Số tiền 6 triệu USD được các DN giải thích là khoản bồi thường thiệt hại của đối tác nước ngoài - Ảnh: Hoài Nam

Số tiền 6 triệu USD được các DN giải thích là khoản bồi thường thiệt hại của đối tác nước ngoài - Ảnh: Hoài Nam

Có hay không việc 4 DN dược hưởng 6 triệu USD hoa hồng?

(ĐTCK-online) Một trong những tâm điểm thu hút sự chú ý của nhà đầu tư trên TTCK sáng 7/9 là thông tin “4 công ty mua Tamiflu hưởng 6 triệu USD tiền ‘hoa hồng’” (trong đó có 2 DN niêm yết là CTCP Dược phẩm Cửu Long và CTCP Imexpharm).

>> Chữ tâm, chữ tiền!

Tuy nhiên, ngay trong ngày báo chí đăng tải kết luận này, các DN dược đã có công văn gửi một số cơ quan báo chí cho rằng, thông tin được đăng tải là chưa chính xác, dễ dẫn đến sự hiểu lầm của dư luận. Các DN đồng thời có công văn kiến nghị khẩn cấp gửi các cơ quan chức năng nói rõ hơn về vụ việc này.

Để rộng đường dư luận, ĐTCK xin giới thiệu một số nội dung trong Công văn kiến nghị của DN gửi cơ quan chức năng. Thông tin về vụ việc sẽ được ĐTCK tiếp tục truyền thông nhiều chiều khi có diễn biến mới.

Theo thông tin từ 3 DN gồm CTCP Dược phẩm Phú Yên, CTCP Dược phẩm Imexpharm và Công ty TNHH Stada thì ngày 21/11/2005, Bộ Y tế đã đặt hàng 5 triệu viên nang Oseltamivir 75 mg cho mỗi DN, nhưng sau đó, đến ngày 9/12/2005, lại điều chỉnh thành đặt hàng 10 triệu viên, sau đó lại chỉnh thành 7,5 triệu viên và cuối cùng hợp đồng chính thức ký là 5 triệu viên vào ngày 17/1/2006 với mức giá ấn định là 27.765,5 đồng/viên. Thực tế này đặt các DN vào “tình cảnh” nếu DN không ký hợp đồng với Bộ Y tế thì sẽ mất tiền cọc mua nguyên liệu với đối tác nước ngoài (2 triệu USD cho mỗi DN) và nếu chấp nhận thì phải chịu lỗ do giá của Bộ Y tế ấn định thấp hơn giá thành.

Trước khả năng thua lỗ do tham gia thực hiện dự án sản xuất thuốc Oseltamivir 75 mg, cả 3 DN đã phải vận dụng tối đa mọi điều khoản trong hợp đồng để thương lượng với nhà cung cấp nhằm giảm thiệt hại. Cuối cùng, các DN đã vận dụng được một điều khoản trong hợp đồng chuyển giao công nghệ và cung ứng nguyên liệu giữa nhà cung cấp và các DN là “STADA đảm bảo rằng mỗi kg sẽ sản xuất ra số viên tối thiểu là 10.100 viên nang sản phẩm. STADA IE chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sản xuất cho ra sản lượng dưới số lượng tối thiểu trên”. Các DN đã thành công trong việc yêu cầu Công ty Stasa IE  bồi thường thiệt hại do sản lượng thực tế thấp hơn so với sản lượng đã thỏa thuận với khoản bù thiệt hại cho các công ty gồm 986.000 USD cho Imexpharm; 930.000 USD cho Stada Việt Nam và 930.000 USD cho CTCP Dược phẩm Phú Yên. Các công ty này đã hạch toán số tiền trên vào việc giảm chi phí giá vốn hàng bán để bù khoản thiệt hại trong quyết toán từ quý I/2006. Bản báo cáo quyết toán tài chính năm 2006 của các DN đã được kiểm toán xác nhận và thông qua đại hội đồng cổ đông năm 2006 cũng như đã thực hiện nghĩa vụ nộp thuế với ngân sách nhà nước.

Các DN trên khẳng định rằng, tổng số tiền trên không phải là khoản giảm giá nguyên vật liệu theo hợp đồng kinh tế được ký kết giữa với Bộ Y tế, mà thực chất là khoản bồi thường thiệt hại mà các DN đã phải mất rất nhiều thời gian để thương thảo với Stada IE Hồng Kông mới được chấp thuận đền bù và đã được hạch toán, quyết toán trong năm 2006.

Theo văn bản kiến nghị gửi cơ quan chức năng ngày 7/9/2010, các DN khẳng định việc bắt họ nộp lại số tiền trên là không có cơ sở pháp lý, bởi các bên đã thực hiện đầy đủ hành vi thương mại theo luật định, đã hạch toán theo đúng nguyên tắc kế toán. Không có chuyện hạch toán ngoài sổ hay lập quỹ đen trái phép.

 

Ông Nguyễn Thanh Tòng

Phó chủ tịch HĐQT, phụ trách công bố thông tin CTCP Dược phẩm Cửu Long (DCL)

Ngày 7/9/2010, DCL đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ giải trình về việc thực hiện sản xuất thuốc có hoạt chất Oselatamivir bán cho Bộ Y tế. Theo đó, ngày 17/1/2005, DCL có ký hơp đồng kinh doanh với Bộ Y tế để sản xuất theo đơn đặt hàng của Bộ Y tế, số lượng 5 triệu viên Oselatamivir 75 mg. Trong đó, đợt 1 sản xuất 2,5 triệu viên nang thành phẩm, thời gian giao hàng chậm nhất vào ngày 28/2/2006, đợt 2 (số còn lại) 2,5 triệu viên dự trữ dưới dạng nguyên liệu. Tổng giá trị của Hợp đồng là 138,8 tỷ đồng. DCL là công ty niêm yết, công ty đại chúng, vốn nhà nước nắm giữ 35,3%, căn cứ vào Luật Doanh nghiệp, căn cứ vào Hợp đồng đã ký với Bộ Y tế, coi như Công ty đã thực hiện và thanh lý xong hợp đồng.

Về khoản tiền 3,848 triệu USD, thực chất đây không phải là khoản hoa hồng như những gì báo chí đã đưa, mà chỉ là khoản nợ chậm trả nước ngoài chưa đến ngày thanh toán. Trong tổng số 9 triệu USD nợ mua nguyên vật liệu nước ngoài để phục vụ cho việc sản xuất 5 triệu viên thuốc phòng chống H5N1, DCL đã thanh toán được hơn 5 triệu USD, số tiền còn lại là 3,8 triệu USD, theo hợp đồng ký kết với đối tác nước ngoài cách đây 5 năm thì đến ngày 31/12/2010 mới đến hạn thanh toán với lãi suất trả chậm là 4%. Công ty cũng đã có báo cáo với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Vĩnh Long và đã được Ngân hàng xác nhận đăng ký khoản vay nợ trả chậm nước ngoài.

Còn tại sao đây là khoản tiền để ngoài báo cáo tài chính thì đó là do các tài liệu liên quan đến Hợp đồng trên đều đóng dấu mật, tối mật, tuyệt mật của Chương trình quốc gia phòng dịch cúm H5N1 nên Công ty mở sổ riêng để theo dõi riêng khoản nợ với nước ngoài.