Theo đó, ngày 14/6/2012, ông Đặng Công Hiền mua một chiếc xe ô tô Camry (mới 100%) của TOYOTA Long Biên. Đến ngày 29/6/2012, ông Hiền ký Hợp đồng bảo hiểm với Công ty Bảo Việt Hà Nội và nhận Giấy chứng nhận bảo hiểm với mức phí là 26 triệu đồng.
Theo ông Hiền, khoảng 21h ngày 1/7/2012, khi từ nhà bạn ở thị xã Từ Sơn về, lúc đưa xe vào nơi đỗ xe, ông Hiền đã dẫm nhầm chân ga sang chân phanh nên xe đâm vào bức tường nhà điều hành của Công ty
Tuy nhiên, sau đó Bảo hiểm Bảo Việt Hà Nội, đơn vị cấp đơn bảo hiểm, đã từ chối bồi thường, do nghi ngờ ông Hiền có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm. Vì vậy, ông Hiền đã khởi kiện ra TAND quận Hoàn Kiếm.
Tại phiên sơ thẩm, trong phần thẩm vấn, các đương sự đều thừa nhận việc mua bảo hiểm. Vấn đề chỉ là liệu tổn thất của chiếc xe Camry có nằm trong phạm vi bảo hiểm hay không.
Theo nguyên đơn, tai nạn là có thật và thuộc vào rủi ro được bảo hiểm nên ông yêu cầu Tòa án buộc Bảo hiểm Bảo Việt bồi thường cho mình khoản tổn thất là 176 triệu đồng căn cứ vào chi phí sửa chữa, chi phí giám định…
Trong khi đó, phía Bảo hiểm Bảo Việt nêu ra sự nghi ngờ có dấu hiệu cho thấy ông Hiền có hành vi trục lợi. Bởi lẽ, vào ngày 26/6, khi đến salon ô tô mua xe, ông Hiền đã được nhân viên Bảo hiểm Bảo Việt tư vấn mua bảo hiểm cho xe, nhưng ông lại không mua, đến ngày 29/6, ông Hiền mới mua bảo hiểm, thanh toán phí qua tài khoản và không trực tiếp đến nhận Giấy chứng nhận bảo hiểm. Chỉ sau 2 ngày mua bảo hiểm, vụ tai nạn đã xảy ra khi trời về đêm, tại một nơi đồng không mông quạnh. Đồng thời, khi bắt tay vào giám định chi tiết, Bảo hiểm Bảo Việt phát hiện trên xe có một lớp bụi mờ không phù hợp với tình trạng xe gặp mưa.
Trong quá trình giải quyết bồi thường, hai bên đã có nhiều lần làm việc, có biên bản thể hiện nhiều điểm mâu thuẫn trong tai nạn mà Bảo hiểm Bảo Việt nêu ra, nhưng ông Hiền chỉ trả lời là “Tôi không biết”. Theo đại diện Bảo hiểm Bảo Việt, vụ tai nạn đã xảy ra trước thời điểm mua bảo hiểm hoặc là người điều khiển phương tiện có những vi phạm quy định pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Căn cứ quan trọng mà Bảo hiểm Bảo Việt đưa ra đó là Kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an): dấu vết trên nắp máy (capo) xe ô tô không phù hợp với dấu vết rạn nứt, bong tróc ở mặt ngoài bức tường nhà điều hành Công ty Nam Đạt: “Vết xước biến dạng hằn xước kim loại ở mặt trước bên phải nắp máy capo không phải bề mặt phẳng tạo ra”. Theo Bảo hiểm Bảo Việt, kết luận này cho thấy, đây không phải hiện trường thật của vụ tai nạn và khi khách hàng khai không đúng sự thật thì Bảo hiểm Bảo Việt có quyền từ chối bồi thường.
Tại phiên xét xử, đại diện Bảo hiểm Bảo Việt nhiều lần nhấn mạnh, là đơn vị có vốn nhà nước, Bảo hiểm Bảo Việt phải thực hiện theo đúng quy trình quy định. Khi cơ quan chức năng đã có kết luận giám định như trên thì Bảo hiểm Bảo Việt không thể bồi thường cho khách hàng được.
Không chấp nhận kết luận giám định này, trong quá trình giải quyết vụ án, ông Hiền đã đề nghị Tòa án trưng cầu giám định khác. Lần này Viện Khoa học hình sự (Bộ Quốc phòng) đã vào cuộc và kết luận: ốp để gắn biển số xe phía trước đầu xe va chạm với một mặt cứng cố định tương đối thẳng từ trước về sau. Đây là kết quả giám định độc lập của các cơ quan có uy tín, nhưng lại không được nguyên đơn chấp nhận.
Sau một ngày làm việc, nhận thấy vụ án phức tạp, HĐXX đã quyết định kéo dài thời gian nghị án và sẽ tuyên án vào ngày 27/8.