Tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên vẫn có điều kiện để tăng trưởng cao

Tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên vẫn có điều kiện để tăng trưởng cao

Cơ hội bứt phá từ lành mạnh hóa hệ thống

(ĐTCK) Công tác trọng tâm hiện nay đối với ngành ngân hàng là xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, tiến tới lành mạnh hệ thống tài chính. Đây là chia sẻ của TS. Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia. 

Năm 2018 là năm lĩnh vực tài chính tiền tệ đạt nhiều kết quả tốt, nhưng cũng cho thấy, sau một giai đoạn phát triển, lại có những bất cập cần phải xử lý. Ở góc độ giám sát tài chính, đâu là thách thức lớn nhất, thưa ông?

Việc đánh giá các tác động bên ngoài lên thị trường tài chính, dự báo, xây dựng các kịch bản phòng ngừa và triển khai kịp thời các hành động chính sách để giảm thiểu rủi ro đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan quản lý, giám sát tài chính.

Năm 2018, thị trường tài chính Việt Nam chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố rủi ro bên ngoài, như cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế thế giới, biến động dòng vốn rút khỏi các thị trường chứng khoán mới nổi tác động tới thị trường chứng khoán trong nước và các yếu tố vĩ mô như tỷ giá, lãi suất.

TS. Hà Huy Tuấn

Các cơ quan quản lý, giám sát tài chính cần nỗ lực xây dựng, hoàn thiện các chiến lược phát triển thị trường với các giải pháp cụ thể, toàn diện cho từng giai đoạn; nghiên cứu, áp dụng mô hình giám sát theo kinh nghiệm quốc tế, hệ thống chỉ tiêu an toàn tài chính theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Để xây dựng thị trường tài chính phát triển bền vững, hài hòa giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế cũng như thực hiện những cam kết quốc tế về mở cửa thị trường tài chính đòi hỏi công tác giám sát tài chính phải tiếp cận với những chuẩn mực quốc tế và nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng thị trường tài chính.

Trong bối cảnh thị trường tài chính phát triển mạnh mẽ, rủi ro gia tăng cùng với tính phức tạp của các sản phẩm tài chính, sự liên kết, tác động lớn giữa các phân khúc, lĩnh vực của thị trường tài chính, hệ thống giám sát tài chính Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức.

Cụ thể, năng lực của các cơ quan giám sát tài chính chưa theo kịp với tốc độ phát triển nhanh chóng của thị trường tài chính.

Bên cạnh đó, mô hình giám sát tài chính ở Việt Nam hiện nay là mô hình phân tán theo chuyên ngành, do đó khó phát hiện, đánh giá một cách toàn diện và đẩy đủ mức độ rủi ro của toàn hệ thống tài chính, từ đó có hành động chính sách kịp thời.

Ngoài ra, mặc dù các cơ quan quản lý đã trao đổi thông tin thường xuyên nhưng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan này vẫn chưa đủ để giám sát hữu hiệu một cách toàn diện và kịp thời thị trường tài chính. Nguyên nhân do Việt Nam chưa có khuôn khổ pháp lý để hình thành cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, thanh tra giám sát tài chính theo thông lệ quốc tế (ví dụ thành lập Hội đồng Ổn định tài chính).

Đối với các tổ chức tín dụng, theo ông, đâu là vấn đề cần phải lưu tâm, cũng như đâu là cơ hội để bứt phá?

Theo tôi, công tác trọng tâm hiện nay đối với ngành ngân hàng là xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, tiến tới lành mạnh hệ thống tài chính. Để củng cố nền tảng phát triển trong tương lai, các tổ chức tín dụng cần tập trung giải quyết tốt các vấn đề quan trọng sau:

Thứ nhất, các tổ chức tín dụng phải đáp ứng các tiêu chuẩn của Basel II về an toàn vốn theo quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Hiện nay, nhiều ngân hàng đang gặp khó khăn về tăng vốn tự có. Đây là vấn đề quan trọng được thảo luận tại đại hội đồng cổ đông năm 2019 của hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần. Việc tăng vốn để đáp ứng yêu cầu về an toàn vốn theo tiêu chuẩn Basel II, giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, phát triển quy mô, mạng lưới, đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin.

Thứ hai, các ngân hàng thương mại cổ phần phải hoàn thành việc niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán đến cuối năm 2020. Tuy nhiên, việc xác định thời điểm thích hợp để niêm yết cổ phiếu ngân hàng còn phụ thuộc vào diễn biến thị trường chứng khoán trong nước và tác động của kinh tế thế giới.

Cơ hội bứt phá từ lành mạnh hóa hệ thống ảnh 2

Việc niêm yết cổ phiếu giúp các ngân hàng tăng cường minh bạch thông tin đối với khách hàng và nhà đầu tư 

Bên cạnh đó, một số tổ chức tín dụng đang được tái cơ cấu sẽ gặp những khó khăn nhất định đối với niêm yết cổ phiếu. Việc niêm yết cổ phiếu giúp các ngân hàng tăng cường minh bạch thông tin đối với khách hàng và nhà đầu tư, tạo thuận lợi cho việc tăng vốn của các ngân hàng.

Thứ ba, sự phát triển của các dịch vụ tài chính hiện đại, ứng dụng công nghệ số là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với các tổ chức tín dụng. Sự ra đời của các công ty FinTech, các phương thức thanh toán hiện đại đòi hỏi các ngân hàng phải thay đổi hoạt động theo xu hướng số hóa, áp dụng công nghệ mới. Thông qua đó, cho phép các ngân hàng cung cấp các dịch vụ tài chính nhanh chóng và thuận tiện hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng về dịch vụ tài chính.

Đây cũng là giải pháp để các tổ chức tín dụng tăng nguồn thu từ hoạt động dịch vụ, giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng. Trong quá trình ứng dụng công nghệ số hóa, các tổ chức tín dụng cũng cần lưu tâm hơn nữa đến bảo mật thông tin, quản trị rủi ro và chuyển đổi cơ cấu tổ chức, nhân sự phù hợp.

Cuối cùng, vẫn còn nhiều cơ hội, nhiều khu vực/ngách để mỗi tổ chức tín dụng bứt phá theo cách riêng, phù hợp với chiến lược kinh doanh của mình. Tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao cần được kiểm soát chặt chẽ, nhưng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên vẫn có điều kiện để tăng trưởng. Các tổ chức tín dụng có thể quan tâm, đẩy mạnh cấp tín dụng đối với một số lĩnh vực: Công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp sạch, doanh nghiệp khởi nghiệp, các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ và du lịch…

Ông có lưu ý tác động của thị trường tài chính quốc tế, nhưng thực tế diễn biến lại khá nhanh và phản ứng gần đây của ngành ngân hàng là xoay quanh chữ "linh hoạt". Nếu nhìn về dài hạn, với độ mở của nền kinh tế quá lớn hiện nay, thì đâu là giải pháp căn cơ? Ngoài ra, sức ép phải mở cửa thị trường vốn cũng rất lớn, Việt Nam cần suy tính thế nào?

Việc mở cửa và hội nhập quốc tế là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm mục đích phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân. Thực tiễn trong thời gian qua đã cho thấy, chủ trương này là hoàn toàn đúng đắn. Mặc dù vậy, quá trình này cũng tạo ra một số thách thức đối với chúng ta, trong đó có vấn đề thương mại và lưu chuyển vốn quốc tế diễn ra nhanh và mạnh hơn, làm cho việc xây dựng, điều hành chính sách tiền tệ trở nên phức tạp và khó khăn hơn. Do đó, việc chủ động điều chỉnh chính sách tiền tệ trong nước trước các diễn biến, tác động từ các yếu tố bên ngoài một cách linh hoạt là rất quan trọng góp phần đạt được mục tiêu của chính sách tiền tệ quốc gia, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, sự linh hoạt này vẫn phải đảm bảo được sự ổn định của kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính - tiền tệ.

Về dài hạn, tôi cho rằng, chúng ta có thể chú ý thêm một số vấn đề chính sách như sau:

Thứ nhất, cần phát triển thị trường tài chính hiện đại, tiệm cận thông lệ quốc tế. Thị trường tài chính cần phát triển hài hòa về cấu trúc nhằm giảm dần mức độ phụ thuộc khả năng cung ứng vốn từ hệ thống tổ chức tín dụng cho nền kinh tế.

Thứ hai, tăng cường hơn nữa công tác dự báo, cảnh báo sớm, cũng như thường xuyên kiểm tra sức chịu đựng của hệ thống tài chính trước các bất ổn từ bên ngoài khi kinh tế - tài chính toàn cầu biến động khó lường và ẩn chứa nhiều yếu tố bất định.

Thứ ba, tăng cường hợp tác, chia sẻ quốc tế nhằm xác định, phòng ngừa và có biện pháp xử lý rủi ro, nhất là rủi ro xuyên biên giới một cách kịp thời.

Thứ tư, đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng các công nghệ về quản lý giám sát trong bối cảnh công nghệ tài chính phát triển, rủi ro công nghệ gia tăng.

Đối với việc mở cửa thị trường vốn, đây vừa là xu hướng khách quan, cũng vừa là chủ trương chủ động của chúng ta về hội nhập kinh tế quốc tế như trên đã nói. Vì vậy, Chính phủ cũng đã có những chiến lược cụ thể trong việc phát triển thị trường tài chính trong trung hạn như trong Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”.

Theo đó, mục tiêu chung là tiếp tục cơ cấu lại toàn diện để thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế; xây dựng cơ cấu hợp lý, cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu, giữa trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp; hỗ trợ tích cực quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân; tăng cường mở cửa và hội nhập với thị trường khu vực và thế giới.

Theo tôi, vấn đề mở cửa thị trường vốn có thể xem xét đến những vấn đề trọng tâm như tái cấu trúc cơ sở hàng hóa gắn với giảm thiểu, xóa bỏ rào cản về dịch vụ chứng khoán; tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư gắn với giảm thiểu các rào cản về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, về luân chuyển dòng vốn vào/ra, về tiếp cận thông tin; tái cấu trúc tổ chức thị trường theo hướng chuyên biệt hóa; tái cơ cấu hệ thống tổ chức kinh doanh chứng khoán theo hướng cung cấp các sản phẩm dịch vụ theo chuẩn mực quốc tế, nâng cao năng lực kiểm soát rủi ro; và nâng cao cơ sở hạ tầng tài chính: Nâng cao các chuẩn mực kiểm toán, kế toán tiệm cận thông lệ quốc tế, thúc đẩy áp dụng các thông lệ quản trị công ty tốt trong các công ty đại chúng và niêm yết. Từng bước chuyển đổi mô hình giám sát phù hợp với thông lệ quốc tế và sự phát triển của thị trường tài chính.

Ngoài ra, cần có các biện pháp phòng vệ trước những rủi ro do việc mở cửa thị trường vốn. Cụ thể, có những giải pháp phòng ngừa rủi ro trước khủng hoảng, cũng như các biện pháp phòng vệ chính đáng.

Quay lại câu chuyện tài chính quốc gia, sự xuất hiện các hình thức tài chính mới như tiền điện tử, P2P (cho vay ngang hàng), thanh toán phi ngân hàng... mà Việt Nam đang tiếp cận một cách khá thận trọng, liệu có cần một tư duy ở câu chuyện này không?

Đối với sự xuất hiện của các hình thức tài chính mới như tiền điện tử, P2P, hay thanh toán phi ngân hàng, có thể nói rằng, đây là một xu hướng trong lĩnh vực tài chính.

Các hình thức tài chính này được hình thành khi một số nhu cầu của thị trường chưa được thỏa mãn bởi những dịch vụ hiện có. Có thể kể đến một số ví dụ như chuyển tiền kiều hối với mức phí rẻ, hay các khoản vay với khối lượng nhỏ, trong thời gian ngắn...

Hiện nay trên thế giới, nhiều nước đã nghiên cứu và có những cách tiếp cận, chế tài khác nhau đối với các hình thức tài chính mới này. Một số quốc gia có cái nhìn tương đối tích cực, hỗ trợ, đồng thời xây dựng khuôn khổ pháp lý nhằm thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của các loại hình tài chính mới này (ví dụ Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc...). Trong khi đó, một số quốc gia khác lại có cách tiếp cận tương đối thận trọng, điển hình như Trung Quốc thời gian vừa qua đã tuyên bố nghiêm cấm hoạt động đối với các hình thức P2P.

Có thể thấy được nhiều lợi ích đối với người tiêu dùng khi sử dụng các dịch vụ tài chính mới này, như chi phí rẻ, thủ tục đơn giản, thời gian thực hiện nhanh chóng... Tuy nhiên, nếu trên cương vị của cơ quan quản lý, giám sát, có khá nhiều rủi ro cần được xem xét và đưa vào khuôn khổ để kiểm soát. Một số rủi ro lớn có thể kể tới như vấn đề kiểm soát dòng tiền, chống rửa tiền, hạn chế tín dụng đen cũng như lừa đảo tài chính. Với thực tế như vậy, tôi cho rằng, cách tiếp cận thận trọng hiện tại của các cơ quan quản lý là phù hợp và cần thiết.

Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không tạo điều kiện để các hình thức, các dịch vụ tài chính mới phát triển. Tư duy mới và mở là luôn cần thiết, nhất là trong bối cảnh thị trường tài chính ngày càng phát triển nhanh như hiện nay. Những chủ trương và chính sách gần đây cho thấy, Chính phủ vẫn đang hết sức quan tâm và chỉ đạo sát sao các cơ quan có liên quan nhằm sớm đưa ra được khuôn khổ pháp lý để quản lý cũng như thúc đẩy sức phát triển của các hình thức và dịch vụ tài chính mới và hiện đại.

Mục tiêu hướng tới là tạo ra một môi trường lành mạnh để các công ty phát triển tốt, các ý tưởng sáng tạo đột phá có giá trị được hiện thực hóa, người dân được hưởng các dịch vụ tốt nhất và nền kinh tế - tài chính quốc gia phát triển ổn định, bền vững.

Tin bài liên quan