giá tác động trong lĩnh vực đầu tư, theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với việc thực thi EVFTA, môi trường đầu tư mở hơn và thuận lợi hơn, triển vọng xuất khẩu hấp dẫn hơn, sẽ thu hút đầu tư FDI từ EU vào Việt Nam nhiều hơn, với chất lượng đầu tư gia tăng cả trong trung và dài hạn - là nhân tố khiến xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh nhất trong dài hạn.
Với hàng loạt lĩnh vực EU có thế mạnh như dịch vụ, tài chính, ô tô, chế biến chế tạo, công nghệ thông tin, công nghệ cao, nông sản thực phẩm chế biến sẽ là những lĩnh vực EU đầu tư vào Việt Nam và đây cũng là những lĩnh vực mà Việt Nam cần đầu tư và phát triển toàn diện.
Dự báo của NCIF cho thấy, khi EVFTA đi vào thực thi, cơ cấu dòng vốn FDI vào lĩnh vực dịch vụ có thể tăng do mức độ tự do hóa các ngành dịch vụ của Việt Nam dành cho các nhà cung cấp dịch vụ của EU tăng lên, đặc biệt là các loại hình dịch vụ kinh doanh, bưu chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải biển.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực có dư địa lớn tại Việt Nam có sức hấp dẫn rất lớn đối với các nhà đầu tư EU là năng lượng sạch, năng lương tái tạo dự báo cũng sẽ tăng thu hút dòng vốn đầu tư từ EU trong thời gian tới.
Theo tính toán của Bộ Kế hoach và Đầu tư, sau khi EVFTA đi vào thực thi, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trung bình 5,21-8,17%/năm giai đoạn 2019-2023; 11,12-15,27%/năm giai đoạn 2024-2028 và 17,98-21,95%/năm giai đoạn 2029-2033.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của một số ngành xuất khẩu chủ lực sang EU sẽ cải thiện đánh kể. Trong đó, nhóm hàng nông sản như gạo tăng thêm 65% vào năm 2025, đường 8%, thịt lợn 4%, lâm sản 3%, thịt gia súc gia cầm 4%, đồ uống và thuốc lá 5%. Nhóm ngành chế biến chế tạo như dệt tăng 67%, may mặc 81%, da giày 99%. Nhóm ngành dịch vụ như vận tải thủy tăng 100%, vận tải hàng không 141%, tài chính và bảo hiểm 21%, các dịch vụ phục vụ kinh doanh khác 80%.