Có hay không có TPP, không ngăn cản Việt Nam tiếp tục quá trình hội nhập hóa

Có hay không có TPP, không ngăn cản Việt Nam tiếp tục quá trình hội nhập hóa

(ĐTCK) Phát biểu tại diễn đàn VBF 2017, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định Việt Nam luôn xác định lấy hội nhập kinh tế là trọng tâm trong hội nhập quốc tế.

Cùng với việc thúc đẩy thiết lập liên kết khu vực kinh tế trong nước và doanh nghiệp FDI, Diễn đàn Doanh nghiệp (VBF) 2017 vừa khai mạc sáng 16/6 tại Hà Nội cũng đã dành phần khá lớn chương trình nghị sự cho việc tập trung đánh giá và đưa ra những giải pháp nhằm duy trì và thu hút nguồn vốn của khu vực tư nhân, nhận định tác động của một số chính sách toàn cầu gần đây đến nền kinh tế Việt Nam cũng như rà soát một số luật liên quan đến đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, toàn cầu hoá đang là xu hướng tất yếu và ngày càng được mở rộng.

Toàn cầu hóa vừa mang đến cơ hội vừa mang đến thách thức cho các quốc gia, đặc biệt là những quốc gia có nền kinh tế năng động có độ mở cao như Việt Nam.

Năm 2017, kinh tế thế giới với những yếu tố tiềm ẩn khó lường, sự thay đổi chính sách quốc tế của một số quốc gia, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đã và đang tạo ra sự liên kết, hợp tác giữa các nước trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp độ (khu vực, toàn cầu, song phương, đa phương) là những yếu tố tác động không nhỏ tới đến nền kinh tế Việt Nam.

Với tinh thần thẳng thắn và xây dựng, tại Diễn đàn này, chúng tôi mong muốn các hiệp hội doanh nghiệp, các nhóm công tác của Diễn đàn đưa ra được những khuyến nghị hữu ích, khả thi để giúp các cơ quan Chính phủ hoàn thiện việc xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện chính sách một cách hiệu quả hơn

- Thứ trưởng Đặng Huy Đông

Trong bối cảnh đó, cùng với khu vực tư nhân trong nước, đầu tư nước ngoài đã trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam.

Đến nay, Việt Nam đã thu hút được 23.000 dự án FDI từ 116 quốc gia, đối tác với số vốn hơn 300 tỷ USD.

Khu vực doanh nghiệp FDI đóng góp 70% giá trị xuất khẩu, gần 22% GDP, tạo ra hàng triệu việc làm cũng như thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng.

Tuy nhiên, những lo ngại ngày càng tăng về sự phát triển không đồng đều giữa khu vực FDI và khu vực tư nhân trong nước, sự lan tỏa không đáng kể của kinh tế FDI sang kinh tế trong nước về mặt công nghệ và trình độ quản lý sang doanh nghiệp trong nước như kỳ vọng đang đặt ra nguy cơ xung đột về quan điểm trong việc thu hút vốn FDI ở Việt Nam.

Đây cũng là lý do vì sao Diễn đàn năm nay chọn chủ đề “Tăng cường liên kết khu vực đầu tư nước ngoài với đầu tư trong nước trong bối cảnh mới của nền kinh tế thế giới” để cùng tập trung đánh giá và đưa ra giải pháp nhằm duy trì và thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân, khả năng liên kết khu vực đầu tư trong nước với khu vực đầu tư nước ngoài, tác động của một số chính sách toàn cầu gần đây tới nền kinh tế Việt Nam cũng như rà soát một số luật liên quan đến đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật

Phân tích một cách cụ thể hơn, ông Đông cho rằng, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, hướng nhân loại vào nền văn minh trí tuệ với hai đặc trưng cơ bản là “xã hội thông tin” và “xã hội tri thức”, tạo ra sự liên kết, hợp tác giữa các nước trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp độ toàn cầu, khu vực, song phương, đa phương.

Với độ mở của nền kinh tế tương đối lớn, Việt Nam sẽ chịu tác động của những thay đổi nói trên và nhiệm vụ của chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới là tận dụng được cơ hội và hạn chế những thách thức trong bối cảnh mới.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh, dưới tác động của các chính sách toàn cầu và xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thông qua hoàn thiện thể chế, cải thiện khung pháp lý với những quy định thống nhất, tường minh.

Thời gian qua, nhiều đạo luật mới liên quan đến đầu tư kinh doanh được sửa đổi, ban hành như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Bộ luật Lao động, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Chứng khoán… thể hiện tinh thần sẵn sàng tiếp nhận thách thức và đổi mới của Chính phủ Việt Nam, sự trưởng thành của hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, ông Đông cũng thừa nhận khoảng cách giữa việc xây dựng và thực thi pháp luật còn khá lớn. Do đó, làm thế nào để xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật song hành là bài toán cấp bách hiện nay.

“Với tinh thần thẳng thắn và xây dựng, tại Diễn đàn này, chúng tôi mong muốn các hiệp hội doanh nghiệp, các nhóm công tác của Diễn đàn đưa ra được những khuyến nghị hữu ích, khả thi để giúp các cơ quan Chính phủ hoàn thiện việc xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện chính sách một cách hiệu quả hơn”, ông Đông đặt vấn đề.

Với tư cách là cơ quan đầu mối của Chính phủ trong việc tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp, Thứ trưởng khẳng định Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập hợp những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết.

“Chúng tôi đánh giá cao những kiến nghị hợp lý, xây dựng của cộng đồng doanh nghiệp cũng như tinh thần hợp tác, có trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc xem xét, giải quyết các khuyến nghị nhằm xây dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn và hiệu quả”, ông Đông bày tỏ.

Hội nhập kinh tế là trọng tâm trong hội nhập quốc tế

Ủng hộ quan điểm cần tăng cường mối liên kết giữa hai khu vực kinh tế, song đại diện Eurocham nêu khó khăn trong việc tiếp cận giữa doanh nghiệp FDI với DN trong nước.

“Để thu hẹp tiến tới xóa bỏ khoảng cách trong tiếp cận giữa hai khu vực chúng tôi có thể hỗ trợ Việt Nam trong viếc phát triển năng lượng tái tạo, công nghệ xanh để từ đó tham gia hiệu quả chuỗi giá trị toàn cầu”, đại diện Eurocham nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Eurocham cũng đề xuất cần triển khai nhanh hơn và cam kết lâu dài với vấn đề môi trường, đồng thời tăng cường minh bạch hóa và có cơ chế để DN FDI đầu tư vào hạ tầng nhiều hơn cũng như tạo cơ chế giám sát cho sự minh bạch.

Đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc thiết kế lại chuỗi toàn cầu để các doanh nghiệp xuyên quốc gia và các DNNVV kết nối với nhau cần phải được đặt ra lúc này, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay. Theo ông Lộc, cần phải có những hành động cụ thể để định hình mối liên kết giữa khu vực FDI và khu vực DNNVV.

Thực tế đã cho thấy tác động của cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0 đã xóa bỏ biên giới, rút ngắn khoảng cách và tăng khả năng kết nối của từng DNNVV với DN xuyên quốc gia. Qua đó, nhờ kết nối và liên kết về công nghệ mà các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam hoàn toàn có thể kết nối bán hàng cho các doanh nghiệp lớn tại bất cứ một quốc gia phát triển nào.

Trên cơ sở này, người đứng đầu VCCI lên tiếng kêu gọi tại diễn đàn các doanh nghiệp FDI nên coi việc liên kết với DNNVV có thể tham gia vào chuỗi sản xuất như là “trách nhiệm xã hội” đi cùng với mang lại lợi ích lâu dài bởi việc hợp tác với doanh nghiệp trong nước sẽ mang lại hiệu quả lớn hơn rất nhiều so với việc nhập khẩu nguyên vật liệu từ các thị trường bên ngoài.

Phát biểu tại diễn đàn VBF, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định Việt Nam luôn xác định lấy hội nhập kinh tế là trọng tâm trong hội nhập quốc tế.

Việt Nam đã và đang đàm phán ký nhiều hiệp định tự do thương mại thế hệ mới với tiêu chuẩn cao không chỉ về kinh tế thương mại đầu tư mà còn về mua sắm công. Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện thể chế kinh tế trong nước, tăng cường năng lực cạnh tranh quốc để tích cực hội nhập kinh tế thế giới.

"Đây là chủ trường nhất quá cho dù Việt Nam có hay không có vài hiệp định thương mai tự do như TPP không ngăn cản Việt Nam tiếp tục quá trình này", Phó Thủ tướng cho hay.

Để tạo thuận lợi cho khối doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước, hộ kinh doanh cá thể, người dân, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam cũng đang đi theo cách xây dựng hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Chính phủ đang tạo môi trường thông thoáng, minh bạch cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, cả FDI và tư nhân.

Cụ thể, Chính phủ đang triển khai quyết liệt Nghị quyết 19 và 35, Chính phủ cũng sẽ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn luật Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), nội hàm tập trung vào hỗ trợ có mục tiêu theo nguyên tắc thị trường cho các DNNVV và khuyến khích hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp. Đồng thời, Luật cũng sẽ tập trung phát triển hệ snh thái khởi nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Các lĩnh vực liên quan đến tạo thuận lợi thương mại, thông báo của Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã hoàn tất thành lập Ủy ban tạo thuận lợi thương mại quốc gia do chính Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ là Chủ tịch trên cơ sở hợp nhất ủy ban 1 cửa ASEAN và ủy ban thuận lợi thương mại.

Mục tiêu phấn đấu đến 2018 sẽ đưa được 80% thủ tục hành chính lên cổng thông tin hành chính 1 cửa quốc gia và 1 cửa Asean. Ủy ban cũng sẽ tích cực chỉ đạo bộ ngành, rà soát hoàn thiện sửa đổi 73 thủ tục kiểm tra chuyên ngành của hải quan để tạo thuận lợi thương mại cho tất cả các doanh nghiệp.

Chính phủ sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn hoàn thiện để phát triển mạnh mẽ các loại thị trường. Đây là điều kiện cần và đủ cho doanh nghiệp phát triển, bao gồm thị trường hàng hóa, dịch vụ (xuất khẩu, nội địa, biên mậu), thị trường vốn, chứng khoán, tái chính, thị trường khoa học công nghệ, thị trường bất động sản,...

Chính phủ đang tập trung mọi nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Thông báo mới từ Phó Thủ tướng cho biết, trước đây, Việt Nam nhấn mạnh 3 trọng tâm gồm tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, ngân hàng, đầu tư công. Tới đây sẽ bổ sung thêm 2 lĩnh vực: tái cơ cấu đơn vị sự nghiệp công gắn với xã hội hóa và tái cơ cấu thu chi ngân sách.

Tin bài liên quan