Những dự án được kỳ vọng hồi sinh
Dự án đầu tiên được nhắc tới đó là Khu đô thị Tây Bắc (quận 12, Củ Chi, Hóc Môn). Dự án được công bố quy hoạch từ năm 2000 với mục đích biến khu Tây Bắc thành khu đô thị vệ tinh của TP.HCM nhằm mục tiêu tạo động lực phát triển nhanh khu vực, kể cả các huyện giáp ranh của tỉnh Long An, Tây Ninh. Góp phần giảm áp lực dân cư trong khu vực nội thành, điều hòa dân số, lao động ở các khu vực hiện tập trung quá đông, quá tải về giao thông và khó khăn về tổ chức môi trường sống đô thị.
Khu đô thị với nhiều dự án thành phần như Dự án Khu đô thị mới An Phú Hưng của Công ty TNHH một thành viên An Phú, có tổng diện tích hơn 650 ha, nằm trải dài trên 2 xã Tân Hiệp và Tân Thới Nhì của huyện Hóc Môn.
Ngoài ra, còn hàng chục dự án đô thị khác, gồm cả nhà phố, biệt thự, chung cư cũng nằm trong quy hoạch này. Tuy nhiên, đến nay, các dự án này chưa hề động đậy.
Năm 2017 và 2018, UBND TP.HCM đã có nhiều động thái tích cực trong việc thúc đẩy xây dựng Dự án Khu đô thị Tây Bắc như sửa đổi bản quy hoạch dự án để dễ kêu gọi đầu tư. Bên cạnh đó, UBND Thành phố đã chỉ đạo Ban Quản lý đầu tư xây dựng Khu đô thị Tây Bắc phối hợp với các cơ quan liên quan điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 Khu đô thị Tây Bắc của Thành phố…
Ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM cho biết, dự kiến, trong năm 2019 sẽ có những dự án đầu tiên được xây dựng tại đây.
TP.HCM hiện có hơn 400 dự án đang nằm bất động. Ảnh: Việt Dũng
Ngoài Dự án Khu đô thị Tây Bắc, dự án khác cũng đáng chú ý khác tại TP.HCM là Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2. Dự án này cũng đã được ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, nhắc tới trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của TP.HCM.
Ông Phong cho biết, năm 2019, Thành phố tiếp tục phát triển những tiểu dự án tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, bởi hiện nay, khu đô thị này đã hoàn thành xong hạ tầng nội khu và các tiểu dự án thành phần đã có doanh nghiệp làm chủ đầu tư.
Ngoài ra, người đứng đầu UBND TP.HCM cho biết, Thành phố xác định Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm là thỏi nam châm hút vốn đầu tư nước ngoài, nên trong năm 2019, Thành phố sẽ đẩy nhanh việc triển khai các dự án trong khu đô thị này để tạo hiệu ứng tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển Thành phố.
Một dự án lớn nữa được kỳ vọng sẽ hồi sinh, giúp thị trường bất động sản TP.HCM sôi động hơn trong năm 2019 đó là Khu đô thị Thạnh Mỹ Lợi, quận 2. Sau nhiều năm phát triển chậm và rơi vào cảnh hoang vắng người ở, năm 2018, dự án đã bắt đầu có dấu hiệu hồi sinh khi các chủ đầu tư như Novaland, Công ty cổ phần Bất động sản Thủ Thiêm… đã triển khai dự án tại đây.
Dự án có 2 khu là khu Thạnh Mỹ Lợi A và Thành Mỹ Lợi B. Trong đó, khu Thạnh Mỹ Lợi A có tổng diện tích 178,29 ha, quy mô dân số khoảng 21.500 người, có tính chất là khu dân cư xây dựng mới, khu công cộng (trường học, bệnh viện, thương mại-dịch vụ…) và khu công viên cây xanh sử dụng công cộng. Khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi B rộng 157,9 ha, có phía Đông Bắc giáp Khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi, phía Đông Nam giáp đường Vành đai phía Đông, phía Tây Bắc và Tây Nam giáp sông Sài Gòn.
Ngoài ra, thị trường bất động sản TP.HCM còn chờ đợi sự hồi sinh của Dự án Khu đô thị Nam Sài Gòn, hay Dự án Khu công viên Mũi Đèn Đỏ và nhà ở đô thị (tên thương mại là Saigon Peninsula), phường Phú Nhuận, quận 7, TP.HCM do Công ty cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula làm chủ đầu tư. Dự án có tổng diện tích lên tới hơn 117 ha, vốn đầu tư là 6 tỷ USD…
Cần “người hùng” giải cứu
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, hiện trên địa bàn TP.HCM còn hơn 400 dự án đắp chiếu, trong đó có những dự án chung cư đang xây dựng nhưng chủ đầu tư đã “lãng quên” vì hết vốn và giờ đây kêu gọi doanh nghiệp khác cùng rót vốn để tái khởi động dự án trong năm 2019.
Theo nhận định của giới phân tích thích, các dự án trên đều là những dự án lớn, có vị trí đẹp và quy mô, khả năng sinh lời rất cao. Tuy nhiên, điểm khó ở các dự án này khiến nhiều năm không thể phát triển đó là đều nằm trong tay những doanh nghiệp “cạn vốn”. Muốn các dự án này trở lại, cần những “người hùng” bơm vốn để phát triển.
Ông Nguyễn Nam Hiền, Phó tổng giám đốc Hưng Thịnh Corp cho rằng, để phục hồi hơn 400 dự án bất động sản đang đắp chiếu, quan trọng nhất là cung phải gặp cầu, phải có tiếng nói chung giữa nhà đầu tư mới và nhà đầu tư cũ, ngân hàng, cũng như các khách hàng.
Hiện nay, không ít nhà đầu tư có nguồn vốn mạnh sẵn sàng bỏ ra để hợp tác, mua lại những dự án trên. Tuy nhiên, các rào cản về mặt pháp lý, về phương pháp hợp tác khiến các nhà đầu tư gặp khó khăn, không dám làm.
“Để tháo gỡ nút thắt này, ngân hàng nên đứng ra làm vai trò trung gian đầu tư, mạnh dạn đứng ra triển khai luôn hoặc hợp tác với một đơn vị nào đó thì mới có thể giải quyết triệt để. Bởi nếu hơn 400 dự án sống lại, sẽ tác động tích cực đến thị trường, ngân hàng”, ông Hiền nói.
Ngoài ra, ý kiến nữa cho rằng, để những dự án đắp chiếu hồi sinh trong năm 2019, cần có sự nới lỏng quy định về chuyển nhượng dự án.
Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, việc chuyển nhượng dự án bất động sản hiện còn khó khăn do vướng chính sách. Cụ thể, khoản 1.b, Điều 194, Luật Đất đai quy định, đối với các dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở thì được chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án sau khi đã có giấy chứng nhận. Người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải thực hiện dự án đầu tư đúng theo tiến độ đã được phê duyệt.
Ngoài ra, khoản 2, Điều 49, Luật Kinh doanh bất động sản quy định, điều kiện chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là chủ đầu tư chuyển nhượng đã có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng.
Theo ông Phượng, đây chính là những điểm nghẽn khiến hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản chưa phát triển mạnh, nhiều dự án chưa thể hồi sinh.
“Nếu những vướng mắc này được giải quyết, thị trường M&A bất động sản sẽ sôi động hơn, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, dự án”, ông Phượng đánh giá.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com