Có tới nhiều lý do rất thuyết phục để Ban Tổ chức Diễn đàn chọn chủ đề này cho năm 2015. Đầu tiên phải kể tới chương trình tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó cải cách khối doanh nghiệp nhà nước và khối ngân hàng thương mại là trọng tâm, tạo điều kiện căn bản cho những kế hoạch M&A rất lớn diễn ra.
Tiếp đó là xu hướng trỗi dậy mạnh mẽ của khối kinh tế tư nhân, và công cụ M&A được lựa chọn như một giải pháp quan trọng để các doanh nghiệp này mở rộng quy mô và chiếm lĩnh thị phần.
Tiếp đến là sự tham gia thị trường M&A của các nhà đầu tư ngoại đến từ Nhật Bản, ASEAN, châu Mỹ, châu Âu đang có sự quan tâm đặc biệt tới các lĩnh vực bán lẻ, tiêu dùng, công nghiệp, viễn thông… thông qua con đường M&A để thâm nhập thị trường Việt Nam.
Nhưng quan trọng nhất có lẽ kinh tế vĩ mô đã ổn định và đang lấy lại đà tăng trưởng, việc cải cách thể chế và khung khổ pháp lý cho hoạt động M&A đang ngày một hoàn thiện hơn.
Những lý do trên là cơ sở quan trọng, nhưng sẽ là thiếu nếu không nhìn vào thực tế đang diễn ra một cách sống động.
Trong lĩnh vực ngân hàng có thể kể đến các thương vụ như Sacombank – SouthernBank, BIDV – MHB, Vietinbank – PGBank… Hay như trong câu chuyện cảng biển, cảng hàng không liên tục thấy các đề xuất mua lại cổ phần cảng Sài Gòn, cảng Quảng Ninh…từ các các tập đoàn tư nhân lớn như Vingroup, T&T.
Trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, không thể không kể tới thông tin tỷ phú Thái Lan, ông chủ của Tập đoàn ThaiBev đề xuất mua lại nguyên hệ thống của Metro Việt Nam, Power Buy mua lại Nguyễn Kim…
Nhưng chưa hết, các thương vụ trên được nhiều người biết tới bởi mật độ xuất hiện liên tục trên các phương tiện truyền thông, thị trường M&A còn nhiều thương vụ “độc đáo” không kém, trong đó đã xuất hiện xu hướng mới là doanh nghiệp Việt Nam thực hiện M&A ra nước ngoài.
Chẳng hạn, Viettel đã mua 60% vốn của Công ty Viễn thông Teleco (Haiti), hay mới đây nhất là Đức Long Gia Lai mua lại công ty sản xuất linh kiện điện tử ANSEN của Mỹ, một thương vụ được coi là chưa có tiền lệ tại cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Tất cả những dữ kiện trên cho thấy một thị trường M&A đang đứng trước những cơ hội bùng nổ. Theo Ban tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam thì giai đoạn 2014-2018, đang diễn ra một làn sóng thứ hai với tổng giá trị M&A dự báo lên tới 20 tỷ USD.
Từ quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, M&A là một công cụ tốt trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, đóng góp vào quá trình tái cấu trúc nền kinh tế. Nuôi dưỡng và tạo điều kiện cho thị trường M&A phát triển sẽ là một giải pháp quan trọng để thúc đẩy sự phát triển bền vững của kinh tế Việt Nam.