Cơ hội cho công nghiệp phụ trợ là rất lớn

Cơ hội cho công nghiệp phụ trợ là rất lớn

Doanh nghiệp trong nước muốn trở thành các nhà cung cấp cho công ty nước ngoài tại Việt Nam cần phải chú trọng đến cam kết về chất lượng của sản phẩm và dịch vụ. Ông Nguyễn Xuân Thế, Tổng giám đốc Công ty Space Cooling (SC) Việt Nam trao đổi về vấn đề này.

Nhu cầu về công nghiệp phụ trợ đang tăng khá cao do ngày càng có nhiều công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Nhưng thực tế thì không có nhiều công ty Việt Nam có thể cung cấp sản phẩm cho các công ty nước ngoài. Vậy SC đã bắt đầu như thế nào để trở thành nhà cung cấp sản phẩm cho các công ty nước ngoài?

Đúng là nhu cầu về công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam đang rất lớn. Có hàng nghìn doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại các khu công nghiệp trên khắp cả nước, và rất nhiều trong số họ đều có nhu cầu tìm các nhà cung cấp trong nước. Và tất nhiên, họ cũng có nhu cầu về hệ thống làm mát của chúng tôi cho các khu xưởng sản xuất. Đó là lý do tại sao chúng tôi tập trung vào lĩnh vực kinh doanh này.

Chúng tôi đã khởi đầu việc kinh doanh đó với cam kết về chất lượng của sản phẩm và dịch vụ bảo hành. Hợp đồng đầu tiên SC có được với một công ty nước ngoài là lắp đặt thiết bị làm mát nhà xưởng cho Canon tại Bắc Ninh. Khi chúng tôi sắp hoàn tất việc lắp đặt thiết bị, thì một điều không may đã xảy ra. Một móc treo ống làm mát đã rơi xuống. Ngay lập tức, SC quyết định tháo tất cả 432 móc đã treo và lắp đặt lại, đồng thời cam kết bảo hành 3 năm cho hệ thống. Đây là quyết định quan trọng giúp chúng tôi lấy được niềm tin từ Canon và từ đó uy tín của chúng tôi được rất nhiều công ty Nhật Bản biết tới.

Ngoài việc phải cam kết về chất lượng sản phẩm, đâu là lợi thế để các công ty Việt Nam có thể cạnh tranh với đối thủ nước ngoài trong ngành công nghiệp phụ trợ?

Tôi nghĩ rằng, các công ty Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ hoàn toàn có khả năng hợp tác với các công ty nước ngoài, với điều kiện họ phải cải thiện chính bản thân mình để có thể cung cấp những sản phẩm và dịch vụ chất lượng.

Giá cả là lợi thế lớn nhất của các công ty trong nước. Nếu các công ty nước ngoài phải nhập nguyên liệu, phụ tùng từ các nhà cung cấp bên ngoài Việt Nam, nên chi phí sẽ rất cao. Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn đang gặp khó khăn như hiện nay, giá cả là một trong những vấn đề quan trọng nhất.

Ngoài giá rẻ, tôi cũng nhìn thấy nhiều công ty trong nước đã cố gắng nâng cao chất lượng sản phẩm. Tôi cho rằng, rất nhiều sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất hiện nay có chất lượng ngang bằng các sản phẩm nhập khẩu.

Ông nghĩ thế nào về những cơ hội sắp tới đối với sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ?

Ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam sẽ phát triển nhanh trong những năm tới, nhờ sự gia tăng đầu tư từ các công ty xuyên quốc gia vào Việt Nam như Samsung, Bridgestone hay LG... kèm theo hàng nghìn công ty vệ tinh khác. Những công ty đó sẽ đóng vai trò rất lớn để thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất, cũng như khuyến khích các công ty trong nước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Những gì các công ty Việt Nam phải làm bây giờ là tăng cường năng suất và chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Ông có thể nói qua về hoạt động kinh doanh của SC Việt Nam?

SC Việt Nam được thành lập từ năm 2010, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực cung cấp và lắp đặt thiết bị làm mát công nghiệp. Chúng tôi nhập khẩu các sản phẩm từ Trung Quốc và Thái Lan. Ngoài ra, chúng tôi cũng có một xưởng sản xuất tại Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội), chuyên sản xuất linh kiện phụ trợ cho các hệ thống làm mát công nghiệp.

Phần lớn khách hàng của SC là các công ty Nhật Bản tại Việt Nam như Toyota hay Canon. Hiện tại, trụ sở chính của Công ty đặt tại Hà Nội, nhưng chúng tôi cũng có một chi nhánh tại TP.HCM và một văn phòng đại diện tại khu vực miền Trung. Có thể nói, việc kinh doanh từ khi thành lập đến nay đang phát triển khá tốt.

Tin bài liên quan