Biến động mạnh nhất là cuối phiên
Ðóng cửa phiên giao dịch ngày 15/8/2019 tại 890,78 điểm, VN30 tăng 10,27 điểm so với phiên liền trước. Ðầu phiên, chỉ số giảm 12,58 điểm, nhưng cuối phiên đột ngột tăng mạnh, khiến mức biến động trong phiên lên đến gần 23 điểm.
Việc VN30 dao động với biên độ lớn trong phiên đáo hạn hợp đồng tương lai VN301908 khiến nhiều nhà đầu tư một lần nữa đặt nghi vấn về việc có hay không dòng tiền lớn chủ đích “lái” chỉ số, nhất là vào thời điểm cuối phiên.
Biến động chỉ số VN30 quanh thời gian đáo hạn hợp đồng tương lai trong năm 2019
|
|||||
Tháng
|
Phiên đáo hạn hợp đồng
|
||||
Mở cửa |
Thấp nhất |
Cao nhất |
Đóng cửa |
Chênh lệch cao nhất/thấp nhất (%) |
|
8/2019 (15/8) |
874,42 |
867,95 |
890,78 |
890,78 |
2,63 |
7/2019 (18/7) |
879,66 |
870,81 |
879,66 |
870,81 |
1,01 |
6/2019 (20/6) |
854,90 |
867,91 |
853,96 |
864,59 |
1,63 |
5/2019 (16/5) |
893,70 |
891,93 |
896,34 |
891,93 |
0,05 |
4/2019 (18/4) |
884,29 |
876,20 |
887,48 |
877,02 |
1,31 |
3/2019 (21/3) |
924,22 |
907,87 |
928,32 |
907,87 |
2,14 |
2/2019 (21/2) |
912,83 |
911,38 |
926,09 |
926,09 |
1,61 |
1/2019 (17/1) |
864,15 |
853,34 |
864,15 |
853,34 |
1,27 |
Cụ thể, thống kê mức biến động VN30 trong các phiên đáo hạn hợp đồng tương lai từ đầu năm 2019 đến nay cho thấy, 7/8 phiên có mức chênh lệch cao nhất và thấp nhất của chỉ số trong phiên lớn hơn 1%. 6/8 phiên có mức cao nhất, hoặc thấp nhất trong ngày được xác lập vào thời điểm cuối phiên, với chênh lệch lớn về điểm số với xu hướng trước đó.
Một số phiên giao dịch đáng chú ý khác có thể kể đến như phiên 16/5, chỉ số duy trì sắc xanh trong phần lớn thời gian giao dịch, nhưng đột ngột giảm sâu về cuối phiên và đóng cửa ở mức thấp nhất trong ngày. Giá các hợp đồng tương lai có diễn biến tương tự.
Hay trong tháng 3/2019, phiên giao dịch đáo hạn hợp đồng tương lai gây bất ngờ khi áp lực bán tăng mạnh trong những phút cuối, khiến thị trường chìm sâu trong sắc đỏ. Cuối phiên, VN30 giảm 16,25 điểm. Cùng với hoạt động bán ồ ạt trên thị trường cơ sở, tất cả các hợp đồng tương lai đều bị bán mạnh trong phiên chiều, các lệnh bán có khối lượng lớn xuất hiện dày đặc. Tình trạng tương tự xảy trong phiên giao dịch đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 1/2019.
Ngược lại, diễn biến trong phiên giao dịch đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 2/2019 có phần giống phiên giao dịch ngày 16/8, khi chỉ số VN30 tăng gần 10 điểm trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC) nhờ lực kéo mạnh của dòng tiền vào các cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, VHM, VRE, SAB, VNM, MSN…, dù số mã giảm giá trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM chiếm tỷ lệ áp đảo, giúp những nhà đầu tư có vị thế mua trên sàn phái sinh đạt mức lãi ngoài mong đợi.
Bàn tay vô hình hay hữu hình?
Thị trường đang đồn đoán về việc đã có đơn vị tại Việt Nam đầu tư hẳn chương trình giao dịch tự động (robot) có khả năng tính toán khối lượng và thời gian đặt lệnh theo các kịch bản được tính toán sẵn, đủ để tác động lên chỉ số VN30 hay giá hợp đồng tương lai.
Nghi vấn này dựa trên thực tế tại một số thị trường quốc tế, các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp cũng thường sử dụng phần mềm thông minh nhân tạo trong giao dịch. Tại Việt Nam, chưa công ty chứng khoán nào thừa nhận sử dụng hệ thống giao dịch tự động, nhưng nếu có thì chi phí để lái giá hợp đồng tương lai của các “dòng tiền lớn” sẽ ngày càng giảm.
Nguyên nhân là bởi nếu muốn đẩy hay đè chỉ số, “dòng tiền lớn” sẽ chỉ cần tạo hiệu ứng mồi bằng cách đẩy các lệnh mua/bán vào thị trường giúp xu hướng giá của các hợp đồng tương lai thay đổi đủ để tạo ra tín hiệu kỹ thuật.
Khi các “hệ thống” giao dịch đã nhận ra tín hiệu, hiệu ứng đám đông sẽ tự động đẩy xu hướng chỉ số đi theo định hướng và “dòng tiền lớn” có thể hiện thực hóa lợi nhuận bằng việc đóng các vị thế đã mua/bán trước đó ở mức giá tốt hơn.
Với sự tham chiếu trên chỉ số VN30, nhất là khi đáo hạn, mức giá thanh toán của hợp đồng tương lai sẽ là giá đóng cửa của VN30, việc điều chỉnh chỉ số cũng là yếu tố quan trọng nhưng điều này được đánh giá không quá khó khăn. Trong VN30 hiện nay, một số cổ phiếu giá trị vốn hóa lớn nhưng thanh khoản thấp, nên không mất quá nhiều nguồn lực để có thể điều chỉnh giá.
Thực tế, tình trạng trên thường xuyên diễn ra, không chỉ trong những phiên hợp đồng tương lai đáo hạn, mà ở nhiều thời điểm khác trong phiên, tập trung vào cuối quý, cuối năm, khi các nhà đầu tư tổ chức chốt giá trị tài sản ròng để tính toán hiệu quả đầu tư và so sánh với chỉ số tham chiếu.
Ở các phiên giao dịch đó, không ít lần xuất hiện những lệnh được đặt với khối lượng đủ lớn vào những thời điểm nhạy cảm cuối phiên. Kết quả, giá một số cổ phiếu vốn hóa lớn đóng cửa chênh lệch lớn với mặt bằng lệnh mua/bán “lót” bên dưới.
Ðiều chỉnh mức chỉ số thông qua điều chỉnh giá của cổ phiếu cơ sở sẽ tốn không ít chi phí, nhưng chi phí này có thể bù đắp bằng lợi nhuận từ sàn phái sinh mang lại, khi hiệu ứng đòn bẩy từ 6 - 7 lần của các hợp đồng tương lai cho phép tìm kiếm lợi nhuận lớn, dù quy mô vốn nhỏ hơn trên thị trường cổ phiếu cơ sở.
Rủi ro đi cùng cơ hội
Dù có hay không những chủ thể chuyên lái chỉ số thì việc điều chỉnh mang tính chủ đích lên chỉ số VN30 và giá của các hợp đồng tương lai khi đáo hạn thông qua các hệ thống giao dịch tự động chưa hẳn là hành vi vi phạm. Giao dịch nếu không vi phạm quy định pháp lý, quy chế giao dịch thì đó là quyền của nhà đầu tư.
Về dài hạn, tình trạng biến động mạnh của chỉ số được kỳ vọng sẽ giảm dần khi quy mô thị trường lớn hơn, các chủ thể tham gia nhiều hơn (bao gồm nhà đầu tư cá nhân và tổ chức), khiến tác động có chủ đích của một vài dòng tiền lớn không đủ để tạo ra hiệu ứng chi phối lên thị trường.
Hay số lượng doanh nghiệp quy mô lớn lên niêm yết nhiều hơn sẽ giúp các bộ chỉ số sàng lọc được các cổ phiếu có tính thị trường đủ lớn, thay thế cho các cổ phiếu ít thanh khoản hiện nay, từ đó việc tác động lên một vài cổ phiếu để “đánh” chỉ số khó có thể thực hiện.
Hiện tại, với tình trạng thị trường thường xuyên biến động lớn do các dòng tiền có chủ đích tập trung vào một số cổ phiếu vốn hóa lớn, qua đó tác động đến chỉ số VN30 và giá các hợp đồng tương lai trong các phiên đáo hạn, các nhà đầu tư nhỏ lẻ đối diện với nguy cơ rủi ro cao, nhưng đây cũng là cơ hội tìm kiếm lợi nhuận cho những nhà đầu tư bắt đúng xu hướng.
Thực tế, một số nhà đầu tư đã thực hiện chiến lược đầu cơ và chấp nhận rủi ro thua lỗ để đánh đổi lấy khả năng thu được lợi nhuận lớn trong phiên hợp đồng tương lai đáo hạn.
Theo đó, họ sẽ mua/bán ngược với xu hướng thị trường trong phiên. Mở vị thế mua nếu thị trường giảm mạnh và mở vị thế bán nếu thị trường tăng mạnh trong phiên đáo hạn, với kỳ vọng kiếm lợi nhuận từ biến động đảo chiều của chỉ số về cuối phiên.
Ngược lại, không ít nhà đầu tư thận trọng cho biết, họ chủ động thoát vị thế từ trước và ngưng giao dịch trong phiên giao dịch đáo hạn, bởi e ngại thị trường biến động nằm ngoài quy luật và khả năng phân tích, chiến thuật giao dịch, tương ứng tiềm ẩn rủi ro không kiểm soát được.
Sự thiếu hoàn thiện của thị trường tiềm ẩn rủi ro, nhưng cũng mang đến cơ hội. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần tự bảo vệ mình bằng việc hiểu biết rõ sản phẩm, vị thế và chiến thuật giao dịch, thay vì chạy theo đám đông, nhất là với kênh đầu tư có tính rủi ro cao như sản phẩm phái sinh nói chung, hợp đồng tương lai nói riêng.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Nhà đầu tư tại Hà Nội: Chi phí lái chỉ số sẽ rất lớn
Ở bất kỳ thị trường nào thì cũng có một bộ phận nhà đầu tư lớn, hay còn gọi tay chơi lớn tham gia để tìm kiếm lợi nhuận và khó tránh khỏi có các hành vi “lái giá”. Tuy nhiên, việc xác định phần giao dịch nào đến từ những tay chơi lớn trong con số tổng thị trường là điều khó khăn.
So với các nhà đầu tư cá nhân, họ có nhiều lợi thế, ngoài việc có “hàng” để chi phối, họ còn có tiền, các công cụ giao dịch và nhạy bén với thông tin thị trường. Do đó, khi đã tham gia vào thị trường thì rủi ro như vậy là không thể tránh khỏi, nhà đầu tư nên làm quen với những hiện tượng như vậy, quan trọng hơn là hãy xác định cho mình cách giao dịch riêng và ưu tiên quản trị rủi ro danh mục.
Tuy nhiên, nếu nói một bộ phận nào đó tác động vào chỉ số VN30 để phục vụ cho giao dịch phái sinh thì tôi cho là chưa đủ cơ sở. Bởi vì, dù thanh khoản của chứng khoán phái sinh tăng khá mạnh, nhưng lợi nhuận thu về từ giao dịch trên thị trường này còn thấp, thậm chí thấp hơn nhiều chi phí phải bỏ ra cho việc tác động vào VN30 để “đánh lên, đánh xuống”.
Khi chỉ số biến động nhanh và mạnh, nhiều nhà đầu tư có suy nghĩ, chỉ số đang bị bóp méo để phục vụ cho một bộ phận nhà đầu tư lớn. Ðó chủ yếu là hiện tượng, vì lợi ích từ TTCK phái sinh còn nhỏ so với việc “điều khiển” chỉ số trên TTCK cơ sở.
Trong một số trường hợp, trái ngược với lý thuyết, các biến động lớn trên giá các hợp đồng tương lai có thể tác động tiêu cực và kích thích việc bán ra trên thị trường cơ sở. Khi thị trường cơ sở tiếp tục giảm sẽ kích hoạt sự chấp nhận các mức giá thấp hơn cho vị thế bán của các hợp đồng tương lai, vòng xoáy đó nối tiếp trong các nhịp giảm trong phiên và tạo ra các phiên giảm với biên độ lớn.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng: Thật khó để nói rằng TTCK phái sinh không có dòng tiền chủ đích tác động vào chỉ số
Thật khó để nói rằng TTCK phái sinh không có dòng tiền chủ đích tác động vào chỉ số vì những lý do sau. Thứ nhất, chênh lệch giữa giá chứng khoán phái sinh và chỉ số cơ sở nhiều thời điểm rất lớn, thậm chí có thể ngược nhau. Ðiều này có thể giải thích do sự kỳ vọng của nhà đầu tư khác nhau, nhưng thị trường thường xuyên xảy ra tình trạng như vậy thì nhiều khả năng là có dòng tiền định hướng.
Thứ hai, TTCK phái sinh dù hoạt động được 2 năm nhưng sản phẩm chủ đạo vẫn là hợp đồng tương lai chỉ số VN30 và mới đây có thêm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ. Sản phẩm phái sinh thứ hai có rất ít giao dịch, thậm chí có phiên không có giao dịch, vì đối tượng của trái phiếu chính phủ chủ yếu là các tổ chức, ngoài nhu cầu phòng vệ rủi ro lãi suất, họ hầu như không có nhu cầu giao dịch hưởng chênh lệch giá.
Như vậy, sản phẩm trên sàn phái sinh đơn giản, ít sản phẩm, đòn bẩy cao hơn thị trường cơ sở, giao địch dược 2 chiều, ghi nhận lãi - lỗ đầu tư ngay lập tức, nên dòng tiền tác động vào thị trường dễ hơn.
Tuy nhiên, TTCK phái sinh hấp dẫn ở chỗ, thị trường có diễn biến tăng hay giảm, chỉ cần nhà đầu tư nhận định đúng xu hướng và hành động phù hợp thì có thể đạt được lợi nhuận ở bất kỳ thời điểm nào. Thậm chí, thời điểm thị trường cơ sở xấu, giao dịch èo uột thì nhà đầu tư phái sinh có cơ hội hưởng lợi lớn hơn. Thực tế cho thấy, những lúc như thế, thị trường nhận được dòng tiền nhiều hơn, thanh khoản cao hơn, giao dịch sôi động hơn ngày thường.
Ðể TTCK phái sinh hấp dẫn hơn nữa, thu hút dòng tiền và giao dịch sôi động ở nhiều thời điểm, cần đa dạng sản phẩm như quyền chọn, hoán đổi (swap)...