Thanh khoản thấp đang là vấn đề lớn nhất của thị trường chứng khoán trong nước.

Thanh khoản thấp đang là vấn đề lớn nhất của thị trường chứng khoán trong nước.

Cơ hội cho nhà đầu tư giá trị

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khó khăn hiện tại của thị trường tiềm ẩn cơ hội cho những nhà đầu tư giá trị, bởi cổ phiếu của không ít doanh nghiệp tốt bị bán tháo, thị giá lùi xuống dưới giá trị thực.

Kể từ đầu tháng 4/2022, thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào xu hướng giảm sau khi lập đỉnh. Tính đến giữa tháng 11/2022, VN-Index và VN30 giảm trên 40%, cả hai chỉ số lùi xuống gần 900 điểm, mức thấp nhất trong vòng 2 năm và thấp hơn mức trước khi dịch Covid-19 diễn ra.

Thị trường chứng khoán lao dốc phản ánh tâm lý bi quan của nhà đầu tư về nền kinh tế trong thời gian tới, nhất là khi số lượng nhà đầu tư mới (F0) tham gia trong hơn 2 năm vừa qua rất lớn, phần nào khiến thị trường trở nên nhạy cảm hơn và luôn có những phản ứng mạnh trước những thông tin tiêu cực.

Về phía nền kinh tế, đây là giai đoạn tiến thoái lưỡng nan với không ít áp lực đè nặng lên doanh nghiệp và các nhà điều hành. Để duy trì ổn định nền kinh tế, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước buộc phải quản trị rủi ro thông qua chính sách tiền tệ thắt chặt, đặc biệt là đối với ngành bất động sản.

Ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Quỹ đầu tư A+.

Ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Quỹ đầu tư A+.

Trong bối cảnh đó, dòng tiền liên tục được rút ra khỏi thị trường chứng khoán, tìm nơi trú ẩn an toàn hơn, khiến thị trường lao dốc nhanh và mạnh.

Khó khăn hiện tại có điểm khác biệt so với cuộc khủng hoảng năm 2008 - 2010 do dòng vốn nước ngoài dịch chuyển, sau khi cuộc khủng hoảng toàn cầu diễn ra năm 2008, bắt nguồn từ thị trường tín dụng và nhà đất của Mỹ.

Cụ thể, việc cho vay dưới chuẩn ồ ạt và thiếu kiểm soát là khởi điểm cho bong bóng bất động sản tại Mỹ. Dư nợ trong mảng này từ 160 tỷ USD năm 2001 đã tăng vọt lên 1.300 tỷ USD vào năm 2007.

Trước đó, để đối phó với lạm phát, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất, từ mức 1% năm 2001 lên 5,25% năm 2006, dẫn đến áp lực trên thị trường bất động sản gia tăng. Tuy nhiên, bong bóng bất động sản tiếp tục “phồng” thông qua các sản phẩm phái sinh ABS, cụ thể là CDO, khiến rủi ro lan rộng và bị đẩy lên cao hơn. Vào cuối năm 2007, sức nóng của thị trường đạt đến đỉnh điểm, gây ra cuộc khủng hoảng ở Mỹ và lan ra toàn thế giới.

Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 và đầu năm 2022 tăng trưởng mạnh nhờ vào dòng tiền mới tham gia của nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, vấn đề của đám đông là chạy theo các con sóng của thị trường, bất chấp định giá và giá trị cơ bản của doanh nghiệp. Khi sóng rút, F0 là những người chịu thua lỗ nặng nhất.

Đầu tư về thực chất là hai mặt của đồng tiền, tiềm ẩn trong khó khăn hiện nay là cơ hội cho những nhà đầu tư giá trị. Họ là những người muốn đầu tư dài hạn, tập trung thời gian và công sức để tìm ra những doanh nghiệp đầu ngành, có bảng cân đối kế toán an toàn, khả năng tạo dòng tiền tốt, nhưng bị các đợt bán tháo của thị trường đẩy xuống dưới giá trị thực.

Tầm nhìn đến năm 2023 thì sao? Theo nghiên cứu của chúng tôi và nhiều nhà tư vấn tài chính khác, thanh khoản sẽ là vấn đề lớn nhất của thị trường trong nửa đầu năm tới. Thực sự sẽ rất khó đoán được đáy của thị trường, do đó, nhà đầu tư nên có kế hoạch giải ngân trong vùng biên an toàn. Kèm với đó, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về ngành nghề, chu kỳ và nội tại của doanh nghiệp. Chúng tôi nhận định, các ngành bất động sản, xuất khẩu vẫn sẽ gặp khó khăn. Nhà đầu tư nên cân nhắc cổ phiếu của những tập đoàn tài chính lớn, ngành bán lẻ, y tế, dược, bia.

Tin bài liên quan