Theo quy định hiện hành, để hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, cá nhân và pháp nhân đều cần có các loại chứng chỉ phù hợp với hoạt động. Đối với cá nhân, có nhiều loại chứng chỉ hành nghề trong hoạt động xây dựng như kỹ sư hoạt động xây dựng, lĩnh vực giám sát, khảo sát, thiết kế công trình xây dựng; kỹ sư định giá xây dựng, môi giới bất động sản, định giá bất động sản.
Đối với pháp nhân, các doanh nghiệp muốn hoạt động kinh doanh cũng cần được cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cho từng lĩnh vực như khảo sát xây dựng, tư vấn lập quy hoạch xây dựng, lập thẩm tra dự án đầu tư xây dựng, thiết kế thẩm tra thiết kế xây dựng công trình, tư vấn quản lý dự án, giám sát thi công xây dựng, thi công xây dựng, tư vấn quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Mỗi một lĩnh vực, doanh nghiệp buộc phải đáp ứng nhiều yêu cầu cả về năng lực tài chính, cũng như năng lực chuyên môn. Chẳng hạn, đối với doanh nghiệp muốn có chứng chỉ trong lĩnh vực thi công thì đòi hỏi phải có năng lực tài chính, cụ thể là 3 năm không lỗ liên tiếp cho đến thời điểm xin cấp chứng chỉ.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải đáp ứng hàng loạt yêu cầu về nhân sự. Cụ thể, trường hợp doanh nghiệp xin cấp chứng chỉ thi công hạng I thì phải có 3 người đủ điều kiện là chỉ huy trưởng công trường hạng I, có 7 người phụ trách thi công lĩnh vực chuyên môn, có 10 người có chuyên môn phù hợp, có 5 người quản lý an toàn lao động trở lên và có trên 30 công nhân kỹ thuật có chứng chỉ chuyên môn...
Tương tự, với các chứng chỉ khác cũng đòi hỏi đáp ứng yêu cầu về năng lực tài chính, số người có chuyên môn, doanh nghiệp phải có quy trình quản lý thực hiện công việc và hệ thống quản lý chất lượng. Các doanh nghiệp từng thực hiện công việc tại công trình cấp 1, cấp 2, cấp 3 tùy thuộc vào hạng chứng chỉ xin cấp...
Các chứng chỉ hạng I do Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) cấp, các chứng chỉ hạng II, III do các Sở Xây dựng cấp. Hầu hết các cơ quan này đều đăng tải trên website đầy đủ thủ tục, quy trình, yêu cầu hồ sơ... Tuy nhiên, trên thực tế, khi doanh nghiệp xin cấp chứng chỉ thường gặp trường hợp thiếu trước, thiếu sau và đi lại nhiều lần vẫn chưa thể bổ sung đủ các giấy tờ.
Chính vì vậy, dịch vụ tư vấn hỗ trợ cấp chứng chỉ hoạt động xây dựng càng nở rộ. Một công ty đào tạo cung cấp dịch vụ này cho biết, nếu doanh nghiệp có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ theo yêu cầu, phí xin cấp chứng chỉ hạng I là 60 triệu đồng, bất kể là doanh nghiệp xin cấp một hay nhiều chứng chỉ. Sau khi nhận đủ hồ sơ và chi phí, đơn vị này cam kết đối tác sẽ có chứng chỉ trong khoảng thời gian từ 1 - 1,5 tháng.
Khi trao đổi với khách hàng, nhân viên công ty này luôn nhấn mạnh, chỉ có thể hỗ trợ tư vấn thủ tục xin cấp chứng chỉ với điều kiện khách hàng phải có năng lực thực sự như là khách hàng phải kinh doanh không lỗ liên tiếp 3 năm. Nếu xin cấp chứng chỉ hạng I, thì khách hàng phải có hợp đồng thực hiện công việc trong lĩnh vực xin cấp đối với công trình cấp 1 hoặc là 2 công trình hạng cấp II. Hồ sơ đòi hỏi hợp đồng và biên bản nghiệm thu. Đây là một trong những điều kiện mà doanh nghiệp thường gặp khó khăn.
Dù nhấn mạnh chỉ có thể làm dịch vụ đối với khách hàng có năng lực thực sự, nhưng các công ty làm dịch vụ luôn sẵn sàng hỗ trợ đối với những điều kiện còn thiếu.
Chẳng hạn, với yêu cầu doanh nghiệp phải có 3 nhân sự có chứng chỉ chỉ huy trưởng công trình, công ty dịch vụ sẵn sàng hỗ trợ cung cấp nhân sự có chứng chỉ hành nghề. Khách hàng chỉ cần điền vào hợp đồng lao động để hợp thức hóa. Hay vấn đề hệ thống quản lý chất lượng ISO, khách hàng thiếu đến đâu, bên dịch vụ sẵn sàng cung cấp. Tất nhiên, chi phí sẽ bị đội lên.
Đối với chứng chỉ hành nghề cá nhân, một công ty nhận làm dịch vụ báo giá trọn gói thi đỗ và kê khai với giá 11 triệu đồng cho 1 lĩnh vực. Nếu cá nhân có nhu cầu làm 2 lĩnh vực, giá sẽ mềm hơn, 16 triệu đồng và 3 lĩnh vực giá là 21 triệu đồng. Nếu khách hàng chỉ cần đăng ký dự thi thì chi phí chỉ 1 triệu đồng, nhưng phải tự kê khai và tất nhiên không kèm dịch vụ bảo đảm đỗ.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com