Sáng 11/8/2022, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp theo chủ đề “Chủ động thích ứng phục hồi nhanh và phát triển bền vững
VCCI: Khai thông hỗ trợ lãi suất tín dụng 2%
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI kiến nghị Chính phủ quan tâm xử lý một số nguy cơ, nút thắt cho doanh nghiệp trong thời gian tới.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 11/8. |
Thứ nhất về tài chính, nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp. Sức ép tài chính cho các doanh nghiệp rất lớn, tái cấu trúc và phục hồi sau dịch nhiều doanh nghiệp trước đó đã nêu. Do đó, với sức ép như thế này, nguồn vốn, tài chính là mạch máu cho doanh nghiệp, đề nghị Chính phủ đẩy mạnh Chương trình Hỗ trợ phục hồi đã được Quốc hội thông qua và Chính phủ cũng đã ban hành nghị quyết, đặc biệt cần khai thông hỗ trợ lãi suất tín dụng 2% theo Nghị định 31.
“Tất nhiên, việc khai thông nay cần cân đối cả việc nới room tín dụng, đây là vấn đề rất khó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đang phải xử lý. Chúng tôi cho rằng, việc bảo đảm nguồn vốn cho doanh nghiệp từ nay đến cuối năm cũng như giai đoạn sau này rất quan trọng”, Chủ tịch VCCI lý giải.
Thứ hai, về nhân lực, các ngành đang phục hồi mạnh như du lịch, dịch vụ đang rất khó vì thiếu hụt nhân lực. Làn sóng dịch chuyển FDI toàn cầu sau Covid-19 cũng đòi hỏi Việt Nam chúng ta có nguồn nhân lực để nắm bắt làn sóng này. Nhân lực cần có giải pháp lớn của Chính phủ, trong đó rất cần sự than gia của doanh nghiệp để bảo đảm thực hiện mô hình kết nối Nhà nước – Nhà trường – Doanh nghiệp trong đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực.
Thứ ba, cần tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp gồm các chi phí về thời gian, chi phí về nhân lực và chi phí tiền bạc.
Qua gặp gỡ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài, họ đều quan tâm đến vốn, môi trường kinh doanh khi quyết định đầu tư. Do đó đề nghị tiếp tục tập trung cải cách thủ tục hành chính, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực mà doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều phiền hà như đất đai, xây dựng, giao thông, môi trường…
Vinasme: Kéo dài chính sách hỗ trợ về tài chính, thuế đến hết năm 2023
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (Vinasme) gửi tới Thủ tướng Chính phủ 7 kiến nghị.
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (Vinasme). |
Thứ nhất, thực hiện việc cấp bù lãi suất để thúc đẩy các ngân hàng mở rộng quy mô vốn vay cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt chú trọng các khoản vay tín dụng xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, đổi mới sáng tạo, công nghiệp phụ trợ, chế biến chế tạo, chuỗi liên kết…
Thứ hai, kéo dài chính sách hỗ trợ về tài chính, thuế đến hết năm 2023. Đồng thời với việc cải cách trình tự, thủ tục thuế, chế độ kế toán cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi, qua đó hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp trước áp lực về giá, chi phí sản xuất, sinh hoạt tăng cao.
Thứ ba, nhanh chóng ban hành chính sách hỗ trợ mua bán trực tuyến dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và 5,2 triệu hộ kinh doanh nhằm hỗ trợ đối tượng này thích ứng với sự thay đổi mạnh mẽ, nhanh chóng từ giao dịch mua, bán hàng hoá trực tiếp sang online, giúp họ tồn tại và phát triển.
Thứ tư, thực hiện hỗ trợ qua hình thức mua sắm công đối với gói thầu xây dựng dưới 5 tỷ đồng và mua sắm hàng hoá dịch vụ dưới 3 tỷ đồng sử dụng ngân sách phải dành cho các nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Thứ năm, triển khai nhanh chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo quy định.
Thứ sáu, tạo cơ chế thuận lợi để khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân trong nước mạnh dạn đầu tư thành lập các khu, cụm vườn ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thứ bảy, tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa trên hai phương diện ban hành chính sách pháp luật và thực thi.
Vaba: Giải quyết triệt để tắc nghẽn ở các sân bay lớn
Ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (Vaba) cho biết, hàng không đã phục hồi trở lại, đặc biệt các mảng hàng không có tần suất bay cao, như tại Cảng hàng không Phú Quốc đạt 100 chuyến bay/ngày, vượt cả Cam Ranh. Các doanh nghiệp hàng không chuẩn bị khá kịp thời cho giai đoạn phục hồi, các ngành hàng không đã tích cực chuẩn bị, mở các đường bay mới… Để đối phó với những khó khăn này, các doanh nghiệp đã có những thay đổi quan trọng, đặc biệt trong việc tái cấu trúc để thích ứng với xu hướng mới.
Ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (Vaba). |
Những khó khăn, vướng mắc lớn nhất của các doanh nghiệp hàng không hiện nay là trên thế giới vẫn diễn ra những xung đột, liên quan đến việc triển khai các đường bay, phải điều chỉnh bay vòng, bay xa, tác động tiêu cực đến hoạt động của hàng không.
Giá xăng dầu ở mức cao, ảnh hưởng rất lớn các doanh nghiệp.
Tình hình dịch bệnh tuy đã có giảm những chưa hoàn toàn triệt tiêu, vẫn còn những tiềm ẩn nguy cơ cả quốc tế lẫn trong nước.
Nhiều nước vẫn thận trọng trong việc mở cửa bầu trời, đặc biệt là những nước có lượng khách lớn đến với Việt Nam, khiến thị trường hàng không mất một lượng khách lớn, chậm quá trình phục hồi các đường bay quốc tế.
Một yếu tố nữa liên quan đến cơ sở hạ tầng của ngành hàng không dù được tăng cường rất nhiều, nhưng chưa hoàn toàn đáp ứng, còn những điểm nghẽn về hạ tầng, đặc biệt đối với những sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài.
Vaba gửi tới Thủ tướng Chính phủ 5 kiến nghị:
Thứ nhất, phối hợp hoạt động của các cơ quan nhà nước, điều tiết kết cấu hạ tầng, giải quyết triệt để tắc nghẽn ở các sân bay lớn.
Thứ hai, đẩy nhanh tốc độ phát triển hạ tầng hàng không.
Thứ ba, cần thiết phải sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách của ngành hàng không, kể cả nguồn xã hội hoá nguồn vốn đầu tư cho các cơ sở hạ tầng của ngành..
Thứ tư, sớm khôi phục lại đẩy mạnh giao thông hàng không với các quốc gia có lượng khách lớn vào Việt Nam, mở rộng thêm những tuyến, đường bay quốc tế, tích cực triển khai các chương trình quảng bá để cải thiện hình ảnh quốc gia, thu hút khách đến Việt Nam.
Thứ năm, nghiên cứu và điều chỉnh khung giá trần nội địa nội địa cho các hãng hàng không và kiểm soát các hãng mới. Tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ, liên quan đến miễn giảm thuế đất…
VLA: Đảm bảo giá xăng dầu ổn định như hiện nay, ít nhất cho tới quý II/2023
Ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA). |
Ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, với vai trò là mạch máu lưu thông hàng hoá trong nội địa cũng như quốc tế, kết nối thương mại qua biên giới, Hiệp hội xin đề xuất tập trung vào 2 vấn đề.
Thứ nhất, đẩy mạnh vận tải, phát triển chuỗi cung cứng vận tải, các thương hiệu vận tải.
Thứ hai, tăng tính kết nối dựa trên các nền tảng trung tâm logistics lớn, kết nối các hệ sinh thái của Việt Nam, đặc biệt hệ thống cảng biển quốc gia .
Đối với ngành hàng hải, để tận dụng tối đa sức mạnh và hệ sinh thái, việc hỗ trợ phát triển đội tàu, cảng mang thương hiệu Việt Nam là hết sức cần thiết.
Ông Trung lý giải, vừa qua, trong đợt khủng hoảng giá cước (tăng gấp 5-7 lần), lợi nhuận "rơi vào túi" các hãng lớn của nước ngoài. Rõ ràng, Việt Nam chưa được hưởng lợi nhiều trong vấn đề này nên việc đẩy mạnh đội tàu, trong đó có container, là rất quan trọng.
Hiện nay, ngoài cơ chế hỗ trợ đã được Chính phủ, bộ ngành quan tâm thì việc phát triển đội tàu cần hoàn thiện chính sách về mua sắm, đấu thầu”, ông Trung kiến nghị.
Ngoài ra, vận tải phải liên kết được hàng hoá, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp logistics, vận tải, hàng hải thì cơ chế cần phù hợp với các yếu tố quốc tế, đồng thời hài hoà với điều kiện trong nước. Việt Nam là nước nhập khẩu lớn một số mặt hàng như: than (từ 40-70 triệu tấn/năm) hay xuất khẩu clinker/xi măng trên 25 triệu tấn.
Tuy nhiên, đội tàu Việt Nam còn khá nhỏ bé so với đội tàu thế giới nên rất cần cơ chế dành quyền vận tải cho 20-30% sản lượng XNK đó cho đội tàu Việt Nam (trên cơ sở giá thắng thầu vận tải). Các nước khác như Indonesia, Philippines đều áp dụng cơ chế này.
Bên cạnh đó, về phát triển một số hoạt động liên quan đến vận tải đường bộ, Chính phủ đã nỗ lực hỗ trợ hết sức, ví dụ như bình ổn giá xăng dầu. Doanh nghiệp logistics đánh giá rất cao nỗ lực và kết quả đạt được trong điều hành của Chính phủ vừa qua.
“Theo tôi, cần tiếp tục duy trì và đảm bảo giá xăng dầu ổn định như hiện nay, ít nhất cho tới quý II/2023”, ông Lê Quang Trung kiến nghị.
Về vận tải đường biển, thương mại biên giới với Lào và Campuchia cũng rất quan trọng. Hiện nay các hãng vận tải khi sang Lào cần phải được chỉ định bởi một đại lý bên Lào. Vấn đề này sẽ làm tăng thêm chi phí. Hiệp hội cũng đề xuất Chính phủ, bộ ngành lưu tâm, tháo gỡ khó khăn này.
Thời gian tới, chúng ta vẫn đang đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm tàng, rất mong Chính phủ tiếp tục chỉ đạo sát sao, linh hoạt, phù hợp và chuẩn bị nhiều phương án khi phát sinh những vấn đề mới, trong bối cảnh mới.
VASEP: Doanh nghiệp thủy sản lo không vay được khoản vay mới do tồn kho tăng
Một là, chi phí sản xuất tăng cao đáng lo ngại khiến cho giá thành sản phẩm tăng và nguy cơ sẽ giảm khả năng cạnh tranh.
Phó tổng thư ký Nguyễn Hoài Nam, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) tại Hội nghị 11/8. |
Phó tổng thư ký Nguyễn Hoài Nam đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) tham gia Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp ngày 11/8 cho biết sau dịch, thức ăn chăn nuôi đã tăng khoảng 20%. Tỷ trọng của thức ăn chăn nuôi trong giá thành sản phẩm cá tra, tôm đang chiếm 65-70%, nên việc tăng giá tác động rất lớn tới hiệu quả kinh doanh.
Chi phí vận tải biển và nhân công tăng trong 2 năm qua với các lý do liên quan đến dịch, liên quan đến ách tắc và bây giờ liên quan đến giá nhiên liệu tăng và vẫn đang giữ ở mức cao. Chi phí vận chuyển một container đến Bắc Mỹ là 400 triệu đồng; đến châu Âu cũng tăng đến 4 lần từ 10.000 - 12.000 USD.
Các chi phí đầu vào khác như bao bì, hóa chất, vận chuyển, hội nhập… đều tăng.
“VASEP kiến nghị Thủ tướng, các bộ ngành quan tâm có biện pháp hỗ trợ, chỉ đạo tháo gỡ giảm chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có thủy sản, đặc biệt giá thức ăn chăn nuôi”, Vasep kiến nghị.
Hai là, lạm phát tăng cao khiến người dân các nước giảm tiêu dùng, nhiều nhà nhập khẩu cho biết không nhận đơn hàng từ nay đến tháng 10.
“Nghĩa là các doanh nghiệp sẽ tồn kho, không có tiền để trả ngay cho ngân hàng. Mà không trả khoản vay cũ thì các ngân hàng đều báo sẽ không cho vay khoản vay mới, dẫn đến không thu mua được cá, tôm của nông dân. Đây là tình hình đang diễn ra trong tuần qua và mong rằng Thủ tướng Chính phủ cũng như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo giải quyết”, Vasep báo cáo.
Ba là, chi phí tuân thủ xử lý môi trường, một trong ba trụ cột để phát triển bền vững tiếp tục đối mặt với quy chuẩn môi trường liên quan đến nước thải đầu ra không nằm trong quy chuẩn chăn nuôi, rất nhiều chỉ tiêu không phù hợp với nuôi tôm, cá… Vasep kiến nghị trực tiếp tới Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét có quy chuẩn riêng.
VITAS: Đề nghị bỏ quy định nộp thuế nhập khẩu tại chỗ cho hàng hóa dùng để sản xuất xuất khẩu
Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) gửi 5 kiến nghị lớn tới Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vitas tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 11/8. |
Thứ nhất: Đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giày đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035” để tạo điều kiện hình thành các khu công nghiệp lớn có xử lý nước thải tập trung, có công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh để thu hút đầu tư khâu dệt nhuộm giải quyết điểm nghẽn về vải cung cấp cho may xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu xuất xứ để ưu đãi thuế từ các FTAs. Thứ hai: Đề nghị bỏ quy định nộp thuế nhập khẩu tại chỗ cho hàng hóa dùng để sản xuất xuất khẩu (hiện nay phải nộp trước và hoàn sau) (Quy định tại NĐ 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021). Quy định này gây ra nhiều bất cập vì (i) không khuyến khích hàng sản xuất xuất khẩu; (ii) gây ra sự bất bình đẳng giữa hàng gia công xuất khẩu và hàng sản xuất xuất khẩu; (iii) DN phải nộp thuế VAT ngay (nếu chậm nộp phải phạt hoặc tính lãi), nhưng khi xuất khẩu xong thì việc hoàn thuế quá lâu.
“Có doanh nghiệp đọng vốn 140 tỷ đồng cả năm nay như May Việt Tiến, 40 tỷ đồng May Phương Đông. Tiền lãi vay ngân hàng trong thời gian chậm hoàn thuế, doanh nghiệp cũng phải chịu”, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vitas báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.Thứ ba: Đề nghị sớm triển khai thực hiện gói hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp và gói hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ viêc làm cho NLĐ nằm trong gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng. Đặc biệt, sớm triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 để doanh nghiệp đỡ khó khăn.
Thứ tư: Để đảm bảo ổn định nguồn nhân lực cho sản xuất, đề nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội. Hiện tại tỷ lệ đóng quá cao, đặc biệt rà soát thời gian về hưu, điều kiện hưởng lương hưu cho phù hợp với khu vực sản xuất kinh doanh, tránh tình trạng người lao động xin nghỉ hàng loạt để rút bảo hiểm xã hội một lần gây biến động lao động rất lớn cho doanh nghiệp.Cùng với đó, Vitas đề nghị sửa đổi quy định hưởng trợ cấp thất nghiệp để tránh tình trạng lao động trẻ nhảy việc; cơ chế hỗ trợ đào tạo giảng viên, sinh viên học dệt, nhuộm, chuyển đổi số tại các trường đại học, cao đẳng, vì đây là lĩnh vực đào tạo thời gian dài hơn, phức tạp hơn, chi phí tốn kém hơn không phù hợp với cơ chế tự chủ tài chính của các trường.
Thứ năm: đề nghị Chính phủ, các bộ có định hướng, khuyến cáo rủi ro, tháo gỡ vướng mắc liên quan đến cơ chế thanh toán, vận chuyển hàng hóa, chứng từ… cho doanh nghiệp xuất, nhập khẩu vào các nước khu vực và chung quanh khu vực có xung đột Nga – Ukraine…
VACC: Cắt hết các nợ dồn toa để giải quyết dứt điểm cho các nhà thầu
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, với tình hình bão giá vật liệu xây dựng tăng cao, đến 18-40% suốt từ 2021 đến nay, cộng với những khó khăn về nguồn nhân lực do hậu quả của COVID-19 và công việc về xây dựng cũng trở nên hạn hẹp, khó khăn do những vướng mắc về thủ tục pháp lý trong việc đầu tư, nên tình hình chung các doanh nghiệp xây dựng từ nay đến cuối năm vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC). |
"Phần lớn doanh nghiệp trong ngành xây dựng dự kiến chỉ đạt 80-90% kế hoạch đặt ra về doanh thu và sản lượng. Nhưng điều đáng lo ngại là dòng tiền và hiệu quả kinh doanh sụt giảm mạnh vì chi phí lớn", ông Hiệp nói.
Vấn đề nợ đọng xây dựng: Theo ông Hiệp, nợ đọng không thanh toán được khá phổ biến ở tất cả các doanh nghiệp, các tổng công ty, tập đoàn xây dựng hầu hết đều có nợ đọng từ vài trăm đến vài nghìn tỷ trong khi vốn eo hẹp phải vay ngân hàng để trang trải thi công với lãi suất thông thường khoảng 9-10%/năm. Nên có những tập đoàn một quý năm 2022 đạt doanh thu đến 3.000 tỷ đồng, nhưng hiệu quả chỉ đạt xấp xỉ 10 tỷ đồng. Chính vì những khoản nợ đọng này nên các doanh nghiệp xây dựng, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đứng trước nguy cơ phá sản nếu không thu hồi được nợ.
Hiệp hội xin có một số đề xuất. Đối với vốn đầu tư công,đề nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính rà soát lại các chủ đầu tư vốn ngân sách để thống kê chính xác số lượng nợ tồn xây dựng trong các năm trước, báo cáo Thủ tướng phương án cắt hết các nợ dồn toa để giải quyết dứt điểm cho các nhà thầu.