Cơ hội cho ‘cổ đông 5 sao’

(ĐTCK-online) Dù không có trong tay hàng chục triệu USD, nhưng các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức vẫn có cơ hội sở hữu và tham gia kinh doanh những khách sạn và khu nghỉ dưỡng 5 sao ở Đà Nẵng do sự chuyển đổi chiến lược của chủ đầu tư và việc áp dụng những hình thức kinh doanh lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam.

Công ty liên doanh Khu du lịch Bắc Mỹ An, chủ đầu tư của Furama Resort - khách sạn 5 sao đầu tiên ở miền Trung, đang chuyển đổi hình thức từ liên doanh sang cổ phần, đồng thời chuẩn bị khởi công xây dựng giai đoạn II của dự án trên diện tích 28 ha sát ngay khách sạn hiện nay. Ngoài việc đầu tư bằng cách mua cổ phần, các nhà đầu tư còn có cơ hội kinh doanh bất động sản nhờ vào hình thức kinh doanh mới mà Furama sẽ áp dụng.

Mô hình kinh doanh mới cho phép các nhà đầu tư có thể mua căn hộ và biệt thự ở giai đoạn II, sau đó cho người nước ngoài thuê lại. Với những căn nhà phố, nhà đầu tư thứ cấp có thể cho người nước ngoài đang sinh sống và kinh doanh ở Đà Nẵng thuê, vì nhu cầu thuê nhà ở tại Đà Nẵng ngày càng lớn do vốn đầu tư nước ngoài vào mạnh. Với những khu biệt thự, nhà đầu tư thứ cấp có thể dùng để đi nghỉ cùng gia đình hoặc bạn bè vài tuần trong năm và thời gian còn lại sẽ kết hợp với công ty quản lý khách sạn cho thuê lại. Ngoài doanh thu hàng tháng, giá trị bất động sản gia tăng theo thời gian cũng đem lại khoản lợi nhuận không nhỏ cho nhà đầu tư thứ cấp.

Mô hình kinh doanh này cũng đã được một số khu nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng, như Sơn Trà Resort & Spa áp dụng thành công. Mặc dù cuối năm nay mới khai trương, nhưng Sơn Trà Resort đã bán được 22 trong tổng số 24 biệt thự của Khu A và rất nhiều nhà đầu tư đã đăng ký mua biệt thự ở những khu còn lại. Furama còn có lợi thế hơn, bởi đã kinh doanh được 10 năm và xác lập được danh tiếng.

Lợi ích từ mua cổ phần cũng như mua biệt thự ở những khu nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng phụ thuộc vào khả năng phát triển của thị trường du lịch trong tương lai. Ông Huỳnh Tấn Vinh, Phó tổng giám đốc Furama cho rằng, 3 yếu tố tiên quyết để hỗ trợ du lịch Đà Nẵng là phát triển hệ thống sân golf, thêm đường bay và xây dựng khu mua sắm-giải trí. Cho đến nay, cả 3 yếu tố này đều thiếu, nhưng đã có những tín hiệu tích cực cho thấy, sẽ có những giải pháp từ phía các nhà đầu tư cũng như Chính phủ cho vấn đề này.

Một số nhà đầu tư đang xúc tiến các dự án xây dựng sân golf ở Đà Nẵng, như Công ty Lafien (Hàn Quốc) được cấp phép phát triển sân golf 18 lỗ ở Bà Nà, Công ty Daewon phát triển sân golf 18 lỗ và Khu đô thị Đa Phước, VinaCapital đầu tư một sân golf 36 lỗ cùng với khu khách sạn, biệt thự với tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 150 triệu USD.

Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, Thành phố đã thí điểm xây dựng Khu phố mua sắm dành cho khách du lịch. Trong vòng một năm nữa, các trung tâm mua sắm cao cấp, như Indochina Riverside Towers và Vĩnh Trung Plaza sẽ hoạt động, tạo thêm điểm mua sắm và giải trí cao cấp cho du khách. Sân bay Đà Nẵng sẽ được nâng cấp vào năm tới, với việc xây dựng một nhà ga hành khách quốc tế mới có công suất 4 triệu lượt khách/năm. Việc có thêm sân golf, khu mua sắm sẽ kéo dài thời gian lưu trú của du khách thêm 2 - 3 ngày, do vậy nâng cao công suất phòng và doanh thu của các khách sạn.

Những tín hiệu tích cực như vậy là động lực để các nhà đầu tư tiếp tục đổ vốn vào xây dựng khách sạn dọc bãi biển Đà Nẵng. Bên cạnh Furama, Khách sạn Hoàng Trà đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng, Khu nghỉ dưỡng Olalani cũng đang hoàn thiện các biệt thự mẫu. Lớn nhất là công trình Khách sạn Crowne Plaza với hơn 500 phòng và khu biệt thự do Công ty liên doanh Silver Shores-Hoàng Đạt đầu tư cũng đã bắt đầu triển khai. Ngay bên cạnh là Dự án Khách sạn Raffles Resort của Tập đoàn Kingdom Hotel Investments đến từ Saudi Arabia .

Ước tính, trong vòng 5 năm nữa, dọc bãi biển từ Đà Nẵng đến Quảng Nam , sẽ có thêm khoảng 1.500 phòng khách sạn cao cấp. Điều đó cũng đồng nghĩa với sự cạnh tranh gay gắt giữa các khách sạn để thu hút du khách. Nhưng nếu xét về khía cạnh tiếp thị thì đó lại là tín hiệu tích cực.

Từ trước đến nay, Furama vẫn “đơn thương, độc mã” quảng bá cho cả miền Trung, nên hiệu quả chưa thực sự cao. Nếu có thêm nhiều khách sạn mới với những thương hiệu quốc tế như Crowne Plaza, Sofitel, Raffles, thì nỗ lực quảng bá sẽ được nhân lên gấp bội để miền Trung trở thành một điểm đến của du khách quốc tế cũng như của các “cổ đông 5 sao”.