Du khách quốc tế thích thú với trải nghiệm tại Việt Nam.

Du khách quốc tế thích thú với trải nghiệm tại Việt Nam.

Cơ hội bứt phá cho du lịch Việt

Du lịch toàn cầu đang phục hồi mạnh mẽ, đồng thời mở ra 2 xu hướng mới là công nghệ thông minh và du lịch bền vững. Khai thác hợp lý và hiệu quả 2 trụ cột này, du lịch Việt Nam có thể vươn lên thành điểm đến hàng đầu khu vực.

Giá trị xuất khẩu từ du lịch đạt mức kỷ lục 1.900 tỷ USD

Theo Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism), ước tính có hơn 1,4 tỷ người đã đi du lịch quốc tế vào năm 2024, phục hồi 99% so với mức trước đại dịch Covid-19. So với năm 2023, nhu cầu du lịch tăng 11%, tương đương 140 triệu lượt khách du lịch quốc tế.

Con số này đến từ sự tăng trưởng mạnh mẽ của các thị trường nguồn lớn và sự phục hồi liên tục của các điểm đến ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cụ thể, Trung Đông đón 95 triệu lượt khách quốc tế, tăng 32% so với mức trước đại dịch; châu Phi đón 74 triệu lượt khách, tăng 9%; châu Âu ghi nhận 747 triệu lượt khách; châu Mỹ đón 213 triệu lượt khách, riêng khu vực Caribe và Trung Mỹ vượt mức năm 2019; châu Á - Thái Bình Dương đón 316 triệu lượt khách.

Đặc biệt, tổng giá trị xuất khẩu từ du lịch trên toàn cầu (bao gồm cả vận chuyển hành khách) ước tính đạt mức kỷ lục 1.900 tỷ USD trong năm 2024, tăng khoảng 3% so với năm 2019. Trong khi đó, tổng thu từ du lịch quốc tế đạt 1.600 tỷ USD trong năm 2024, tăng 3% so với năm 2023 và 4% so với năm 2019. Mức chi tiêu trung bình của mỗi lượt khách quốc tế ước tính đạt 1.100 USD vào năm 2024, cao hơn mức trung bình 1.000 USD trước đại dịch.

UN Tourism dự báo, năm 2025, lượng khách du lịch quốc tế sẽ tăng 3 - 5% so với năm 2024 nếu khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục đà phục hồi, trong khi các khu vực khác duy trì tăng trưởng ổn định. Đây là dự báo ban đầu của UN Tourism trong điều kiện kinh tế toàn cầu vẫn thuận lợi, lạm phát tiếp tục giảm và căng thẳng địa chính trị không leo thang. Triển vọng phản ánh sự ổn định của tốc độ tăng trưởng sau khi lượng khách quốc tế phục hồi mạnh vào năm 2023 (tăng 33% so với năm 2022) và năm 2024 (tăng 11% so với năm 2023).

Chỉ số Niềm tin du lịch mới nhất của UN Tourism cũng phản ánh những kỳ vọng tích cực này. Khoảng 64% chuyên gia du lịch của UN Tourism đánh giá, năm 2025, triển vọng “tốt hơn” hoặc “tốt hơn nhiều” so với năm 2024. Khoảng 26% cho rằng, năm 2025 sẽ duy trì tương tự năm 2024; chỉ có 9% cho rằng, năm 2025 sẽ “tệ hơn” hoặc “tệ hơn nhiều” so với năm 2024.

Hai trụ cột của du lịch toàn cầu và cơ hội cho Việt Nam

Theo UN Tourism, năm 2025, lượng khách du lịch quốc tế có thể tăng 3 - 5% nếu khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục phục hồi. Tuy nhiên, ngành du lịch vẫn đối mặt với những thách thức như chi phí tăng cao, bất ổn địa chính trị và thiếu hụt lao động.

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông minh và các giải pháp phát triển bền vững đang thúc đẩy sự chuyển đổi sâu sắc ngành du lịch toàn cầu.

Phân tích về những trụ cột định hình ngành “công nghiệp không khói” trong năm 2025, TS. Justin Matthew Pang (Đại học RMIT Việt Nam) cho rằng, công nghệ thông minh, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành động lực thúc đẩy đổi mới, mang lại hiệu quả và thay đổi căn bản trong cách thức hoạt động của ngành du lịch. AI cung cấp các ứng dụng tiềm năng vô tận để giải quyết những thách thức cấp bách như tình trạng thiếu hụt lao động nhằm nâng cao sự hài lòng và trải nghiệm cho du khách; góp phần nâng cao hiệu suất khai thác nguồn tài nguyên của du lịch, thúc đẩy thực hành bền vững hơn trong ngành.

“AI đang cách mạng hóa du lịch với chatbot cá nhân hóa hành trình, nhận diện khuôn mặt giúp rút ngắn thủ tục sân bay và phân tích dữ liệu lớn để hiểu rõ nhu cầu du khách. Xu hướng này thúc đẩy du lịch thông minh, thân thiện với môi trường, đặc biệt thu hút thế hệ trẻ. Đồng thời, nó khuyến khích các bên liên quan liên tục đổi mới, phát triển sản phẩm du lịch bền vững, mang lại lợi ích cho cộng đồng và môi trường”, TS. Justin Matthew Pang chia sẻ.

Ông Saadi Salama, Đại sứ Palestine tại Việt Nam, Trưởng đoàn Ngoại giao tại Việt Nam nhận định, Việt Nam sở hữu cảnh quan tuyệt đẹp và di sản văn hóa phong phú, nhưng để phát huy tối đa lợi thế này, cần thực thi hiệu quả các chính sách bảo tồn và chống biến đổi khí hậu. Ông nhấn mạnh, hợp tác công - tư trong phát triển hạ tầng bền vững và du lịch sinh thái sẽ giúp cải thiện kết nối, nâng cao trải nghiệm du khách. Đồng thời, việc quảng bá các điểm đến ít được biết đến sẽ giảm áp lực lên những khu vực quá tải như Sapa, Hạ Long hay Hội An.

Cũng theo Đại sứ Saadi Salama, Việt Nam cần thúc đẩy du lịch xanh, chứng chỉ du lịch bền vững và gia tăng kết nối với các ngành khác nhằm hướng đến mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0. Điều này không chỉ bảo vệ tài nguyên, mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, thu hút phân khúc du khách cao cấp hơn.

Đồng quan điểm, TS. Phạm Hương Trang (Đại học RMIT Việt Nam) chỉ ra rằng, Việt Nam đang trở thành điểm đến lý tưởng cho du lịch trải nghiệm và bền vững. Những lợi thế này không chỉ đáp ứng nhu cầu của thị trường cao cấp, mà còn giúp Việt Nam cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, chiến lược blockchain quốc gia đang mở ra cơ hội chuyển đổi số, nâng cao khả năng cạnh tranh. “Việc kết hợp các thế mạnh về tài nguyên với tiến bộ công nghệ và các sáng kiến bền vững sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam vươn mình, dẫn đầu thị trường du lịch khu vực. Để đạt được mục tiêu này, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức giáo dục... Đây cũng là chìa khóa thành công bền vững của du lịch Việt Nam”, TS. Phạm Hương Trang nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, với tiềm năng di sản văn hóa phong phú, cảnh quan thiên nhiên độc đáo và chiến lược tích hợp công nghệ, bằng cách khai thác hợp lý 2 trụ cột công nghệ thông minh và du lịch bền vững, Việt Nam có thể tạo ra bước đột phá mạnh mẽ, khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch toàn cầu.

Tin bài liên quan