Phối cảnh một công trình hầm đường bộ trên cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Phối cảnh một công trình hầm đường bộ trên cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

Co gọn lộ trình đầu tư cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

0:00 / 0:00
0:00
UBND tỉnh Cao Bằng muốn đầu tư đồng thời Dự án PPP đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng), thay vì thực hiện phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn.

Bỏ phân kỳ đầu tư

Phương án đầu tư “gộp” một lần Dự án PPP đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh do UBND tỉnh Cao Bằng đề xuất vừa nhận được “phiếu thuận” quan trọng của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT).

Trong Công văn số 5990/BGTVT-CĐCTVN gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT cho biết, do khó khăn về cân đối nguồn lực, trên cơ sở kết quả dự báo nhu cầu vận tải, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án với phương án phân kỳ thành 2 giai đoạn.

Trong đó, giai đoạn I (2020 - 2025) đầu tư trước 93,35 km (từ Km0+00 tại nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đến Km93+350 điểm giao với Quốc lộ 3, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng) với phần lớn chiều dài tuyến có quy mô nền đường là 13,5 m. Giai đoạn II (sau năm 2025), đầu tư mở rộng đoạn tuyến đã đầu tư giai đoạn I để đạt chiều rộng nền đường 17 m và đầu tư tiếp khoảng 27,71 km (từ khoảng Km93+350 điểm cuối giai đoạn 1 đến Km121+060, điểm cuối tại ranh giới quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh).

Tuy nhiên, quá trình thẩm định hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án giai đoạn I cho thấy, phương án phân kỳ với chiều rộng nền đường 13,5 m (2 làn xe) sẽ có khó khăn nhất định, do giai đoạn II nền đường chỉ mở rộng thêm 3,5 m, nên các giải pháp thiết kế giai đoạn I chưa thực sự hiệu quả, nhất là đối với các đoạn nền đường đoạn đào cao, đắp sâu, công trình cầu trên tuyến, đồng thời khó khăn trong việc vừa thi công mở rộng, vừa phải đảm bảo an toàn khai thác.

“Trường hợp cân đối được nguồn vốn, việc triển khai giai đoạn II, đặc biệt là việc kết nối đến Khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư, bảo đảm kinh tế - kỹ thuật và khai thác an toàn với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m”, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT đánh giá.

Một điểm cấn cá đối với phương án này, theo Bộ GTVT, là tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được quy hoạch có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 22 m. Do vậy, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Cao Bằng chỉ đạo các đơn vị rà soát kỹ nhu cầu vận tải, thời điểm đầu tư giai đoạn II, điều kiện nguồn lực để xem xét, lựa chọn quy mô giai đoạn II của Dự án, hạn chế việc phân kỳ đầu tư nhiều lần.

Chờ cơ chế thí điểm

Liên quan phương thức đầu tư giai đoạn II, Bộ GTVT cho biết, tại Văn bản số 1093/UBND-GT ngày 9/5/2023, UBND tỉnh Cao Bằng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh chủ trì công tác chuẩn bị đầu tư giai đoạn II của Dự án bằng nguồn vốn ngân sách địa phương; giai đoạn thực hiện Dự án triển khai theo hình thức đầu tư công bằng nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

Ngoài ra, UBND tỉnh Cao Bằng còn đề xuất được chỉ định thầu toàn bộ gói thầu xây lắp thuộc giai đoạn II cho đơn vị trúng thầu giai đoạn I của Dự án nhằm bảo đảm không chồng chéo, đáp ứng tiến độ Dự án.

Về đề xuất được chỉ định thầu toàn bộ gói thầu xây lắp thuộc giai đoạn II cho đơn vị trúng thầu giai đoạn I của Dự án, Bộ GTVT cho rằng, đây là cơ chế đặc thù khác với quy định pháp luật hiện hành, nên đề nghị UBND tỉnh Cao Bằng cân nhắc kỹ lưỡng với đề xuất nêu trên; trường hợp cần thiết phải áp dụng cơ chế đặc thù chỉ định thầu phải trình Quốc hội thông qua.

Bên cạnh đó, tại Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 16/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được đầu tư theo phương thức PPP, nên Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Cao Bằng làm rõ cơ sở pháp lý khi đề xuất phương án đầu tư công giai đoạn II.

Trường hợp thực hiện giai đoạn II theo hình thức đầu tư công, cần thực hiện thủ tục theo quy định pháp luật, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư của Dự án. Trường hợp triển khai theo phương thức PPP, đề nghị UBND tỉnh Cao Bằng tính toán mức vốn tham gia của Nhà nước trong Dự án, bảo đảm tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia không vượt quá 50% tổng mức đầu tư của Dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP.

Trong trường hợp cân đối được nguồn vốn để triển khai ngay giai đoạn II của Dự án, Bộ GTVT thống nhất việc giao UBND tỉnh Cao Bằng chủ động thực hiện một số công việc chuẩn bị đầu tư giai đoạn II của Dự án bằng nguồn vốn ngân sách địa phương.

“Việc giao địa phương là cơ quan chủ quản sẽ xem xét quyết định sau khi Quốc hội thông qua ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ”, lãnh đạo Bộ GTVT nêu quan điểm.

Tin bài liên quan